Cấp cứu tại chỗ quyết định tính mạng con người, nhưng ở Việt Nam còn rất coi nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong số cả chục ngàn người tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm ở Việt Nam, nhiều người có cơ hội sống, nếu được sơ cứu tại chỗ đúng cách. Tiếc rằng, việc cấp cứu trước viện ở Việt Nam còn chưa được quan tâm.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam
GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam

Cấp cứu trước viện quyết định sức khỏe, tính mạng con người. Vì thế, hầu hết các nước đã đưa việc này vào luật và cấp cứu trước viện trở thành kiến thức phổ thông của người dân. Thế nhưng ở Việt Nam, lần đầu tiên, cấp cứu trước viện mới được Bộ Y tế đưa vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 10/2022.

Để mang đến bạn đọc những thông tin xung quanh vấn đề cấp cứu trước viện, VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, người từ 25 năm trước đã đề nghị đưa cấp cứu ngoại viện vào Luật khám, chữa bệnh.

Cấp cứu ngoại viện cần là kỹ năng sống

+ Thưa giáo sư! Là người đã cấp cứu cho hàng trăm ngàn bệnh nhân, xin ông cho biết tầm quan trọng của cấp cứu ngoại viện đối với người dân ra sao?

GS.TS. Nguyễn Gia Bình: Cấp cứu ngoại viện rất quan trọng. Bởi trong cuộc sống, chúng ta phải đi lại, sinh hoạt, làm việc, và mặc dù chuẩn bị tốt thế nào thì vẫn có khả năng xảy ra những điều không muốn như tai nạn ô tô, bão lũ, hay đau ốm bất thường, rắn cắn, ong đốt, điện giật, sét đánh vv…Những người lớn tuổi, dù được khám bệnh, uống thuốc đầy đủ, cũng vẫn có thể xảy ra các biến cố về bệnh tật trên đường đi hoặc ở nhà nghỉ.

GS.TS. Nguyễn Gia Bình đang xử lý một ca cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai
GS.TS. Nguyễn Gia Bình đang xử lý một ca cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai

Chính vì vậy, thế giới rất quan tâm đến vấn đề cấp cứu trước viện. Họ đào tạo, huấn luyện kiến thức cấp cứu ngoại viện trở thành kỹ năng sống cho cộng đồng. Mọi người được tiếp cận từ thời học sinh phổ thông, để biết cấp cứu trong các tình huống nguy hiểm đến tính mạng, với các thao tác rất đơn giản, không cần kỹ năng cao, cũng không cần máy móc phức tạp, như các trường hợp đuối nước, hóc thức ăn.

Hay với các trường hợp ngưng tim đột ngột, chỉ cần người bên cạnh biết cách ép tim đúng cách thì dù không cần máy móc gì, chỉ cần một trái tim nhiệt tình với một kỹ năng đã được đào tạo đúng, vẫn có thể cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân vượt qua thời điểm khó khăn nhất. Sau đó hệ thống y tế hay những người tình nguyện sẽ đến trợ giúp và củng cố thêm khả năng cứu chữa, rồi vận chuyển về bệnh viện, thì mới có thể cứu chữa được.

Mỗi năm, nước ta có tới chục ngàn người tử vong do tai nạn giao thông. Nếu làm tốt cấp cứu trước viện, chắc chắn số lượng tử vong sẽ ít đi, thì thiệt hại về kinh tế, những tổn thất về tinh thần, xã hội cũng ít đi.

+ Nhưng ai sẽ là người làm nhiệm vụ cấp cứu trước viện, thưa giáo sư?

GS.TS. Nguyễn Gia Bình: Nếu tai nạn xảy ra trên đường cao tốc, thì lái xe là người đầu tiên ở bên cạnh những người đó. Thứ hai là những người đảm bảo an toàn giao thông ở khu vực, nhân viên cứu hộ cứu nạn, rồi hệ thống y tế địa phương.

Khi họ được huy động, luật pháp cho phép, thì với kỹ năng được đào tạo, chắc chắn sẽ cứu sống được nhiều người bị tai nạn hơn.

Không chỉ là việc của nhân viên y tế

+ Xin giáo sư nói rõ hơn về ý nghĩa của việc cấp cứu tại chỗ?

GS.TS. Nguyễn Gia Bình: Theo thống kê, 50% trường hợp ngừng tuần hoàn ngoại viện liên quan đến loạn nhịp tim và ngừng tim. Những trường hợp đấy thì không thể gọi máy bay trực thăng hay bác sỹ đến kịp. Bởi trong vòng 10 giây máu không cung cấp lên não thì não bị thiếu ô xy và các chất, khiến chúng ta bị choáng ngất. Chỉ sau một phút não bắt đầu bị tổn thương và càng để lâu thì tổn thương não càng khó hồi phục, đặc biệt là sau phút thứ ba trở đi.

Cho nên để cấp cứu ngừng tuần hoàn hiệu quả, giúp người bệnh có thể hồi phục, thì cấp cứu càng sớm càng tốt trước 3 phút, thậm chí trong phút đầu tiên.

