Chàng trai thu thập gần 2.000 địa chỉ cho Bản đồ số Vmap
Những ngày đầu nhận nhiệm vụ đi thu thập địa chỉ số phục vụ dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam - Vmap”, Ngô Đức Anh, 29 tuổi, cảm thấy vui vì sắp có khoảng thời gian thay đổi môi trường làm việc, được gặp gỡ nhiều người, đến những nơi chưa từng đặt chân và góp sức vào một dự án mang ý nghĩa xã hội to lớn.
Dự án “Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam” nằm trong khuôn khổ đề án “Phát triển hệ tri thức Việt số hóa” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo ra một hệ sinh thái toàn diện để tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn, IoT, trí thông minh nhân tạo...
Dự án do Bưu điện Việt Nam nhiệm vụ chủ trì và phối hợp cùng với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng và triển khai, không chỉ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ nền (các lớp bản đồ về biên giới, hành chính, giao thông, sông ngòi…); cơ sở dữ liệu chứa các thông tin về tọa độ, thông tin đi kèm của các đối tượng (địa danh, trường học, bệnh viện, hiệu thuốc, khách sạn…) và địa chỉ nhà dân mà còn xây dựng các ứng dụng sử dụng bản đồ đi kèm.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của dự án đối với hơn 50.000 người bưu điện trong đó có bản thân mình, một dự án xã hội hóa, không lợi nhuận giống như những dự án ý nghĩa trước đó người bưu điện đã tham gia thực hiện thành công (như: dự án thu thập dữ liệu hộ gia đình tham gia Bảo hiểm y tế; thu thập dữ liệu thông tin, hình ảnh về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; thu thập dữ liệu mã bưu chính quốc gia…), chàng trai Ngô Đức Anh chuẩn bị tâm thế nhận nhiệm vụ ý nghĩa này đầy lạc quan, nhiệt huyết.
Vốn quen với công việc di chuyển nhiều nhưng ở nhiệm vụ này Đức Anh sẽ tới nhiều địa bàn xa xôi, lạ lẫm chưa từng đặt chân tới, công việc đòi hỏi sự sâu sát, tỉ mẩn, chuẩn xác, nên chàng trai trẻ cũng gặp không ít khó khăn, vất vả. Những con đường dẫn đến các thôn bản toàn đèo dốc, có nơi sạt lở do mưa lớn xe máy không đi được phải gửi xe đi bộ, có nơi phải lội suối, vượt đồi.
Các nhân viên Bưu điện không quản ngại nắng mưa, đi ghi nhận thông tin để Vmap hiển thị địa chỉ chi tiết tới từng số nhà, dù ở thành thị hay nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ảnh: KM.
|
Đức Anh kể có ngày phải đi bộ cách chỗ gửi xe máy 5km mới tới địa bàn thu thập địa chỉ, ngã rách quần, trầy gối vẫn tiếp tục làm việc cho kịp tiến độ. Nhiều nơi không có địa chỉ cụ thể, không có tổ dân phố mà chỉ là thôn, khe nên Đức Anh vừa phải mò mẫm tìm địa chỉ, vừa hỏi thăm, vừa làm nhiệm vụ để kịp giờ quay ra không bị trời tối. Có những địa bàn bà con không nói thạo tiếng kinh, Đức Anh lại không rành tiếng dân tộc, phải tìm trưởng thôn, trưởng bản, già làng nhờ giúp đỡ. Rồi có lúc chiếc smartphone hết pin, đồng nghĩa với việc không có dụng cụ đắc lực để phục vụ thu thập địa chỉ số…
Chàng trai trẻ khoe rằng, màu áo vàng của nhân viên bưu điện đã mang lại nhiều thuận lợi cho công việc vì người dân thấy quen thuộc nên hết sức giúp đỡ, tạo điều kiện để công việc của Đức Anh được nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đức Anh hầu như tranh thủ thực hiện vào thứ 7, chủ nhật, ngày thường vẫn đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn. Thấy con đi nhiều, gia đình cũng lo lắng vì Đức Anh là lao động chính, bố mẹ đã nghỉ hưu, em gái còn ăn học – nhưng sau nghe Đức Anh cùng như các đồng nghiệp trong cơ quan giải thích về ý nghĩa công việc, gia đình đã ủng hộ và động viên để chàng trai trẻ yên tâm làm nhiệm vụ.
