Còn nhiều vướng mắc từ Luật Khám, chữa bệnh

VietTimes – Sau 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh vẫn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang nhận định trong hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM, ngày 29/7.
Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) báo cáo tại hội nghị
Ông Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) báo cáo tại hội nghị

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám, chữa bệnh không mâu thuẫn với Hiến pháp và Luật Khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, một số quy định pháp luật về khám, chữa bệnh vẫn còn những nội dung chưa đảm bảo theo kịp xu hướng pháp luật quốc tế. Trong đó có các quy định về tiêu chuẩn, quy trình chuyên môn trong khám, chữa bệnh, đào tạo người hành nghề, cấp chứng chỉ hành nghề một lần…

Tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Quang cho rằng, “các quy định của Luật không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Theo đó, Luật quy định việc thừa nhận chứng chỉ hành nghề của nước ngoài, nhưng lại không quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thừa nhận cũng như không giao cơ quan nào hướng dẫn về vấn đề này”.

Đặc biệt, chưa có văn bản quy định về phạm vi hoạt động chuyên môn của bác sĩ đa khoa là được khám, chữa bệnh những chuyên khoa nào và được thực hiện những kỹ thuật nào?

Luật quy định trong trường hợp cấp cứu, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bệnh, nếu không có mặt người đại diện hợp pháp của người bệnh, thì người đứng đầu cơ sở quyết định việc khám, chữa bệnh.

“Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra trường hợp người bệnh trong tình trạng hôn mê, hoặc không thể tự quyết định được có hay không thực hiện việc tiếp tục điều trị, đồng thời người nhà của người bệnh lại có ý kiến khác nhau, thì ai sẽ lại người quyết định việc điều trị cho người bệnh?” - ông Nguyễn Huy Quang đặt vấn đề.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Quang cảnh Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Bên cạnh đó, Luật khám, chữa bệnh năm 2009 cũng không đề cập đến quyền của người bệnh được khiếu nại đối với những sai sót về chất lượng dịch vụ, hay về thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Đây là một trong những quyền của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Vì vậy cần thừa nhận khiếu nại là quyền của người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh. Quyền khiếu nại của người bệnh phải được tiếp cận theo hướng là căn cứ phát sinh tranh chấp trong khám, chữa bệnh chứ không phải là khiếu nại hành chính và được giải quyết theo thủ tục khiếu nại, tố cáo.

Mặt khác, về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, Luật quy định người bệnh có nghĩa vụ chi trả chi phí khám, chữa bệnh, nhưng lại không có chế tài hoặc cơ chế giải quyết trong trường hợp người bệnh cố tình không chi trả chi phí khám, chữa bệnh.

Đề cập đến việc quảng cáo và chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở, ông Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – nêu rõ “hiện nay, chúng ta vẫn chưa có quy định đăng ký tên cơ sở khám, chữa bệnh. Vì vậy, tên cơ sở khám, chữa bệnh hoàn toàn căn cứ tên địa điểm kinh doanh trên Giấy chứng nhận kinh doanh do UBND quận cấp (đối với hộ kinh doanh), hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (đối với doanh nghiệp).”

“Một số tên đăng ký dễ gây nhầm lẫn hình thức hoạt động khám, chữa bệnh. Phòng khám chuyên khoa nhưng đặt tên Viện hay Trung tâm, còn phòng khám đa khoa thì đặt tên bệnh viện. Với tên cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thì đăng ký tên viện thẩm mỹ hoặc thẩm mỹ viện... Do đó, người dân không biết được quy mô tổ chức của cơ sở khám, chữa bệnh.”

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiến nghị, “cần có quy định trong Luật về quảng cáo và cách đặt tên cơ sở khám chữa bệnh. Qua đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư có căn cứ xét duyệt cấp tên đăng ký cơ sở kinh doanh phù hợp với ngành nghề, hình thức hoạt động khám chữa bệnh.”

Theo ông Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, “Luật khám, chữa bệnh hiện vẫn còn một số điểm chưa hoàn toàn hợp lý. Chẳng hạn như, chứng chỉ hành nghề được cấp suốt đời là không phù hợp. Một số yêu cầu vẫn còn khắt khe, tính thực tiễn chưa cao.

Vì vậy, Bộ Y tế phải rà soát lại các nội dung bất cập, không phù hợp với những điều luật đang có hiệu lực ở Việt Nam, hoặc các điểm chưa theo kịp xu hướng pháp luật quốc tế; từ đó xem xét, sửa lại một cách khách quan, nghiêm túc và khoa học. Để trong thời gian sắp đến, Luật khám, chữa bệnh ở Việt Nam hoàn thiện hơn và công tác việc khám, chữa bệnh ngày càng đáp ứng nhu cầu của người dân.”