Đội trưởng Simon Kjaer lập tức chạy đến, lật nghiêng Eriksen và kéo lưỡi Eriksen ra, để thông thoáng đường thở, mở ra cơ hội sống cho đồng đội

Đội trưởng Simon Kjaer lập tức chạy đến, lật nghiêng Eriksen và kéo lưỡi Eriksen ra, để thông thoáng đường thở, mở ra cơ hội sống cho đồng đội

Một ví dụ điển hình trong cấp cứu ngừng tuần hoàn hiệu quả là vụ cầu thủ Đan Mạch Christian Eriksen bất ngờ bị gục xuống trong trận bóng ở giải Euro 2020. Đội trưởng Simon Kjaer đã lập tức chạy đến, lật nghiêng Eriksen và kéo lưỡi Eriksen ra, để thông thoáng đường thở, sau đó, ép tim, sốc điện phá rung tim trong vòng 20 giây. Khi bệnh nhân tỉnh, tim đập lại, mới đưa vào bệnh viện. Chính sự can thiệp kịp thời và đúng cách của Simon Kjaer mà Eriksen được cứu sống và hiện vẫn là một cầu thủ đắt giá. Đó là những cái chúng ta có thể học hỏi.

Từ trước tới giờ chúng ta chưa có hoạt động cấp cứu ngoại viện như thế, vì đa số cho rằng đó là việc của nhân viên y tế. Thực ra, điều đó rất thiết thực đối với mỗi người và giúp người khác cũng chính là giúp mình. Bởi mỗi người cứ làm tốt lên thì khi chẳng may mình bị sao trên đường, sẽ có người biết mà cứu. Cả xã hội cùng làm được thì số người được cấp cứu tại chỗ sớm, hiệu quả sẽ cao hơn, cứu được nhiều người hơn với chi phí rất thấp.

GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam - trao đổi về vai trò của cấp cứu ngoại viện

GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam - trao đổi về vai trò của cấp cứu ngoại viện

+ Vai trò của cấp cứu ngoại viện với sức khỏe và tính mạng con người rất lớn. Vậy thì hệ thống cấp cứu ngoại viện ở Việt Nam hiện nay ra sao thưa giáo sư?

GS.TS. Nguyễn Gia Bình: Với tình trạng giao thông hiện nay, các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thường xuyên kẹt xe, thì vai trò của cấp cứu tại chỗ vô cùng quan trọng. Nhưng cả nước có 63 tỉnh, thành phố, chỉ có 11 tỉnh có hệ thống cấp cứu. Song, ở 11 tỉnh, thành này, số lượng nhân viên y tế, xe cấp cứu, trang bị còn hết sức hạn chế.

Hệ thống cấp cứu của chúng ta vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng, lại không có hệ thống kết nối về tổ chức và điều hành, nên hiệu quả cấp cứu trước viện chưa cao. Đây là điều rất cần quan tâm, cũng như cần sớm có giải pháp khắc phục.

Tín hiệu vui từ Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi)

+ Là chuyên gia hàng đầu về hồi sức cấp cứu, cũng là người 25 năm trước đã ấp ủ “luật hóa” việc cấp cứu ngoại viện, giáo sư có thể chia sẻ ý kiến khi dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã đề cập đến điều này?

GS.TS. Nguyễn Gia Bình: Chúng tôi rất mừng khi trong dự thảo mới của Luật khám, chữa bệnh đã đưa vào mục Cấp cứu ngoại viện. Hy vọng sau khi có Luật, chúng ta sẽ triển khai tiếp Nghị định quy định về cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động, kinh phí vv… rồi các Thông tư về đào tạo, hướng dẫn thực hành nghề, thì chúng ta sẽ sớm có hệ thống cấp cứu ngoại viện. Điều đó sẽ giúp hoạt động y tế ngoài cộng đồng hiệu quả hơn với giá thành rất thấp.

+ Thưa giáo sư! Ông có thể cho biết mô hình cấp cứu ngoại viện của các nước?

GS.TS. Nguyễn Gia Bình: Hiện nay, thế giới có hai các mô hình cấp cứu ngoại viện: Mô hình của châu Âu với với trang thiết bị hiện đại, đường sá tốt, cấp cứu có máy bay trực thăng vận chuyển: Gần 20 % số người bị tai nạn giao thông ở Hà Lan được máy bay trực thăng cấp cứu. Mô hình này chắc chưa phù hợp với Việt Nam, vì rất tốn kém.

Còn mô hình cấp cứu trước viện của một số nước như Anh, Úc, Mỹ là cố gắng ổn định bệnh nhân với điều kiện cơ sở tối thiểu, đặc biệt là phải có sự tham gia của những người ngay bên cạnh. Ổn định được rồi, nhân viên y tế sẽ tới hỗ trợ, sau đó đưa về bệnh viện, giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn, nhanh hơn và ít chi phí hơn.

GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam

GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam

+ Theo giáo sư, Việt Nam nên chọn mô hình nào trong 2 mô hình trên?

