Vì sao bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch gia tăng trong làn sóng dịch COVID-19 thứ 4?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo các bằng chứng thống kê lâm sàng, biến chủng Delta khiến các triệu chứng của bệnh nhân COVID-19 khởi phát sớm hơn và thời gian diễn biến nặng cũng sớm hơn các biến chủng khác.
Bác sĩ trực cấp cứu ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)
Bác sĩ trực cấp cứu ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Đây là ý kiến của BS. Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – khi trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch.

Mới đây, Bộ Y tế đã công bố phiên bản cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 với nhiều điểm mới đáng chú ý, nhất là những biểu hiện ở bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch trong làn sóng dịch COVID-19 thứ 4. Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với BS. Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

- Bộ Y tế bổ sung một số triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân COVID-19 như đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi. Vậy công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong giai đoạn bệnh có những biểu hiện này có những thay đổi như thế nào thưa ông?

BS. Phạm Văn Phúc: Các triệu chứng bổ sung này thực tế là đã xuất hiện ở bệnh nhân COVID-19 trước đó không chỉ trong đợt bệnh này. Đây cũng là những biểu hiện lâm sàng thường gặp với những triệu chứng nhẹ. Vì thế, việc điều trị những triệu chứng cho bệnh nhân không có quá nhiều thay đổi trong hướng dẫn mới. Trong hướng dẫn điều trị mới đã nêu rất rõ phác đồ điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ này gồm:

Vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, xúc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường

Giữ ấm, uống đủ nước, đảm bảo cân bằng dịch, điện giải.

Đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng, bổ sung vitamin nếu cần thiết.

Hạ sốt nếu sốt cao, có thể dùng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 gam/ngày với người lớn.

Giảm ho bằng các thuốc giảm ho thông thường nếu cần thiết.

Tuy nhiên với các triệu chứng như nôn, tiêu chảy nhiều đặc biệt ở những bệnh nhân là người già hoặc trẻ nhỏ cần được theo dõi sát bù dịch và điện giải kịp thời tránh bệnh nhân mất nước và điện giải nặng dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng.

BS. Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

BS. Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

- Theo phác đồ mới, thời gian từ khi có triệu chứng đến diễn biến nặng đã giảm (từ 7-8 ngày còn 5-8 ngày), việc này gây ảnh hưởng ra sao tới quá trình sàng lọc và theo dõi bệnh nhân của các bác sĩ thưa ông?

BS. Phạm Văn Phúc: Theo các bằng chứng thống kê lâm sàng biến chủng mới Delta (biến chủng gây ra dịch bệnh chủ yếu của đợt dịch này) cho thấy: Các triệu chứng khởi phát sớm hơn và thời gian diễn biến nặng cũng sớm hơn các biến chủng khác. Vì vậy trong hướng dẫn lần này, Bộ Y tế đã rút ngắn thời gian từ khi có triệu chứng đến diễn biến nặng còn 5-8 ngày. Việc này sẽ giúp các bác sĩ chú ý sớm hơn với những bệnh nhân mắc COVID-19, phân loại mức độ nặng đúng và sớm cho bệnh nhân, tránh việc phát hiện các triệu chứng nặng muộn gây khó khăn cho công tác điều trị.

- Hiện nay, Bộ Y tế đã lưu ý việc phát hiện và xử trí sớm các biểu hiện thần kinh và tâm thần ở bệnh nhân COVID-19. Vậy việc làm này có vai trò như thế nào trong quá trình điều trị? Mức độ nguy hiểm của các triệu chứng về thần kinh đối với bệnh nhân COVID-19 ra sao thưa ông?

BS. Phạm Văn Phúc: Theo các thống kê của tổ chức y tế thế giới, hay các hiệp hội y khoa các nước và thực tế lâm sàng của bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam cho thấy các biểu hiện thần kinh và tâm thần ở bệnh nhân COVID-19 xuất hiện khá phổ biến, đặc biệt là ở những bệnh nhân cao tuổi, và những bệnh nhân nặng và nguy kịch. Vì thế, việc lưu ý phát hiện và xử trí sớm các biểu hiện này trong hướng dẫn mới sẽ giúp các nhân viên y tế những người mới hoặc lần đầu tham gia điều trị các bệnh nhân COVID-19 sớm nhận biết và có các phương án xử trí kịp thời những bệnh nhân có biểu hiện này.

