Theo TS. Võ Trí Thành, tác động của đại dịch Covid-19 như một cơn bão có sức tàn phá mạnh với nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước vẫn cho thấy những điểm sáng.
Ông phân tích, mặc dù chấp nhận thâm hụt nợ công lớn hơn trong năm 2020, song Việt Nam vẫn kiểm soát tốt lạm phát, hệ thống tài chính ổn định.
Đây là một kết quả tích cực vì hệ thống tài chính đã có khả năng chỗng đỡ tốt hơn rất nhiều so với cách đây 5 – 7 năm mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nội tại. Đáng chú ý, TS. Võ Trí Thành cũng cho biết dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện trên dưới 90 tỷ USD.
“Chúng ta vẫn chưa phải sử dụng 1 đồng nào từ dự trữ ngoại tệ để ổn định nền kinh tế. Chúng ta chưa tất tay hết, nguồn lực vẫn còn” – ông Thành nói.
So sánh với một quốc gia khác trong khu vực, ông Thành cho biết Singapore đã phải dành ra tới 55 tỷ đôla Singapore, tức khoảng hơn 40 tỷ USD, để hỗ trợ nền kinh tế. Tổng mức hỗ trợ từ đầu dịch tới nay của quốc gia này ước khoảng hơn 100 tỷ đôla Singapore.
Kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng dương!
Theo ông Thành, cho đến cuối năm 2019, nhiều người tin rằng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chững lại nhưng vẫn đạt 3%. Sau đó con số dự báo giảm dần, còn từ 0-1% và đến giờ âm khoảng 5%, nhóm các nền kinh tế phát triển âm 10%.
Đối với Việt Nam, cách đây vài tháng, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng trên dưới 5%, giờ kỳ vọng tăng trưởng khoảng 4%. Gần nhất, con số tăng trưởng 2 – 3% vẫn được đề cập dù đây là viễn cảnh vô cùng tích cực so với thế giới.
Chia sẻ quan điểm cá nhân, TS. Võ Trí Thành cho rằng khả năng tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 2-3% là cao nhất.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực thiên về kịch bản tình huống xấu nhất (có làn sóng dịch Covid-19 thứ 2, thứ 3), nhưng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ vẫn ở mức 1,5 – 2%.
“Việc phấn đấu tăng trưởng dương là hoàn toàn khả thi. Việt Nam sẽ là 1 trong 5 nước tăng trưởng dương” – TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Trích dẫn một số thống kê sơ bộ, ông Lực cho biết lĩnh vực kinh doanh bất động sản đống góp 4,5% GDP, cộng thêm lưu trú thì đóng góp 8,3% GDP, ngành xây dựng đóng góp 5,84% GDP.
Lĩnh vực bất động sản tác động tới 35 ngành nghề trong nền kinh tế, đặc biệt là du lịch, xây dựng và tài chính ngân hàng. Do đó, bất động sản có tính lan tỏa rất lớn./.