Cho rằng Nga chuẩn bị tấn công Ukraine, Mỹ ráo riết tìm cách đối phó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nga đang điều quân từ Viễn Đông đến Belarus, đồng thời cung cấp xe tăng, vũ khí hạng nặng cho 100.000 quân đang tập kết gần Ukraine. Mỹ cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào và ráo riết đối phó.
Mỹ sẽ cung cấp thêm tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine để đối phó "cuộc tấn công" của quân đội Nga (Ảnh: Đông Phương).
Mỹ sẽ cung cấp thêm tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine để đối phó "cuộc tấn công" của quân đội Nga (Ảnh: Đông Phương).

Theo Hãng thông tấn AP ngày 19/1, một quan chức Mỹ ngày 18/1 nói Nga đang điều động một số lượng chưa rõ binh sĩ từ vùng Viễn Đông của nước này tới Belarus để tham gia cuộc tập trận quy mô lớn. Trong tình hình hiện nay, động thái này sẽ tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự của Nga ở gần Ukraine.

Theo tin của AP, các quan chức Ukraine cho rằng, Nga có thể tiến hành các cuộc tấn công vào Ukraine từ nhiều hướng, chẳng hạn từ Belarus. Nhà Trắng đã cảnh báo rằng Nga có thể phát động một cuộc tấn công "bất cứ lúc nào". Anh Quốc cũng đã gửi một lô hàng vũ khí chống tăng tới Ukraine.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin cho biết hàng chục máy bay chiến đấu Su-35 và một số đơn vị phòng không sẽ được triển khai tới Belarus. Nga cũng cung cấp xe tăng và vũ khí hạng nặng khác cho 100.000 quân Nga hiện tập kết gần biên giới Ukraine. Ông cũng nói rằng các cuộc tập trận chung với Belarus sẽ liên quan đến các biện pháp đáp trả chung đối với các mối đe dọa từ bên ngoài.

Quân đội Nga triển khai tới vùng gần biên giới Ukraine (Ảnh: Dwnews).

Quân đội Nga triển khai tới vùng gần biên giới Ukraine (Ảnh: Dwnews).

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 18/1 cho biết các cuộc tập trận chung của quân đội Nga và Belarus sẽ diễn ra ở biên giới phía tây và dọc biên giới phía nam đất nước giáp với Ukraine. Đồng thời, do các lệnh trừng phạt của phương Tây, ông Lukashenko đang cân nhắc việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ Belarus.

Hãng thông tấn Nga TASS ngày 19/1 đưa tin, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát biểu trong cuộc họp báo ngày 19/1 rằng, trong cuộc tập trận chung Nga-Belarus sắp tới, Nga có thể tấn công Ukraine từ phía bắc. Bà này chỉ ra rằng Nga có thể sẽ đóng quân ở Belarus dưới danh nghĩa tập trận chung để có thể tấn công Ukraine từ phía bắc.

Hãng tin Pháp AFP ngày 19/1 bổ sung, quan chức này nói, quy mô quân đội Nga hiện đang tới Belarus "vượt quá dự đoán của Mỹ về các cuộc tập trận quân sự thông thường". Quan chức này nói thêm rằng thời điểm diễn ra cuộc tập trận Nga-Belarus là "rất đáng chú ý", "điều này khiến người ta lo ngại về việc liệu Nga có sử dụng cuộc tập trận chung này như một cái cớ để đóng quân ở Belarus nhằm tấn công Ukraine hay không."

Tổng thống Nga Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu quan sát quân đội Nga tập trận (Ảnh: TASS).

Tổng thống Nga Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu quan sát quân đội Nga tập trận (Ảnh: TASS).

Quan chức này cũng cho biết Belarus sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo sửa đổi hiến pháp của nước này vào tháng 2 tới. Nếu cuộc trưng cầu này có hiệu lực thì "Belarus có thể cho phép quân đội và vũ khí hạt nhân của Nga được triển khai trên lãnh thổ của mình". Mỹ cho rằng đây sẽ là "thách thức đối với an ninh của châu Âu".

Do dự thảo sửa đổi hiến pháp Belarus đã xóa các điều khoản "Belarus đặt mục tiêu biến lãnh thổ của mình trở thành khu vực phi hạt nhân và duy trì tính trung lập của đất nước" và "Belarus không tham gia vào các cuộc xung đột địa chính trị lớn"; thay thế bằng "tránh xảy ra trên lãnh thổ của mình hành vi xâm lược các nước khác" và "nếu tình hình căng thẳng, Tổng thống Belarus có thể yêu cầu quốc hội xem xét đề nghị cử quân đội và nhân viên liên quan đến các nước và khu vực khác với danh nghĩa duy trì an ninh tập thể “. Vì vậy, Mỹ lo ngại điều này sẽ cho phép quân đội và vũ khí hạt nhân Nga được triển khai lâu dài ở Belarus.