- Ông đánh giá như thế nào về việc cho một số trường hợp xuất viện sớm và không cần lấy mẫu sau khi về nhà trong phác đồ mới? Những trường hợp này có nguy cơ nào hay không?

BS. Phạm Văn Phúc: Nhìn chung trong hướng dẫn mới thời gian cho bệnh nhân xuất viện đã được nêu ra rất rõ ràng và đầy đủ, thời gian cũng được giảm ngắn hơn cho một số trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng, đáp ứng đủ thời gian và có tối thiểu 2 lần xét nghiệm PCR SARS-Cov-2 âm tính hoặc nồng độ virus rất thấp (CT≥30). Việc không cần lấy mẫu sau khi về nhà trong phác đồ mới là một điểm mới trong hướng dẫn này giúp giảm chi phí và gánh nặng xét nghiệm cho y tế theo dõi những bệnh nhân COVID-19 sau xuất viện. Những trường hợp này rất ít có nguy cơ lây lan ra cộng đồng, bằng chứng là hướng dẫn này cũng đồng nhất với hướng dẫn mới của tổ chức y tế thế giới và trong quá trình thống kê rất nhiều những trường hợp tái dương tính sau quá trình điều trị bệnh ở Việt Nam đều không lây lan ra cộng đồng.

Bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng (Ảnh - Đặng Thanh)

Bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng (Ảnh - Đặng Thanh)

- Nhìn chung, theo đánh giá của ông, công việc của bác sĩ trong thời gian tới khi điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ thay đổi như thế nào với phác đồ mới thưa ông?

BS. Phạm Văn Phúc: Theo đánh giá cá nhân của tôi hướng dẫn của bộ y tế thực sự kịp thời, rõ ràng và sẽ giúp ích rất nhiều cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Hướng dẫn này sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời những bệnh nhân COVID-19 tránh để bệnh nhân tiến triển nặng, giảm tỷ lệ tử vong của bệnh, đồng thời, giảm tải được thời gian bệnh nhân nằm viện, giúp giảm gánh nặng cho y tế trong lúc lượng bệnh nhân ngày một gia tăng như hiện nay.

- Trong quá trình điều trị các bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch thời gian qua, ông nhận định những yếu tố nào là điểm mấu chốt để cứu sống bệnh nhân? Vì sao?

BS. Phạm Văn Phúc: Trong thời gian điều trị bệnh nhân diễn biến nặng , tôi nhận thấy điểm mấu chốt điều trị các bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch chính là việc phát hiện sớm các bệnh nhân có biểu hiện có yếu tố nguy cơ tiến triển nặng, để kịp thời xử trí. Việc điều trị sớm những bệnh nhân này sẽ giảm tải được lượng bệnh nhân cần phải can thiệp thở máy, hay tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Vì thế, việc phân tầng điều trị đúng, và các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ được theo dõi sát sao và điều trị bởi nhân viên y tế có kinh nghiệm sẽ giảm số lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch, đồng thời, sẽ giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19 trong bối cảnh số lượng ca nhiễm gia tăng như hiện nay

- Bộ Y tế vừa thông tin về một số loại thuốc được đưa vào sử dụng trong việc điều trị COVID-19 như xuyên tâm liên, Remdesivir, Favipiravir... Các thuốc này có tác dụng như thế nào đối với bệnh nhân mắc COVID-19 thưa ông?

BS. Phạm Văn Phúc: Ngoài vaccine thì thuốc kháng virus là một trong những chìa khóa để kết thúc đại dịch COVID-19. Các thuốc kháng virus bổ sung trong hướng dẫn đợt này đều là các thuốc đã được điều trị trong những hướng dẫn điều trị bệnh nhân COVID-19 trên thế giới, chúng đều có bằng chứng làm giảm tải lượng virus và giảm tỷ lệ tiến triển nặng của bệnh nhân. Việc bổ sung một số thuốc vào sử dụng trong điều trị COVID-19 sẽ giúp cho các bác sĩ có những lựa chọn tốt để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã bào chế thành công một số thuốc điều trị này (ví dụ Favipiravir) giúp chủ động hơn trong nguồn cung cấp thuốc cho bệnh nhân. Tuy nhiên việc sử dụng các thuốc kháng virus này cần được thông qua hội đồng chuyên môn trước khi sử dụng cho bệnh nhân.

- Cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện!