BYT phân bổ 2.000 liều thuốc kháng thể kép cho 1 số tỉnh, thành để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hiện, Bộ Y tế đã phân bổ 2.000 liều thuốc kháng thể kép cho một số tỉnh, thành phố để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Ảnh - Nguyễn Nhiên)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (Ảnh - Nguyễn Nhiên)

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đưa ra tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay, ngày 25/11.

Gần 250.000 liều Molnupiravir đã được sử dụng

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Đến ngày 30/9, về cơ bản các địa phương đã kiểm soát được tình hình dịch COVID-19 của đợt dịch thứ 4.

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 thay đổi khó lường với các biến chủng mới nên Bộ Y tế đã xây dựng phiên bản thứ 7 về hướng dẫn điều trị COVID-19 với nhiều cập nhật, bổ sung cho phù hợp, đồng thời, đưa nhiều thuốc mới để điều trị cho người bệnh.

Theo ông Sơn, trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 lần thứ 4, Bộ Y tế đã đưa ra 3 điểm quan trọng trong công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19 gồm: Xây dựng gói thuốc A - gồm những thuốc thông thường như hạ nhiệt, ho, thuốc bồi bổ sức khoẻ; đưa thuốc kháng viêm, kháng đông vào sử dụng sớm theo hướng dẫn của bác sĩ trực tuyến, trực tiếp; áp dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng.

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 (Ảnh - BYT)

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 (Ảnh - BYT)

Về thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19, ông Sơn cho hay: Thời gian qua, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương thực hiện thí điểm có kiểm soát chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng với gần 250.000 liều đã được sử dụng.

Kết quả đánh giá sơ bộ sử dụng thuốc Molnupiravir hết sức khả quan – tỉ lệ bệnh nhân âm tính sau khi sử dụng 5 ngày là từ 72-93%. Đặc biệt, tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân dùng thuốc giảm 50% so với nhóm không sử dụng.

Hiện, Bộ Y tế đã phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Các cơ sở y tế sẽ đưa vào sử dụng sớm nhất cho người bệnh, nhằm nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỉ lệ tử vong.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã chuẩn bị một số phương án về thuốc khác để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 như thuốc favipiravir, thuốc Avigan,…

Tỉ lệ tử vong giảm, 70% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong giai đoạn đầu thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, tỉ lệ ca mắc COVID-19 ở các địa phương giảm so với làn sóng thứ 4. Đặc biệt, tỉ lệ tử vong có lúc giảm dưới 3 con số, có lúc khoảng 57-58 ca/ngày trên cả nước, nhờ việc thử nghiệm các thuốc chống virus đường uống tại nhà, bao phủ vaccine COVID-19.

“Đến hết tháng này, cơ bản chúng ta đạt tiêu chí về vaccine cho 70% người trên 18 tuổi, kể cả đối tượng trên 65 tuổi"- ông Sơn nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay: “Hiện nay Bộ Y tế khuyến khích người dân tự phát hiện COVID-19. Nếu mắc bệnh cần báo cơ quan y tế để được quản lý, khi có triệu chứng thì vào viện. Bộ Y tế sẽ tập trung đánh giá tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong nhiều hơn với các địa phương - thay đổi tiêu chí đánh giá dịch bệnh tại địa phương”.

Các điểm cầu tham dự hội nghị sơ kết công tác điều trị COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (Ảnh: Nguyễn Nhiên)

Các điểm cầu tham dự hội nghị sơ kết công tác điều trị COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (Ảnh: Nguyễn Nhiên)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng lưu ý các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch theo cấp tỉnh, huyện, xã… càng chia nhỏ đánh giá theo 4 cấp độ càng tốt; đảm bảo y tế đến được với mọi người dân khi nhiễm bệnh tại nhà, cộng đồng. Để làm được điều này cần nhiều nỗ lực trong cung ứng thuốc, đặc biệt là gói thuốc C.

Cùng với đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: cách ly, xét nghiệm và thu dung điều trị (tại tuyến cơ sở, tầng 2, tầng 3), trong đó, quan trọng nhất là sử dụng thuốc kháng virus đường uống để tăng cường mức kiểm soát dịch tại cộng đồng, hạn chế giảm tình trạng bệnh nặng lên tầng trên. Ngoài ra, các địa phương phải đẩy nhanh tiêm chủng cho người dân, tiêm nhắc đúng lịch và tiêm ưu tiên tiêm cho người trên 50 tuổi.

Chuyển tuyến, thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19 còn bất cập

Thông tin về công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19, ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) – cho biết: Sau 2 tháng dịch COVID-19 ở cấp độ cao tại TP. HCM và một số tỉnh phía Nam, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thiết lập cơ sở theo mô hình tháp 3 tầng.

Theo ông Khuê, mô hình tháp 3 tầng đã phát huy hiệu quả trong quá trình điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Việc phân tầng chuyên môn giúp các bệnh viện bố trí nguồn nhân lực phù hợp để kịp thời cứu sống bệnh nhân. Ngoài ra, các biện pháp điều trị khác như quản lý bệnh nhân COVID-19 tại nhà, xây dựng trạm y tế lưu động,… đã giúp giảm tỉ lệ tử vong ở TP. HCM.

Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - (Ảnh - Nguyễn Nhiên)

Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - (Ảnh - Nguyễn Nhiên)

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc phối hợp chuyển tuyến bệnh nhân ở các cơ sở y tế còn bất cập; một số nơi phân loại nguy cơ đối với người mắc COVID-19 còn lúng túng. Giai đoạn đầu khi triển khai, các bệnh viện điều trị COVID-19 gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, trang thiết bị, thuốc, phương tiện phòng hộ,… Đặc biệt, nhiều bệnh viện còn gặp khó khăn trong thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Ông Khuê cũng cho hay: Mặc dù Bộ Y tế đã cập nhật liên tục hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, nhưng hướng dẫn này còn khó tiếp cận với nhân viên y tế không chuyên khoa truyền nhiễm, hồi sức tích cực, sơ đồ hoá phác đồ điều trị chưa đầy đủ.

Hiện, bệnh COVID-19 chưa có thuốc đặc hiệu, độ bao phủ vaccine còn thấp, hệ thống y tế chưa trải nghiệm về dịch bệnh như COVID-19 với mức độ lây lan nhanh, có nhiều biến thể mới khiến số bệnh nhân bệnh nhân mắc bệnh nặng tăng. Trong khi đó, các bệnh viện thiếu bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành hồi sức tích cực, truyền nhiễm khiến nhiều bác sĩ quá tải công việc, áp lực nên phải huy động sự tham gia của các lực lượng không chuyên môn.

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng (Ảnh - BYT)

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng (Ảnh - BYT)

Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các bệnh viện cần xây dựng kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế và điều trị; tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị COVID-19; tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Từ đó, các bệnh viện phải tăng cường khả năng điều trị và chăm sóc người mắc COVID-19; xây dựng kế hoạch chăm sóc, điều trị F0; bảo đảm đáp ứng giường hồi sức tích cực; có kế hoạch bảo đảm khi có dịch xảy ra. Các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế bảo đảm cung cấp ô xy y tế và có kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, quản lý F0 tại nhà.