Trong 4 tháng song song cả công việc chuyên môn và thu thập địa chỉ số, Đức Anh lăn lộn 9 địa bàn cơ sở, mỗi địa bàn thu thập xấp xỉ 2.000 địa chỉ, góp công sức quý báu vào hơn 23 triệu địa chỉ trên toàn quốc cập nhật lên Bản đồ số Vmap.
Nhờ Vmap thoát… ế!
Ngày 16/2/2019, Đức Anh thực hiện nhiệm vụ ở huyện Bảo Thắng, đây là huyện thứ 3 Đức Anh đến thu thập địa chỉ. Ở mỗi nơi đến, đều có các đoàn viên Đoàn thanh niên tại địa phương hỗ trợ các nhân viên bưu điện tận tình. Người hỗ trợ Đức Anh ở Bảo Thắng là nữ đoàn viên trẻ Phạm Ngọc Bích. Tuy nhiên việc hỗ trợ của Ngọc Bích chỉ là đưa Đức Anh đến địa bàn được phân công, mô tả các điểm cần tới, rồi… bỏ chàng nhân viên bưu điện ở đó, vì cô đoàn viên trẻ cũng có nhiệm vụ thu thập địa chỉ số ở địa bàn khác.
Ngô Đức Anh, nhân viên Bưu điện tỉnh Lào Cai góp công thu thập gần 2.000 địa chỉ cho Bản đồ số Vmap. Ảnh: NVCC.
|
Đến một ngày Đức Anh lặn lội vào một bản xa, mạng điện thoại không có sóng, không thể thao tác thu thập dữ liệu vào hệ thống, sau một hồi bối rối, Đức Anh đành đi bộ trở lại điểm “chia tay” để gọi cho Ngọc Bích mang điện thoại đến “cứu net”.
Những ngày sau đó hai bạn chọn giải pháp đi cùng nhau, hỗ trợ nhau để công việc thuận lợi và suôn sẻ hơn, qua những câu chuyện trên đường đi về cuộc sống, qua những cử chỉ chăm sóc nhau khi trượt chân ở những đoạn dốc cao, hay con suối gập ghềnh, qua những nụ cười ánh mắt trao nhau đầy nhiệt huyết, chân thành, đặc biệt đến phần cùng nhau ngồi rà soát địa chỉ cho chuẩn xác, họ lại có thêm cơ hội gần nhau, trò chuyện nhiều hơn, rồi cảm mến nhau tự lúc nào…
Sau khi hoàn thành công việc ở huyện Bảo Thắng, Đức Anh còn thực hiện nhiệm vụ ở 5 địa bàn nữa, đó là khoảng thời gian đôi bạn trẻ thử lửa cho mối tình chớm hé, họ vẫn kết nối nhau qua điện thoại hoặc tranh thủ vượt 30km khoảng cách 2 nhà để đến thăm nhau khi có thể. Ngọc Bích bảo thấy Đức Anh chân thành, thật thà, ngố ngố, Đức Anh bảo thấy Ngọc Bích đáng yêu bởi sự chân tình, hoạt bát, lạc quan, yêu đời - giống như một làn gió mới đến với chàng trai bưu điện độc thân mà mọi người vẫn trêu là “trai ế”.
Bây giờ thì mọi người trêu đùa Đức Anh là nhờ có Bản đồ số Vmap mà thoát ế. Đám cưới của đôi trẻ được tổ chức ngày 7/10, khi dự án Bản đồ số Vmap vừa ra mắt được 1 tuần – đây là mốc ý nghĩa cho đôi trẻ mỗi khi nói về mối tình đơm hoa kết trái từ nhiệm vụ chung đầy ý nghĩa.
Đức Anh bảo đến với nhau nhờ công việc, hiểu nhau vì công việc, yêu nhau từ công việc nên khi chung một nhà được vợ hết sức ủng hộ, động viên, nhất là những lúc phải đi làm xa, đêm hôm, sáng sớm “vì vợ bảo yêu chồng, yêu cái nghề của chồng luôn tham gia góp sức làm nhiều việc công ích, tốt đẹp cho xã hội”.
Đôi bạn cùng chia sẻ: “Chúng em đã hiểu vì sao các cụ bảo đồng sức đồng lòng tát Biển Đông cũng cạn. Chúng em sẽ ủng hộ và hỗ trợ nhau hết lòng trong công việc, điều đó không chỉ sẽ giúp cuộc sống được ổn định hơn mà thông qua những dự án của Bưu điện Việt Nam, của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chúng em được góp sức mình mang nhiều lợi ích thiết thực cho mọi người, cho xã hội - niềm vui vì thế được nhân lên gấp bội”.