GS.TS. Nguyễn Gia Bình: Tôi nghĩ cũng giống như trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa rồi, phương án 4 tại chỗ vẫn hiệu quả trong cấp cứu trước viện. Bởi nếu chúng ta không làm được tại chỗ thì không thể hy vọng nơi khác đến chi viện, đặc biệt, khi đến chi viện thì hiệu quả rất thấp, bởi những người có khả năng sống được đã bị bỏ qua thời gian vàng rồi.

Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo

+ Thưa giáo sư! Khi quy định về cấp cứu ngoại viện trong Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua, chúng ta cần giải pháp gì để có thể triển khai có hệ thống hoạt động cấp cứu ngoại viện?

GS.TS. Nguyễn Gia Bình: Để triển khai hệ thống cấp cứu trước viện, chúng ta phải tận dụng các cơ sở sẵn có và hệ thống 115 ở một số tỉnh. Tư nhân, các cơ quan, tổ chức từ thiện hay cá nhân tham gia vào rất tốt, nhưng Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong quá trình tổ chức và điều hành hệ thống cấp cứu trước viện.

Hiện nay chúng ta chưa có tổ chức về cấp cứu trước viện, điều hành lại càng không. Tôi rất mong muốn nay mai sẽ có hệ thống điều hành y tế trong cả nước và điều động phải nhanh như lực lượng vũ trang, thay vì đi vào phân chia theo địa giới hành chính như hiện nay, không hiệu quả.

Ở Mỹ có tổng đài 911, ở Đức là 120, tích hợp hệ thống báo cháy và cứu thương, khi có người báo thì cả cả ba cùng nghe và thuộc lĩnh vực của người nào thì người đó tiếp tục theo đuổi đến cùng.

Đặc biệt, việc đầu tiên là nhân viên y tế phải chuẩn hóa lại các kiến thức sơ cấp cứu, vì chúng ta đã học lý thuyết nhưng thực hành thì chưa nhiều. Tiếp đó là lực lượng bán chuyên nghiệp - là những người cứu hộ cứu nạn, công an, cảnh sát giao thông, phòng cháy, chữa cháy cũng cần được tập huấn. Những người ở mức độ sơ bộ các kỹ năng cấp cứu, kiểm soát đường thở, cố định gãy xương, garo cầm máu, là học sinh, sinh viên, những người tình nguyện, Hội chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc vv…Chúng ta đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho họ.

Hội chữ thập đỏ là những người nhiệt tình, nhưng lại chưa được đào tạo và thực hành về cấp cứu trước viện, trong khi hoạt động này đòi hỏi phải có kỹ năng cấp cứu ban đầu và phải có hệ thống điều phối hoạt động.

Tôi thấy các thành viên CLB Otofun cũng tự trang bị búa đập kính để hỗ trợ người bị tai nạn, nhưng nếu họ được tập huấn về cấp cứu ngoại viện sẽ tốt hơn nhiều.

Ths. Phạm Thế Thạch - Phó trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Bạch Mai - đang điều trị cho bệnh nhân cấp cứu

Ths. Phạm Thế Thạch - Phó trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Bạch Mai - đang điều trị cho bệnh nhân cấp cứu

Hiện nay chưa có luật, nên nhiều người muốn làm nhưng lại sợ liên lụy, vì thế, nhiều người bị nạn trên đường không được cấp cứu kịp thời, mà cứ để chờ y tế, công an đưa đi, mà nhiều khi không kịp như những trường hợp nặng, đặc biệt là bị tổn thương các tạng, gãy cột sống cổ vv…

+ Rõ ràng, việc đưa quy định cấp cứu ngoại viện vào Luật khám, chữa bệnh là rất quan trọng, rất cần thiết đối với người dân đúng không thưa giáo sư?

GS.TS. Nguyễn Gia Bình: Đúng thế. Các nước tiến tiến và cả các nước ở Đông Nam Á, như Philippin, Thái Lan, Singapore, Indonesia vv… đều đã luật hóa việc cấp cứu ngoại viện, nhưng Việt Nam thì vẫn chưa. Ở Mỹ, năm 1966, đã ban hành Bộ luật an toàn trên đường cao tốc, yêu cầu lái xe phải biết cấp cứu trước viện, để cứu chữa kịp thời những người bị tai nạn giao thông.

Khi có một ca cấp cứu trên khán đài ở trận đấu sáng 11/9/2022, thủ môn Jeremias Ledesma của CLB Cadiz đã cầm một máy khử rung tim chạy đến hỗ trợ cấp cứu nhanh nhất có thể.
Khi có một ca cấp cứu trên khán đài ở trận đấu sáng 11/9/2022, thủ môn Jeremias Ledesma của CLB Cadiz đã cầm một máy khử rung tim chạy đến hỗ trợ cấp cứu nhanh nhất có thể.

Không chỉ cán bộ y tế, mà tất cả mọi người dân đều cần biết cấp cứu ngoại viện và nên bắt đầu từ khi còn là học sinh phổ thông, để các em ý thức và biết làm điều này.

+ Xin được cám ơn giáo sư về cuộc trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)