Cầu thấp, vàng hết “kiêu”

Từ đầu năm 2014 đến nay, NHNN chưa phải sử dụng ngoại tệ can thiệp bình ổn thị trường vàng.
Cầu thấp, vàng hết “kiêu”

Thờ ơ với vàng

Chỉ trong vòng ít ngày gần đây, thị trường vàng trong nước đã chứng kiến một xu hướng giá đặc biệt “khác lạ”: lần đầu tiên sau 5 năm, giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới.

Cụ thể, hôm 7/3, giá vàng SJC niêm yết ở mức mua vào 33,79 triệu đồng/lượng, bán ra 33,89 triệu đồng/lượng tại Hà Nội, thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 50 nghìn đồng/lượng. Sang đến ngày 8/3, khi giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.272,4 USD/oz, đưa giá vàng thế giới tăng lên gần vùng cao nhất trong 13 tháng, thì giá vàng miếng SJC cũng vượt mốc 34 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC trong nước đang rẻ hơn giá vàng thế giới 100 nghìn đồng/lượng. Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng trên 20%. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC bán lẻ chỉ tăng khoảng 1,2 triệu đồng/lượng, tương đương tăng khoảng 3,5%.

Sở dĩ, việc giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới có thể coi như một diễn biến đáng chú ý là bởi, kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đi vào cuộc sống thì giá vàng trong nước mới dần san bằng sự cách biệt và đến nay đã thấp hơn giá thế giới. Nếu so với những thời điểm chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 5-6 triệu đồng/lượng thì tương quan giá hiện nay rõ ràng đã phản ánh một cục diện hoàn toàn khác.

Phân tích các tác động ảnh hưởng đến diễn biến thị trường vàng trong mấy ngày gần đây, bà Trần Như My, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho biết, giao dịch tại hệ thống của DOJI chủ yếu là khách bán vàng ra, rất ít người mua vào. Đặc biệt, cứ mỗi đợt giá thế giới tăng, giá vàng trong nước điều chỉnh lên một chút là lượng khách đến bán vàng lại nhiều hơn khách mua.

Theo bà My, đúng lý thuyết, khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới thì khách phải mua vàng nhiều hơn khách bán ra, bởi Việt Nam là nước không có nguồn vàng mạnh và chủ yếu phải sử dụng nguồn vàng từ nước ngoài. Nhưng với những gì đang diễn ra, rõ ràng thị trường vàng đang đi lệch quỹ đạo thông thường.

Giải thích thêm về hiện tượng giá vàng trong nước đang rẻ hơn giá vàng thế giới, bà Trần Như My cho rằng, giá vàng trong nước đang phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường, cầu thấp quá nên giá vàng trong nước không đẩy lên được.

Vai trò điều tiết vĩ mô

Để mức chênh lệch giá vàng nói trên trở thành “sự kiện kinh tế” đáng chú ý thì phải khẳng định rằng, đó là kết quả của sự kiên định trong ban hành và thực thi chính sách quản lý thị trường vàng của Chính phủ và NHNN suốt 5 năm qua.

Trong đó, NHNN đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng, gồm: Nghị định 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và vàng; Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

NHNN cũng phải vượt qua nhiều áp lực, bởi tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIII, khá nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị NHNN có giải pháp kéo chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới giảm xuống, nhưng NHNN vẫn rất kiên định mục tiêu để thị trường tự điều tiết.

Theo một chuyên gia kinh tế, nếu chỉ giải quyết việc đưa chênh lệch giá vàng trong nước gần với giá thế giới thì cho nhập khẩu vàng về nhiều hơn, NHNN sẽ đạt mục tiêu. Nhưng nếu NHNN cấp quota cho các DN nhập khẩu vàng về sẽ gây căng thẳng cho thị trường ngoại tệ.

Bên cạnh đó, chính vì giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới trong một thời gian dài như vậy đã trở thành “vũ khí” làm cho những người đầu cơ vàng chán nản và loại vàng ra khỏi kênh đầu tư.

“Việt Nam là nước nhập khẩu vàng và chịu nhiều ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý, tập quán nắm giữ vàng của người dân. Trong suốt một thời gian dài trước đây, thị trường vàng Việt Nam luôn biến động bất thường và là nhân tố gây bất ổn thị trường ngoại hối, tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô”, vị chuyên gia trên nói.

Trong một báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội gần đây, NHNN khẳng định với các biện pháp quyết liệt triển khai từ cuối năm 2011, công tác quản lý thị trường vàng đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.

Đến nay, thị trường vàng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đã được đảm bảo; vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao; toàn bộ quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua, bán vàng; tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn.

Sau khi NHNN tổ chức đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung, thu hẹp sự mất cân đối về cung cầu vàng miếng, đồng thời hỗ trợ các TCTD tất toán số dư huy động vốn bằng vàng, từ đầu năm 2014 đến nay, NHNN chưa phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp bình ổn thị trường vàng.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục các giải pháp đồng bộ để đảm bảo thị trường vàng duy trì ổn định, sử dụng nguồn lực bằng vàng trong nước để tự cân đối.

Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc triển khai các giải pháp đồng bộ, linh hoạt nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và nâng cao lòng tin của người dân vào giá trị đồng Việt Nam.

Đây là tiền đề quan trọng để triển khai giải pháp trong dài hạn là huy động nguồn lực vàng trong nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc NHNN mua vàng miếng, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện cho phép.

Theo Quang Cảnh

Thời báo ngân hàng