Cảnh giác tín dụng đen 'núp bóng' cho vay qua app

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nhiều gia đình, người dân đã bị các đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa khi vô tình sập bẫy tín dụng đen 'núp bóng' cho vay qua app..

Tín dụng đen 'núp bóng' cho vay qua app
Tín dụng đen 'núp bóng' cho vay qua app

Tín dụng đen 'núp bóng' cho vay qua app

Thời gian qua, tín dụng đen không chỉ dừng lại ở các hình thức 'offline' qua điện thoại, tờ rơi, cầm đồ, mà ngày càng trở nên tinh vi hơn khi núp bóng dưới hình thức cho vay trực tuyến (online) qua các ứng dụng trên thiết bị điện tử thông minh (cho vay qua apps).

Với phương thức này, chỉ vài thao tác chạm, tín dụng đen đã len lỏi vào đời sống người dân, người lao động ở các khu công nghiệp, khu lưu trú. Nhiều app cho vay không cần thẩm định mà bắt buộc khách hàng phải tải app, cho phép truy cập thông tin cá nhân, danh bạ điện thoại.

Truyền thông trong nước từng ghi nhận nhiều gia đình, người dân bị các đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa khi không đủ khả năng trả nợ.

Mới đây, Công an TP Hà Nội đã triệt phá đường dây cho vay nặng lãi qua app với lãi suất 'cắt cổ', thông qua các app cashvn, vaynhanhpro và ovay. Đáng chủ ý, các app này đã tiếp cận được tới gần 1 triệu người vay.

Chia sẻ tại Talkshow "Cẩn trọng bẫy "tín dụng đen" núp bóng cho vay online" của VTV, luật sư Lê Văn Thiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết đã có hàng loạt câu chuyện cảnh báo về rủi ro khi vay tiền "tín dụng đen".

Nguyên nhân khiến cho "tín dụng đen" núp bóng cho vay online ngày càng phát triển là do thủ tục vay tiền khá đơn giản. Bên cạnh đó, nhiều người dân không phân biệt được đâu là app của các đơn vị được cấp phép, và đâu là của các đối tượng cho vay nặng lãi.

Ngoài ra, có lẽ còn một lý do nữa khiến nhiều người dù biết là lãi cao nhưng vẫn nhắm mắt vay tiền, đó là họ nghĩ rằng có thể “bùng tiền”, quỵt nợ.

Hiện nay, trên mạng xã hội có rất nhiều nhóm hướng dẫn bùng tiền với sự tham gia của hàng chục, thậm chí là cả trăm nghìn thành viên.

Chưa rõ tính thực hư của những bài viết được chia sẻ trên các hội nhóm này như thế nào, nhưng đã có nhiều người vào bình luận, hỏi kinh nghiệm. Chính điều này khiến không ít người có tâm lý “thử vay xem có bùng được không”.

Làm gì để đẩy lùi tín dụng đen?

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết NHNN đã và đang đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, hướng đến các món vay nhỏ, phục vụ nhu cầu cấp bách của người dân, thông qua các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, hay các quỹ tín dụng nhân dân.

“NHNN đã có chủ trương trong mấy năm qua tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế rõ ràng cho các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay tiêu dùng, cho vay nhỏ lẻ đối với người dân có nhu cầu vay ngắn hạn”, ông Tú nói.

Cho vay tiêu dùng hiện chiếm khoảng 2 triệu tỉ đồng, tuy nhiên, nhu cầu cho vay nhỏ lẻ người yếu thế vẫn cần hơn nữa. Thời gian tới, NHNN sẽ hoàn thiện khung khổ pháp lý cho cho vay tiêu dùng, trước hết là ngân hàng thương mại và công ty tài chính.

Theo số liệu được các chuyên gia đưa ra tại một hội thảo, tín dụng đen đang chiếm khoảng 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương khoảng 600.000 – 800.000 tỉ đồng.

Do đó, để hạn chế được tín dụng đen, nỗ lực từ cơ quan chức năng là chưa đủ, mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức, nhận diện được những rủi ro khi quyết định vay tiền.

Theo ông Kalidas Ghose, CEO Công ty Tài chính VPBank SMBC (FE Credit), để giảm rủi ro cho người dân khi vay tín dụng online, các tổ chức tín dụng phải liên tục nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng an toàn cho người dân thông qua công nghệ, hỗ trợ người đi vay làm quen với quy trình và thủ tục vay tại các kênh tín dụng chính thống.

Đồng thời, các công ty tài chính, tổ chức ngân hàng phải đồng hành với người vay để bảo đảm người vay có tài chính cho các khoản trả hàng tháng. Từ đó, tạo động lực cho người dân tham gia vay tiêu dùng một cách lành mạnh./.