BV Nhi đồng 1 TP.HCM dùng kỹ thuật cao nối da đầu tróc lộ sọ cho bệnh nhi. Ảnh: Internet |
Bệnh nhi là bé N.T (11 tuổi, ở Cà Mau). Trong quá trình giúp mẹ làm việc, bé gái không may bị cuốn tóc vào dây curoa của máy làm đá khiến vùng da đầu bị tróc trên diện rộng, hết 1/2 vùng đầu, lộ sọ, vô cùng nguy hiểm.
Sau khi nhập viện ở BV tỉnh Cà Mau, bé được chuyển lên BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) vào lúc 12 giờ ngày 17/5. Khi nhập viện, bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn, vết thương mất da đầu diện rộng ở vùng đỉnh - chẩm - thái dương trái với kích thước 15cm*20cm, lộ lớp cân cơ và 1 phần sọ. Kết quả chụp citi ghi nhận bệnh nhân không bị tổn thương phần não.
Các bác sĩ nhanh chóng lọc rửa, sát trùng vết thương và tiến hành phẫu thuật lần thứ nhất kéo dài 2 giờ để cắt lọc và ghép da mỏng cho bé.
Tuy nhiên, vùng da lộ sọ ghép rất khó vì không có phần đệm. Ê kíp bác sĩ khoa Phỏng tạo hình đã hội chẩn tìm cách giải quyết ca bệnh khó này. Ngoài ra, BV Nhi đồng 1 đã mời thêm ê kíp bác sĩ từ BV Chợ Rẫy sang hỗ trợ, tiến hành phẫu thuật lần 2, chuyển vạt cân đùi, nối mạch máu của nguyên mảng cân đùi ghép với vùng lộ sọ. Ca phẫu thuật căng thẳng kéo dài suốt 5 giờ đồng hồ đã thành công. Sau đó 2 tuần, các bác sĩ phẫu thuật lần thứ 3 để ghép vùng da còn lại.
Thạc sĩ - BS Diệp Quế Trinh - Phó khoa Phỏng tạo hình (BV Nhi đồng 1 TP.HCM) chia sẻ về ca bệnh (Ảnh: Nguyễn Trăm)
|
Thạc sĩ - BS Diệp Quế Trinh - Phó khoa Phỏng tạo hình (BV Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết đây là kỹ thuật mới lần đầu tiên được BV sử dụng. Với phương pháp cũ, bác sĩ sẽ lấy da mỏng ghép vào vùng da đầu. Tuy nhiên, trường hợp này bé đã bị lộ sọ, không có lớp đệm nên khó có thể thực hiện phương pháp cũ. Do đó, ê kíp bác sĩ đã hội ý và quyết định áp dụng phương pháp mới.
Khó khăn của phương pháp mới là phải có kỹ thuật vi phẫu nối mạch máu. Bác sĩ sẽ chuyển vạt tự do, nối mạch máu vùng đùi lên động mạch ở thái dương để vạt mới sống được trên nền sọ. Từ đó sọ mới có mô đệm để thực hiện phẫu thuật ghép da.
Nếu kỹ thuật mới không thành công, các bác sĩ sẽ phải tìm cách thực hiện bằng được theo phương pháp cũ, mất nhiều thời gian (từ 6 tháng đến 1 năm), tốn kém chi phí, quá trình hồi phục chậm và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của bệnh nhi.
May mắn, 3 lần phẫu thuật đều thành công. Vùng bị thương quá lớn ở đầu đã hồi phục rõ rệt, nhanh chóng, giảm nhiều chi phí và thời gian điều trị. Sau 6 tuần kể từ ngày nhập viện, bé T. đã được xuất viện trong tâm trạng vui vẻ, lạc quan. Khi tái khám, vết thương đã lành hoàn toàn, tâm lý bé ổn định.
Bác sĩ Trinh khuyến cáo khi gặp tai nạn sinh hoạt, lao động như bị cuốn tóc vào máy quạt, máy xay,... gia đình nên dùng khăn sạch che chắn vùng chấn thương cho nạn nhân để không bị nhiễm trùng. Sau đó chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Người nhà tuyệt đối không được tự ý lau rửa làm vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.