Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023, cao nhất 6%

VietTimes – Tăng trưởng GDP quý 4/2023 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 sáng nay (30/9), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã cập nhật ba kịch bản tăng trưởng GDP quý 4 và cả năm 2023.

Theo đó, ở kịch bản thấp nhất, tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 5% và quý cuối năm cần tăng 7%. Đối với kịch bản trung bình, GDP cả năm tăng khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%.

Mức tăng trưởng khả quan nhất được Bộ KH&ĐT đưa ra là khoảng 6%, nhưng để đạt được mục tiêu này thì GDP quý 4 cần tăng 10,6%. Con số này cao gấp đôi so với mức tăng trưởng 5,33% trong quý 3/2023.

nguyen-chi-dung-mpi.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: VGP)

Theo ông Dũng, tăng trưởng kinh tế quý 4 phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, và hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.

"Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tận dụng tối đa cơ hội từ cả ngoài và trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý 4, tạo đà cho năm 2024”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Báo cáo Chính phủ, ông Dũng đánh giá nền kinh tế tháng 9/2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, song việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra ngày càng khó khăn, nhất là trước "tác động kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế bên trong.

"Kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng tiếp tục phục hồi khả quan, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng, tuy kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý", ông Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, trong đó ông kiến nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các chính sách về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư.

Một giải pháp khác là tập trung thúc đẩy thị trường trong nước. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần tận dụng tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng kịp thời các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, tranh thủ cơ hội xuất khẩu từ các hiệp định thương mại đã ký kết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, kết quả kinh tế - xã hội nhìn chung "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước", kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận kinh tế xã hội vẫn khó khăn, đề nghị các bộ, ngành, địa phương phân tích, làm rõ thêm những thách thức mới để có phản ứng chính sách kịp thời, thúc đẩy được các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

"Các cấp, ngành, địa phương phải nỗ lực thế nào để nâng cao tính chủ động, linh hoạt, thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh", Thủ tướng nhấn mạnh./.