Chia sẻ tại buổi Hội thảo bất động sản Việt Nam 2020 – 2021: Sẵn sàng chu kỳ mới, ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) cho rằng về lâu dài, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, hiệu quả nhất tại Việt Nam.
Theo ông Quyết, các chính sách giải cứu thị trường bất động sản trong dịch Covid-19 sẽ cần nhiều thời gian để ngấm vào thị trường, thậm chí là phải đợi sang năm 2021 mới đi vào cuộc sống.
Vị Chủ tịch FLC cũng cho rằng các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản bài bản sẽ vẫn khỏe mạnh dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch từ 3 tháng đến 1 năm.
“Có nơi, bất động sản càng để lâu càng có hiệu quả, giá nhà tăng lên gấp 2 – 3 lần. Nhưng các công ty làm dịch vụ bất động sản, ví dụ như các công ty môi giới bất động sản, thì không thể chờ lâu như vậy được. Cái lo nhất đối với FLC lúc này là các dịch vụ như nghỉ dưỡng, hàng không và vận tải” – ông Quyết nói.
Vẫn giữ quan điểm đầu tư vào bất động sản, ông Quyết cho biết các nhà đầu tư thua lỗ thường là các nhà đầu tư theo phong trào, chỉ có “10% nhà đầu tư lướt sóng là thành công còn 90% là thất bại”.
Cũng tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Đính (Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam) chia sẻ các số liệu cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên cả nước chỉ có khoảng 10.000 giao dịch thành công, chỉ bằng khoảng 10% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Đính cho rằng đây vẫn là con số cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh đại dịch và các chỉ số giao dịch giảm mạnh không phải là vấn đề của thị trường, mà do những vấn đề về chính sách vĩ mô.
“Năm 2019 là đỉnh điểm các dự án bị rà soát sau một thời gian phát triển nóng, những “lỗ hổng” trong chính sách mới bộc lộ. Nhiều dự án phải dừng lại để tiến hành thanh, kiểm tra. Có địa phương ít thì vài chục dự án, còn những thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM đến hàng trăm dự án bị đình trệ” – ông Đính nói.
Về phía cầu, ông Đính dẫn lấy ví dụ cho thấy sức hấp thụ các dự án được mở bán trong giai đoạn này vẫn rất tốt. “Có dự án gần 40 triệu/m2, chỉ trong vòng 2 – 3 tháng đã tiêu thụ hết 95% sản phẩm. Điều đó cho thấy thị trường có nhu cầu đầu tư, kinh doanh và nhà để ở rất lớn”.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội dù chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh. Trong đó nổi lên các lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, bất động sản nhà ở và bất động sản logistics.
Ngoài ra, ông Lực cũng cho biết hành vi tiêu dùng và nhu cầu bất động sản sẽ thay đổi rất nhiều sau đại dịch. Trong đó, bất động sản số sẽ là câu chuyện rất tiềm năng trong tương lai./.