Chủ tịch UBND TP. Hà Nội:

Chủ tịch Hà Nội cảnh báo COVID-19 đang lây nhiễm chéo trong cộng đồng

VietTimes -- Chiều nay (18/3), tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – nhấn mạnh COVID-19 đang lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội diễn ra với nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: Minh Thúy
Cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội diễn ra với nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: Minh Thúy

Số ca mắc COVID-19 sẽ tiếp tục tăng

Hiện, trên cả nước đã ghi nhận 75 ca mắc COVID-19. Theo ông Nguyễn Đức Chung, thời gian tới, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ tiếp tục gia tăng.

Ông Chung nhấn mạnh: Dịch COVID-19 đang lây nhiễm chéo trong cộng đồng thông qua việc tiếp nhận, phân loại, xét nghiệm những du học sinh, người dân về nước tại sân bay Nội Bài.

Cùng với đó, COVID-19 có thể lây nhiễm trong cộng đồng dân cư, liên quan đến học sinh, khách du lịch đến Hà Nội. Thực tế, từ ngày 3-6/3, một số trường hợp về nước đã được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Vì thế, những người tiếp xúc gần với các ca bệnh này thuộc các đường lây F1,F2,F3,F4 có khả năng tăng trong thời gian tới.

Bác sĩ thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Thúy
Bác sĩ thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Thúy

Ngoài ra, các cán bộ tiếp xúc trực tiếp với những công dân về từ vùng có dịch sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ mắc bệnh. Mặc dù các cán bộ làm nhiệm vụ đã có biện pháp bảo hộ cá nhân nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh vẫn rất cao.

Theo các chuyên gia y tế, virus SARS-CoV-2 ảnh hưởng không đồng đều, ở mỗi độ tuổi khác nhau lại có các tác động khác nhau, trong đó, tỷ lệ tử vong ở độ tuổi 40 đến 60 tuổi chiếm 0,2%, dưới 40 tuổi tỷ lệ tử vong là 0,07%.

Thời gian ủ bệnh chưa thể kết luận được vì từng trường hợp khác nhau lại có thời gian ủ bệnh khác nhau, lâu nhất là 39 ngày.

Về khả năng kéo dài của dịch bệnh, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đến nay thế giới vẫn chưa thể định nghĩa được. Đặc biệt, rất khó đánh giá những trường hợp ở thể nhẹ, không có biểu hiện gì, vẻ ngoài vẫn bình thường, nhưng xét nghiệm lại dương tính.

Ông Chung nhận định: "Toàn thành phố phải tiếp tục chiến đấu trong vòng 10 tuần nữa, để xác định thành phố có thể đi đến đâu trong quá trình chống dịch”.

Phát hiện cách ly nhanh chóng ca bệnh, ngăn chặn nguồn lây nhiễm

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh việc cần hiết nhất hiện nay là phát hiện và cách ly nhanh chóng những người có triệu chứng ho, sốt, khó thở.

Ngay khi phát hiện các trường hợp này phải nhanh chóng điều các đội phản ứng nhanh, có đầy đủ trang thiết bị y tế, tiến hành đưa bệnh nhân vào trung tâm cách ly ở bệnh viện. Tuyệt đôi không để bệnh nhân tự đi khám, không gọi taxi.

Những người đi từ vùng dịch về nhưng chưa được phát hiện và khai báo y tế, chủ động tự cách ly tại nhà, khi phát hiện có dấu hiệu không bình thường phải báo cáo ngay với các cơ sở y tế tại địa phương và nơi cư trú.

Khu vực cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy
Khu vực cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Minh Thúy 

Bên cạnh đó, ông Chung yêu cầu các đơn vị tiếp tục đào tạo nguồn y tá, bác sĩ đi lấy mẫu xét nghiệm. Huy động tất cả các bệnh viện đảm bảo lấy từ 1.500-2.000-3.000 mẫu/ngày. Các đội cơ động ở các quân, huyện phải phân công trực cụ thể 24h/24/7 ngày, bất kể lúc nào phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải kiểm tra, giám sát ngay.

Để chủ động phòng, chống dịch trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khuyến khích người dân nâng cao tinh thần tự giác, vận động các gia đình có đám cưới, đám giỗ hoãn tiệc.

Nếu không thực sự cần thiết thì các cửa hàng nên đóng trừ cây xăng, hiệu thuốc, siêu thị, các cửa hàng lương thực thực phẩm. "Nếu không có nhiệm vụ gì, từ nay đến ngày 31/3, người dân nên ở nhà càng nhiều càng tốt.” – ông Chung nói.