Theo tin của Reuters ngày 18/1, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết, Nga và Belarus sẽ tiến hành cuộc tập trận chung "Alliance Resolve-2022" từ ngày 10 đến 20/2. Tổng thống Lukashenko cho biết các cuộc tập trận chung sẽ diễn ra ở biên giới phía tây của Belarus và biên giới phía nam của nước này với Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tất tưởi đi các nơi để tìm kiếm giải pháp giải quyết khủng hoảng Ukraine - Nga (Ảnh: AP).

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tất tưởi đi các nơi để tìm kiếm giải pháp giải quyết khủng hoảng Ukraine - Nga (Ảnh: AP).

Theo Đài Truyền hình Trung Quốc (CCTV) ngày 18/1, Thiếu tướng Voinov, Cục trưởng Cục Hợp tác quân sự quốc tế, Bộ Quốc phòng Belarus giới thiệu, cuộc tập trận chung được tổ chức trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở khu vực biên giới phía tây và phía nam của Belarus, với sự mục đích đánh giá công tác chỉ huy quân sự và năng lực hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an ninh quân sự chung của liên minh.

Hãng tin Anh Reuters hôm 18/1 đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Geneva vào ngày 21/1 tới. Trước đó, ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo Ukraine và các quan chức châu Âu để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng giữa Moscow và Kiev.

Được biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba tại Kiev vào ngày 19/1. Sau đó ông đến Berlin để gặp Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock. Sau đó sẽ tổ chức hội nghị Bộ tứ xuyên Đại Tây Dương.

Theo hãng tin AP ngày 19/1, Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố rằng “hành trình và những tham vấn của Ngoại trưởng Blinken là một phần trong nỗ lực ngoại giao nhằm làm dịu căng thẳng ở Ukraine do việc quân đội Nga tập kết gây nên”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc gặp của Ngoại trưởng Blinken với Tổng thống Zelensky và Ngoại trưởng Kuleba của Ukraine vào ngày 19/1 nhằm "củng cố cam kết của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine."

Giám đốc CIA Burns (phải) tới Ukraine gặp Tổng thống Zelensky để thảo luận về những nguy cơ đối với Ukraine (Ảnh: globalhappenings).

Giám đốc CIA Burns (phải) tới Ukraine gặp Tổng thống Zelensky để thảo luận về những nguy cơ đối với Ukraine (Ảnh: globalhappenings).

Hãng tin Nga Sputnik đưa tin, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nếu tình hình leo thang dẫn đến việc Nga tấn công Ukraine, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các "vật liệu phòng thủ" bổ sung bên ngoài số hàng đã được giao theo kế hoạch.

Trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 19/1 dẫn truyền thông Mỹ nói, để ngăn chặn Nga tấn công Ukraine, chính quyền Joe Biden đang xem xét các phương án mới khác nhau, trong đó có việc cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hơn để tăng thêm cái giá Tổng thống Nga Vladimir Putin phải trả nếu tấn công Ukraine.

Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết đang đánh giá các phương án để nâng cao khả năng phòng thủ của quân đội Ukraine trước sự chiếm đóng của Nga, trong đó có việc có thể cung cấp bổ sung cho quân đội Ukraine đạn dược, súng cối, tên lửa chống tăng Javelin và các hệ thống tên lửa phòng không ngoài kế hoạch. Những vũ khí này có thể được cung cấp qua các đồng minh NATO.

Mặc dù ông Biden đã nói rằng Mỹ sẽ không gửi binh lính chiến đấu đến Ukraine để chống lại Nga, nhưng có thông tin cho rằng các lực lượng đặc biệt của Mỹ đã thay nhau đến Ukraine để huấn luyện cho quân đội nước này. Cục Tình báo Trung ương (CIA) và các cơ quan chính phủ khác của Mỹ cũng có thể cung cấp một số hỗ trợ. Một quan chức Mỹ cũng cho biết Giám đốc CIA William Burns đã đến Kiev vào tuần trước để gặp Tổng thống Ukraine Zelensky và thảo luận về những nguy cơ đối với Ukraine.

Tuy nhiên, Đông Phương dẫn các nguồn tin quân sự thông thạo biết về kế hoạch này cho biết, Washington vẫn chưa chính thức thay đổi chủ trương của mình. Các quan chức cũng nhấn mạnh rằng kế hoạch này mới chỉ là xem xét sơ bộ và chưa được chính thức trình Tổng thống Biden phê duyệt. Một số quan chức chính phủ thận trọng hơn về việc Mỹ hỗ trợ Ukraine chống lại sự chiếm đóng và thậm chí cho rằng nếu nổ ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine, quân đội Mỹ nên rời đi.

Theo báo Nga Izvestia ngày 19/1, trước động thái của phía Mỹ, Đại sứ quán Nga đã kêu gọi Mỹ từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đại sứ quán Nga nói trong một tuyên bố: “Nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vấn đề Ukraine thông qua các nỗ lực ngoại giao, họ nên từ bỏ kế hoạch trang bị vũ khí cho các lực lượng vũ trang Ukraine.”