Trước tình hình những ngày qua, số F0 của Hà Nội liên tục tăng cao, UBND TP. Hà Nội đã có công điện chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Khẩn trương hoàn thành giường bệnh điều trị cho F0
Nhằm ứng phó với diễn biến mới của dịch khi F0 tăng nhanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải yêu cầu Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn và các lực lượng chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai phương án mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tự nguyện tại các cơ sở lưu trú và cách ly tại nhà trên địa bàn đối với các trường hợp F1 trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã đảm bảo điều kiện theo quy định.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương phối hợp với Sở Y tế Hà Nội triển khai ngay các cơ sở điều trị người mắc COVID-19 thể nhẹ, không triệu chứng theo mô hình Trạm Y tế lưu động theo phương án của UBND TP. Hà Nội, đảm bảo mỗi phường, xã, thị trấn có bình quân ít nhất 150 giường bệnh (yêu cầu hoàn thành trong ngày 2/12).
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân tại bệnh viện (Ảnh - BYT) |
Theo hướng dẫn của Sở Y tế, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các địa phương liên hệ và phối hợp với các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn, xây dựng phương án và phân công lực lượng phối hợp cùng hệ thống y tế cơ sở tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm theo quy định, hoàn thành trong ngày 5/12.
Cùng với đó, các quận, huyện phải lên phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người mắc COVID-19 tại nhà theo kế hoạch của UBND TP. Hà Nội; phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Giao thông vận tải triển khai vận chuyển các trường hợp F1 đến các cơ sở cách ly tập trung của thành phố chậm nhất 12 tiếng sau khi có kết quả xét nghiệm của cơ quan y tế và quyết định của chính quyền địa phương.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các quận, huyện phải hối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế triển khai phần mềm quản lý việc điều trị F0 tại các cơ sở y tế của cơ sở và tại nhà; có phần mềm, ứng dụng quản lý F1 tại nhà; chuyển mẫu xét nghiệm đến các cơ sở xét nghiệm theo hướng dẫn của Sở Y tế trong thời gian ngắn nhất để đáp ứng diễn biến dịch bệnh; chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải để có phương án khi điều kiện trang thiết bị chưa đủ khả năng đáp ứng theo yêu cầu công tác phòng, chống dịch, hoàn thành chậm nhất trong ngày 5/12.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng chỉ đạo các quận, huyện tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là tiêm mũi 2 với người trên 50 tuổi; tiếp tục tiêm cho trẻ em theo lộ trình hạ dần độ tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ 12-14 tuổi.
Chủ động ứng phó với diễn biến của dịch do biến chủng Omicron
Dự báo số ca mắc COVID-19 sẽ tiếp tục tăng nhanh khi các hoạt động kinh tế - xã hội, giao thương hàng hóa và người dân từ các địa phương trên cả nước về thành phố trong những tháng cuối năm tăng cao, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Y tế thực hiện các biện pháp cấp bách sau:
Chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine; tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương có diễn biến dịch phức tạp và chủ động triển khai các biện pháp phù hợp điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới để hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Biến chủng Omicron (Ảnh minh hoạ) |
Khẩn trương hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện quyết định của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị.
Trên cơ sở phương án cách ly, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người mắc COVID-19 phải hướng dẫn danh mục các loại thuốc, phương pháp điều trị và xử lý các tình huống khi điều trị tại nhà; xây dựng quy trình, phổ biến rộng rãi đến toàn bộ người dân để sẵn sàng chuẩn bị trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 5/12.
Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông triển khai phần mềm quản lý việc điều trị F0 tại các cơ sở cơ sở y tế và tại nhà, hoàn thành trước ngày 4/12 để triển khai trên toàn thành phố.
Tăng cường phân luồng các bệnh viện của thành phố, hệ thống y tế ngoài công lập, các cơ sở xét nghiệm đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế về các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để triển khai phương án đáp điều trị và cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người nhiễm COVID-19 theo kế hoạch của UBND TP. Hà Nội, hoàn thành chậm nhất trong ngày 5/12.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: Sở Y tế chịu trách nhiệm chuyên môn trong việc điều trị, phân tuyến và xử lý khi số ca bệnh tăng cao, kiểm soát đối với các ca bệnh chuyển tầng điều trị, thường xuyên báo cáo và cập nhật tình hình điều trị F0 trên địa bàn thành phố để báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội, Thành ủy chậm nhất vào 18h30 hàng ngày.
Từ ngày 11/10 đến ngày 1/12, Hà Nội đã ghi nhận 6.568 ca mắc COVID-19. Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trong những ngày gần đây, trong đó chỉ tính riêng từ ngày 25/11 đến ngày 1/12 (6 ngày), thành phố đã có 1.751 ca mắc COVID-19 (trung bình 291 ca/ngày), phần lớn các ca bệnh đều được phát hiện trong cộng đồng (chiến khoảng 38% tổng số ca mắc), trong các ca cộng đồng, tỉ lệ mắc thứ phát chiếm tỷ lệ khoảng 70%.
Nhiều chùm ca bệnh trên địa bàn thành phố đã được phát hiện, khoanh vùng, cách ly, phong tỏa. Tuy nhiên số ca mắc mới vẫn cao và vẫn phát sinh thêm các ca bệnh mới tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm 371 ca; xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm 330 ca; phường La Thành, Giảng Võ 219 ca; tại các khu dân cư địa hình chật hẹp như ngõ Khâm Đức, phố Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa 83 ca.