Biến chủng "siêu đột biến" của COVID khiến WHO họp khẩn ứng phó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một biến chủng mới của SARS-CoV-2 có số lượng đột biến đáng kể đã khiến WHO phải tổ chức phiên họp khẩn đặc biệt để tìm cách đối phó.
Biến chủng B.1.1.529 khiến WHO và một số nước đưa ra phản ứng (Ảnh: Handout)
Biến chủng B.1.1.529 khiến WHO và một số nước đưa ra phản ứng (Ảnh: Handout)

Trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, nói rằng các chuyên gia sẽ nhóm họp khẩn trong hôm nay, 26/11 để thảo luận về biến chủng mới có tên B.1.1.529, mới được phát hiện ở Nam Phi, Botswana và Hong Kong.

“Nhóm cố vấn kỹ thuật về sự tiến hóa virus của chúng tôi sẽ thảo luận với những đồng nghiệp ở Nam Phi” – bà Van Kerkhove nói về biến chủng mới và thêm rằng “chúng tôi cũng sẽ thảo luận một lần nữa vào ngày mai.”

“Chúng tôi kêu gọi tổ chức cuộc họp đặc biệt để thảo luận về điều này, không phải để báo động mà chỉ bởi chúng tôi sẵn có một hệ thống, chúng tôi có thể tụ họp các nhà khoa học để thảo luận về nó” – bà nói thêm.

Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về biến chủng mới xuất hiện, vị quan chức WHO nói tiếp, nhấn mạnh rằng chỉ có dưới 100 bộ gene đầy đủ sẵn có để quan sát. Tuy nhiên, biến chủng mới này được phát hiện ra là có “số lượng lớn đột biến”, làm dấy lên nhiều câu hỏi và nỗi quan ngại về cách mà những đột biến này ảnh hưởng tới việc chẩn đoán, điều trị bệnh COVID-19 và cả tiêm chủng.

Trong lúc các nhà nghiên cứu tiếp tục quan sát biến chủng mới, bà Van Kerkhove nói rằng có thể phải mất thêm vài tuần lễ mới có thể biết thêm về tầm ảnh hưởng của chủng B.1.1.529.

Trưởng nhóm khoa học của WHO, Soumya Swaminathan, chỉ ra “số lượng đột biến đáng lo ngại ở protein gai” của biến chủng mới được phát hiện ở Nam Phi, nói tới cơ chế sinh học cho phép virus corona thâm nhập tế bào của vật chủ và gây bệnh.

Giáo sư về virus tại ĐH Cambridge, ông Ravi Gupta – trước đây từng cảnh báo về khả năng xuất hiện những biến chủng “siêu đột biến” có thể xuất hiện – cũng nói rằng phòng thí nghiệm của ông đã xác nhận 2 đột biến cụ thể trong biến chủng mới có thể làm tăng khả năng lây nhiễm và giảm khả năng phát hiện của kháng thể.

Phản ứng trước bình luận của WHO về biến chủng mới, chính phủ Anh đã tạm ngừng mọi chuyến bay tới 6 quốc gia châu Phi. Israel cũng cho hay họ sẽ tạm ngừng tiếp nhận du khách đến từ Nam Phi và nhiều quốc gia khác ở châu Phi.

Tulio de Oliveira – Giám đốc Trung tâm Phản ứng dịch và Đổi mới ở Nam Phi – nói với tờ Financial Times rằng có tới 90% tổng số ca nhiễm mới ở khu vực Gauteng nước này là do biến chủng mới gây ra. Ông nói ông đã nêu quan ngại về biến chủng mới với WHO trước cuộc họp khẩn, và rằng “câu hỏi quan trọng cần được trả lời là liệu biến chủng mới có ảnh hưởng thế nào với các loại vaccine.”

Tuy nhiên, mặc dù còn nhiều quan ngại, nhưng bà Van Kerkhove vẫn tỏ ra tích cực trong phiên hỏi đáp hôm 25/11, nói rằng chỉ riêng việc biến chủng mới được phát hiện đã là một tín hiệu tốt, có nghĩa rằng “chúng ta có một hệ thống” để có thể nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn những biến chủng mới nguy hiểm.