Bệnh nhi là L.T.K.Ng (3 tuổi, ở Tiền Giang) nhập viện vào BV Nhi đồng 1 vào lúc 23h ngày 5/8 trong tình trạng hôn mê, môi tím, thở hước, trụy tim mạch nặng, tim rời rạc.
Gia đình cho biết chỉ trong vòng 2 ngày, bệnh của bé Ng diễn tiến nặng bất ngờ. Ngày đầu tiên, bé bị sốt nhẹ, không ho, không sổ mũi, không tiêu lỏng, nên gia đình tự mua thuốc uống. Đến ngày thứ 2, bé lừ đừ, nôn ói 10 lần, mệt lả nên gia đình đưa vào BV Đa khoa Trung tâm Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang) trong tình trạng li bì, trụy tim mạch, tim đập chậm, 54 lần/phút, không đều. Bé được thở oxy, truyền thuốc vận mạch và chuyển đến BV Nhi Đồng 1 TP HCM.
Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Cấp cứu đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc vận mạch duy trì chức năng co bóp cơ tim, đồng thời, bác sĩ Khoa Tim mạch đặt máy tạo nhịp tạm thời duy trì nhịp tim cho bệnh nhi.
Lúc này, tình trạng huyết động học có cải thiện tạm thời nhưng sau đó chức năng co bóp cơ tim giảm nặng, trụy tim mạch nặng, giảm tưới máu mô gây tổn thương các cơ quan, đe dọa tính mạng của bệnh nhi.
BV Nhi đồng 1 đã khẩn cấp tổ chức hội chẩn toàn viện, quyết định thực hiện kỹ thuật hỗ trợ tuần hoàn qua màng ngoài cơ thể ECMO (kỹ thuật tim, phổi nhân tạo) để cứu bệnh nhân. Các bác sĩ Ngoại khoa thiết lập 1 phòng mổ lưu động tại Khoa Hồi sức tích cực, tiếp cận mạch máu. Vì bệnh nhi quá nhỏ nên phải phẫu thuật mạch máu để có thể thực hiện kỹ thuật ECMO.
Bác sĩ Bạch Văn Ca - Cố vấn chuyên môn của BV Nhi đồng 1 TP.HCM chia sẻ về quá trình cứu sống ca bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp. Ảnh: NT
|
Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Ca - Cố vấn chuyên môn của BV Nhi đồng 1 - chia sẻ: “Do bệnh nhi nhỏ tuổi và nhẹ cân (3 tuổi, 11kg) nên việc tiếp cận mạch máu và thực hiện kỹ thuật ECMO rất khó khăn. Trước đây, BV đã chạy ECMO cho trẻ nhỏ nhất là 20 kg. Bây giờ, thực hiện cho trẻ 11 kg thì sẽ có nhiều nguy cơ hơn. Dù vậy, BV vẫn quyết định chạy ECMO để cứu sống đứa bé.
Ê kip có sẵn thuận lợi là trung tâm phẫu thuật tim mạch nhi nên bác sĩ thành thạo về mổ tim, mổ mạch máu, giúp ê kíp thực hiện ECMO nhanh chóng”.
Về phòng mổ lưu động, bác sĩ Ca cho biết, các em bé bị viêm cơ tim tối cấp nặng có nguy cơ tử vong khi di chuyển. Do đó, các bác sĩ không thể chuyển bệnh nhi lên phòng mổ vì dễ bị tử vong. Ngay lúc đó các bác sĩ phải thiết kế phòng chạy ECMO vừa cấu tạo như 1 phòng mổ, vô trùng, có thể phẫu thuật tại chỗ.
Sau 30 phút, bệnh nhi đã được hỗ trợ tim phổi nhân tạo với hệ thống ECMO. Ngay lập tức tình trạng huyết động học của bệnh nhi được phục hồi, đảm bảo sự sống cho các cơ quan.
Chạy ECMO trên bệnh nhi nhỏ tuổi khó khăn hơn nhiều so với trẻ lớn, nhất là việc theo dõi và xử trí các biến chứng, có thể ảnh hưởng đến não. Do đó, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực phải theo dõi bệnh nhi từng phút để kịp thời xử trí biến cố.
Sau 6 ngày chạy ECMO, chức năng tim và các cơ quan gan, thận, não phục hồi tốt, bệnh nhi được cai ECMO vào ngày 12/8, cai máy thở, máy tạo nhịp vào ngày 14/8.
Hiện, bệnh nhi tỉnh táo, thở bình thường, tình trạng huyết động học ổn định, chức năng tim phục hồi tốt. Bệnh nhi vẫn được theo dõi sát tình trạng tim mạch và đông máu. Dự kiến trong tuần này, BV sẽ có cuộc hội chẩn, siêu âm kiểm tra chức năng tim mạch, xem xét cho bé xuất viện.
Sau xuất viện, bệnh nhi được tái khám định kỳ 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng,… trong vòng 3 năm để kiểm tra các chức năng gan, thận, não.
PGS. TS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Nhi Đồng 1) cho biết, ca cứu sống bệnh nhi này đánh dấu sự phát triển vượt bậc về thực hiện kỹ thuật ECMO tại BV Nhi đồng 1. Ca đầu tiên BV thực hiện ECMO vào tháng 3/2019, được BV Chợ Rẫy qua hướng dẫn. Các ca sau đó được BV Chợ Rẫy hướng dẫn từ xa. Hiện tại, BV đã tự thực hiện kỹ thuật ECMO.
Với sự thành công của ca bệnh này, BV Nhi đồng 1 đã cho biết tới đây, có thể sẽ triển khai can thiệp ECMO cho trẻ sơ sinh 3-4kg. Đồng thời, BV Nhi đồng 1 mong các BV khác cũng phát triển kỹ thuật ECMO, vì có những trường hợp chuyển viện được, có tường hợp không chuyển viện, phải thực hiện ECMO ngay tại BV để cứu sống bệnh nhân.
Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Ca cho biết, dấu hiệu viêm cơ tiêm rất khó phát hiện. Thông thường bệnh nhân có triệu chứng sốt, nôn ói, thở nhanh, nhịp nhanh, môi tái, mệt nhiều, đi đứng không nổi. Bệnh nhân yếu đi rất nhanh chỉ sau 1-3 ngày.
Viêm cơ tim ở trẻ ít gặp nên thường dễ bỏ sót. Do đó, các bác sĩ khi nhận bệnh nhi có triệu chứng trên phải đo điện tâm đồ, siêu âm cấp cứu để xác định viêm cơ tim. Nếu ở BV tuyến tỉnh, sau khi xác định viêm cơ tim, phải chuyển ngay cho BV tuyến trên, đồng thời thực hiện hội chẩn trực tuyến.
“Trước đây, tỉ lệ tử vong ở các ca viêm cơ tim nặng như trường hợp này là 100%. Kể từ khi có ECMO, không còn bệnh nhân tử vong nữa. Đồng thời, để tăng hiệu quả, BV đã xây dựng quy trình cấp cứu, không chờ đợi hồ sơ, chạy đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân”.