Sáng nay, 7/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về 6 dự án luật, 1 dự thảo Nghị quyết dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4.
Làm rõ 6 nhóm vấn đề của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đăng ký tham gia hội nghị, cho ý kiến vào từng dự án luật và dự thảo nghị quyết. Qua đó, góp phần vào việc xem xét thông qua của Quốc hội đạt tỷ lệ tán thành, đồng thuận cao, đảm bảo chất lượng tốt nhất, đồng thời, có thể rút ngắn thời gian của kỳ họp.
Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các đại biểu cần tập trung thảo luận về 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có tác động rất lớn đến ngành y tế và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc, không chỉ trong ngành y tế mà còn của cử tri, nhân dân cả nước.
“Việc xây dựng các quy định đòi hỏi sự thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ đưa vào Luật những vấn đề đã chín, đã rõ, có tính khả thi, không nóng vội, không vì lộ trình mà phải thông qua trong khi thực tiễn chưa giải quyết được, cần tiếp tục thể chế hóa các Nghị quyết số 19, 20 của Trung ương Đảng về "Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập", "lấy người bệnh làm trung tâm", "y tế cơ sở là nền tảng"”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nhóm vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật; bố cục của dự thảo Luật; về thẩm quyền và điều kiện cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, như chứng chỉ đào tạo, việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong khám chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam…; hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh; cách thức chuyển tuyến, kết nối các tuyến khám, chữa bệnh; việc phân cấp đối với cơ sở y tế tư nhân; cơ chế tài chính, giá dịch vụ; xã hội hóa, tự chủ trong khám, chữa bệnh; quy định chuyên môn kỹ thuật; khám bệnh, chữa bệnh từ xa; y học gia đình;...
Phát huy vai trò, trí tuệ của đại biểu
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các đại biểu thảo luận, phân tích cho ý kiến đối với một loạt các dự án Luật sửa đổi.
Đối với dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo Chủ tịch Quốc hội, quan điểm của Đảng ta về "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" là mục tiêu và động lực để khơi dậy sức mạnh, nguồn lực nhân dân trong quá trình thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân.
Sau kỳ họp thứ 3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo của Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, thiết kế các nội dung cơ bản của dự án luật theo hướng cụ thể hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" cả về kết cấu và nội dung.
Quang cảnh hội nghi (ảnh Lê Bảo/SKDS) |
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, thể hiện rõ quan điểm về những vấn đề liên quan đến quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng; phương thức cấp phép; cấp lại giấy phép sử dụng băng tần, làm rõ vì sao từ khi Luật có hiệu lực đã gần 12 năm vẫn không thực hiện được việc đấu giá, thi tuyển để cấp phép.
Về quy định về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, nội dung này đang còn khác nhau về quan điểm, cần được làm rõ nội hàm của chính sách này là gì và đánh giá tác động liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng băng tần, kể cả về khía cạnh công nghệ kỹ thuật để đảm bảo tính khả thi…
Đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ việc nhận diện các hành vi bạo lực gia đình; việc mở rộng với một số nhóm đối tượng không còn trong quan hệ hôn nhân, gia đình; việc tư vấn, hòa giải và xử lý tin báo, tố giác vụ việc; bảo vệ, hỗ trợ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; xem xét các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình vv...
Với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến cụ thể về hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; giải pháp đảm bảo tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra; xem xét việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc bộ và tại cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước; tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra tại một số sở và thẩm quyền thành lập Thanh tra sở của UBND cấp tỉnh; quy trình thanh tra, cơ chế phối hợp, xử lý để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, kiểm toán…
Đối với dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các ĐBQH thảo luận, làm rõ các vấn đề đang được xã hội quan tâm, thể hiện quyết tâm của đại biểu, quyết tâm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, tính dân chủ của đại biểu hoạt động chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật.