Bộ Y tế có đáp ứng thuốc điều trị và vắc xin trước khả năng tăng cao của dịch COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Làn sóng dịch thứ 4 tạm lắng chưa lâu thì giờ đây F0 trong cả nước lại đang tăng nhanh, khi liên tục ở con số hơn hoặc gần 1 vạn ca mắc/ngày, làm dấy lên lo ngại về khả năng đáp ứng thuốc điều trị và vắc xin.
Hơn 100 triệu liều vắc xin đã được nhập về Việt Nam và tiêm cho người dân
Hơn 100 triệu liều vắc xin đã được nhập về Việt Nam và tiêm cho người dân

Bộ Y tế đã có những kinh nghiệm trong việc tìm mọi nguồn cung để có thuốc điều trị COVID-19 và vắc xin COVID-19 - điều kiện quan trọng để Việt Nam bước đầu thoát ra cơn khủng khoảng về dịch COVID-19 kéo dài nhiều tháng ở TP.HCM và Bình Dương cùng một số địa phương khác.

Chủ động nhập hàng loạt thuốc điều trị

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, thuốc điều trị COVID-19 đã cơ bản đảm bảo đủ trong cả 4 giai đoạn dịch. Với một số loại thuốc thiếu trên quy mô toàn cầu như dịch lọc máu liên tục, Bộ Y tế đã có giải pháp tăng cường nhập khẩu. Trong giai đoạn dịch căng thẳng, số lượng nhập khẩu đã tăng 200%, đồng thời, Bộ Y tế cũng hướng dẫn các cơ sở nghiên cứu, sản xuất sản phẩm này, nên đã giải quyết được việc thiếu cục bộ.

Đặc biệt, với một số liệu pháp mới, thuốc mới có hiệu quả vượt trội trong điều trị bệnh nhân COVID-19 như sử dụng các thuốc kháng virus (Remdesivir, Favipiravir, Molnupiravir), các kháng thể đơn dòng, Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu thành phẩm và nguyên liệu để nghiên cứu và sản xuất, kịp thời phục vụ điều trị và nghiên cứu trong nước.

Tính đến nay, Bộ đã cho nhập 2,2 triệu lọ (khoảng 100 nghìn liều) Remdesivir; 9,5 triệu viên thử lâm sàng Molnupiravir (khoảng 470 nghìn liều) và 2 triệu viên Favipiravir (cao hơn so với nhu cầu của khối điều trị chỉ là 1,3 triệu viên).

Với kháng thể đơn dòng, Bộ Y tế đã cho nhập 109 nghìn hộp Tolicizumab (khoảng 30 nghìn liều); 16,5 nghìn hộp Casirivimab and Imdevimab (khoảng 33 nghìn liều). Riêng các thuốc kháng virus đã được cấp phép và nhập khẩu đủ đáp ứng nhu cầu hiện tại và sẵn sàng dự phòng cho các tình huống dịch.

Thuốc Molnupiravir giúp giảm 50% bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Vì thế, để kịp thời cấp phép thuốc Molnupiravir phục vụ điều trị, Bộ Y tế đã trình Chính phủ cơ chế cấp phép đối với thuốc điều trị COVID-19 với việc thừa nhận kết quả thẩm định, cấp phép của nước SRA để cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Các loại thuốc điều trị COIVD-19 góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh

Các loại thuốc điều trị COIVD-19 góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh

Ngoài ra, thuốc điều trị COVID-19 sản xuất trong nước tương tự thuốc đã được cấp phép lưu hành tại nước SRA (cùng hoạt chất, dạng bào chế, đường dùng) được cho phép miễn thử nghiệm lâm sàng để cấp phép lưu hành.

Bộ Y tế cũng đã cấp phép để các doanh nghiệp đã nhập 8,95 triệu viên thuốc chứa Molnupiravir (tương ứng 447.400 liều) để thử nghiệm lâm sàng và điều trị thử nghiệm.

Ngoài ra, Bộ còn cấp phép nhập khẩu 10.369,07 kg Molnupiravir cho 39 cơ sở sản xuất trong nước để nghiên cứu sản xuất thuốc. Điều quan trọng là, nếu việc nghiên cứu thành công và được chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ có khoảng 26 triệu viên tương ứng cho 1,3 triệu liều.

Chủ động trong quản lý

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ đã chủ động ban hành danh mục 49 thuốc chống dịch. Đáng chú ý là danh mục này chủ yếu là thuốc sản xuất được trong nước, giúp chủ động khâu sản xuất, cung ứng.

Bộ Y tế cũng xây dựng công cụ báo cáo trực tuyến để theo dõi số lượng thuốc sẵn sàng cho chống dịch, qua đó, điều tiết kịp thời, đồng thời, nhận diện được các thuốc có nguy cơ thiếu để có giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ còn đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp trong nước tăng cường nghiên cứu sản xuất đảm bảo đủ thuốc trong danh mục thuốc điều trị COVID-19 mà Việt Nam sản xuất được; đôn đốc các công ty nhập khẩu và nhà sản xuất nước ngoài cung cấp một số thuốc đặc trị mà Việt Nam chưa sản xuất được, như dịch lọc máu liên tục, thuốc chống đông…

Bộ Y tế cũng chủ động sửa đổi ban hành các quy định, quy trình cấp phép thuộc thẩm quyền của Bộ, để tạo thuận lợi cho đảm bảo thuốc phòng, chống dịch.

Tiếp cận sớm mọi nguồn vắc xin

Ngay sau khi có thông tin các nước bắt đầu cấp phép vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã nỗ lực đàm phán với Covax và các nhà sản xuất, nhà cung ứng vắc xin trên thế giới để tiếp cận, đề nghị cung cấp vắc xin cho Việt Nam, đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất trong nước đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu sản xuất vắc xin và thuốc điều trị COVID-19.

Nhiều bệnh nhân đã được cứu sống nhờ các liều thuốc điều trị nhập khẩu kịp thời

Nhiều bệnh nhân đã được cứu sống nhờ các liều thuốc điều trị nhập khẩu kịp thời

Mặc dù nguồn cung ứng vắc xin khó khăn trên toàn cầu và các nước đều ưu tiên dự trữ vắc xin, nhưng đến nay, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện 9 loại vắc xin phòng COVID-19 và cấp phép nhập khẩu 197 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 (thực tế đã nhập khẩu 110 triệu liều) để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Đây là điều kiện quan trọng để đến nay, cả nước đã tiêm được khoảng 110 triệu liều vắc xin phòng COVID-19.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc nghiên cứu và cấp phép lưu hành vắc xin (đặc biệt là vắc xin sản xuất trong nước), Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư về đăng ký lưu hành vắc xin phòng COVID-19 trong trường hợp cấp bách, cắt giảm tối đa các quy định và trình tự, thủ tục hành chính, tạo điều kiện có thể cấp phép lưu hành vắc xin nhanh nhất, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả.

Nhiều cơ sở trong nước đang nỗ lực nghiên cứu và sản xuất vắc xin để cung cấp cho nhu cầu phòng, chống dịch tại Việt Nam, trong đó có vắc xin Covivax của Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC); dự án hợp tác với Nga, Mỹ, Nhật Bản, Cuba và Tây Ban Nha.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ sẽ sớm thúc đẩy có vắc xin sản xuất trong nước và tiếp tục chủ động làm việc với các nhà sản xuất vắc xin trên thế giới, để đề nghị tăng cường hỗ trợ, cung ứng sớm, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin cho Việt Nam.