Trong báo cáo mang tên "Tiền đồng giảm giá" công bố ngày 20/8 của Ngân hàng HSBC (Việt Nam) từng cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể phải phá giá đồng Việt Nam đồng thêm 2% nữa từ nay đến cuối năm khi đồng Nhân dân tệ giảm giá sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt hơn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Đồng thời, Ngân hàng này nâng dự báo đối với cặp tỷ giá USD/VND từ 21.800 lên 22.830 vào cuối năm 2015 và từ 22.300 lên 23.300 vào cuối năm 2016.
Trong khi đó mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lại khẳng định sẽ không tiến hành điều chỉnh tỷ giá và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 cũng như các tháng đầu năm 2016.
Vị này cũng cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá ngày 19/8 vừa qua đã là "rất mạnh" và Ngân hàng Nhà nước đã lường đón trước những biến động kể cả biến động phá giá đồng Nhân dân tệ và khả năng Fed điều chỉnh lãi suất. Do đó, "động thái điều chỉnh tỷ giá hôm 19/8 vừa qua là một biện pháp đi trước một bước".
Trao đổi với BizLIVE, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, việc HSBC đưa ra dự báo trên dựa vào những thông tin, nghiên cứu từ phía ngân hàng thu thập và phân tích.
Ông Doanh cũng không đưa ra bình luận thêm về khả năng dự báo của HSBC có thành hiện thực hay không song ông cũng lưu ý rằng có 2 yếu tố tác động mạnh đến tỷ giá đồng Việt Nam từ nay đến cuối năm là biến động của đồng Nhân dân tệ và việc Fed điều chỉnh lãi suất.
Nguyên Viện trưởng CIEM cho biết, các chỉ số về nền kinh tế Trung Quốc mới công bố như chỉ số PMI giảm liên tiếp 7 tháng và tiếp tục trên đà giảm, chỉ số dịch vụ cũng rơi vào thảm cảnh tương tự.
Bên cạnh đó, cầu trong nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và kinh tế thế giới nói chung giảm mạnh trong khi công suất sản xuất của Trung Quốc vẫn ở mức cao như đối với ngành thép, xi măng nhu cầu chỉ khoảng 50-60% nguồn cung. Bên cạnh đó, nợ của Trung Quốc quá lớn là những nguyên nhân khiến Trung Quốc sẽ tìm cách điều chỉnh tỷ giá…
"Trung Quốc muốn điều hành theo cơ chế thị trường, lấy tỷ giá ngày hôm trước tham chiếu để áp dụng cho ngày hôm sau. Theo tôi việc HSBC dự báo dựa vào căn cứ của họ và chúng ta phải tính đến các điều có thể xảy ra. Cách tốt nhất Ngân hàng Nhà nước nên truyền thông điệp cố gắng giữ ổn định tỷ giá nếu không có những biến động lớn bất thường nào khác vì nếu có biến động xảy ra phải hành động vì nếu không hành động mình sẽ dại", ông Doanh phân tích và đề xuất.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM cũng cho biết, không ngoại trừ kịch bản Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ ở mức cao và lãi suất mà Fed đưa ra cũng lớn tạo cú sốc lớn cho thị trường tiền tệ ảnh hưởng quyết định điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam.
Do đó việc thoát ly khỏi những cam kết không quá khó hiểu song chỉ được thực hiện trong 1 chừng mực nhất định đảm bảo không ảnh hưởng tâm lý, suy tính của thị trường.
Về thông tin được đưa ra trong báo cáo của HSBC, ông Thành cho biết mới đây ông đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo HSBC Việt Nam và vị này nói đây là nghiên cứu thực hiện bên Hồng Kông cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ 22.800 đồng còn theo ý của HSBC Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ không thay đổi.
Theo Bizlive