Tại sao Trung Quốc quyết tâm duy trì chiến lược "zero COVID"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trên khắp thế giới, người dân đang dần quen với cuộc sống hậu phong tỏa. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn quyết tâm duy trì chính sách không sống chung với COVID-19.
Trẻ em và các bậc phụ huynh Trung Quốc tại một trung tâm tiêm chủng ở Bắc Kinh (Ảnh: Xinhua)
Trẻ em và các bậc phụ huynh Trung Quốc tại một trung tâm tiêm chủng ở Bắc Kinh (Ảnh: Xinhua)

Một người bước vào khách sạn 5 sao để hỏi đường rồi cuối cùng phải đi cách ly 2 tuần lễ bởi một vị khách trong khách sạn này có vài lần tiếp xúc với người nhiễm COVID-19. Một nhân viên trên tàu cao tốc tiếp xúc gần với một bệnh nhân COVID-19, và toàn bộ khách trên tàu bị gửi đi cách ly và xét nghiệm. Ở khu vui chơi Disneyland thành phố Thượng Hải, 33.863 người bỗng dưng bị xét nghiệm do 1 khách tham quan đã tới đây trước khi nhiễm COVID-19.

Đó là những gì diễn ra ở Trung Quốc. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng các biện pháp hạn chế để chống lại đại dịch và có lẽ sẽ là một trong số những quốc gia cuối cùng gỡ bỏ chúng.

Khi bạn nói chuyện với những người dân Trung Quốc trên đường phố, bạn sẽ nhận thấy rằng nhiều người dường như không để tâm tới các biện pháp chống COVID-19 khắt khe, miễn là họ được an toàn. Một người phụ nữ cho hay cô muốn đợi cho đến khi đại dịch qua đi bởi an toàn là trên hết. Một người khác nói rằng con người chưa hoàn toàn hiểu về virus, các loại vaccine sẽ được cải thiện và bởi vậy, vì sự ổn định của xã hội, tốt nhất là chưa nên mở cửa vội.

Cách đây không lâu, nhiều quốc gia khác như Australia, New Zealand và Singapore cũng đặt ra hướng tiếp cận tương tự như Trung Quốc. Những nước này từng coi các đợt bùng phát dịch là thứ cần phải dập tắt hoàn toàn khỏi cộng đồng, sẵn sàng phong tỏa nhiều thành phố cho đến khi virus ngừng lây lan.

Mục tiêu của họ chính là “zero COVID”, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Nhưng có 2 yếu tố đã làm thay đổi hướng tiếp cận này, đó là sự cấp thiết phải ngăn chặn biến chủng Delta vốn lây lan nhanh hơn, và quan trọng hơn là đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao. Tỷ lệ tiêm chủng cao có nghĩa rằng, người ta vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 nhưng không cần phải nhập viện.

Và kết quả là, nhiều quốc gia bắt đầu mở cửa biên giới một cách thận trọng. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, thị thực cho người nước ngoài vẫn khó được tiếp nhận và người dân Trung Quốc vẫn không được gia hạn hộ chiếu sau khi chúng hết hạn.

Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta đang “sống chung với virus”. Nhưng ở Trung Quốc – nơi đang bùng phát một đợt dịch mới do biến chủng Delta, mức độ nghiêm trọng không kém gì thời điểm trước khi có vaccine – thì không.

Nếu con số chính thức là chính xác, thì hơn 1.000 ca lây nhiễm trong cộng đồng đã được ghi nhận ở Trung Quốc kể từ tháng 10 năm nay. Con số này không cao, nhưng mức độ lây lan lại rất đáng ngại, khi 21 tỉnh đã bị ảnh hưởng. Điều này rất quan trọng bởi ngay cả khi một vài ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc cũng có thể làm kích hoạt nhiều biện pháp cực kỳ mạnh tay, không khác gì có hàng trăm hay hàng nghìn ca nhiễm mới.

Một tấm biển yêu cầu quét mã QR để báo cáo thông tin y tế trước Tử cấm thành (Ảnh: Yomiuri Shimbun)

Một tấm biển yêu cầu quét mã QR để báo cáo thông tin y tế trước Tử cấm thành (Ảnh: Yomiuri Shimbun)

“Không chấp nhận dù chỉ 1 ca nhiễm”

Chính quyền các cấp ở Trung Quốc hiện chưa đưa ra tín hiệu gì cho thấy họ sẽ thay đổi hướng tiếp cận của họ trong cuộc chiến chống COVID-19, ngay cả khi một số nhà khoa học nước này bắt đầu hối thúc chính phủ xem xét lại.

Giáo sư Guan Yi – chuyên gia virus đến từ ĐH Hong Kong và là cố vấn của chính phủ - đã kêu gọi chuyển từ xét nghiệm axit nucleic diện rộng (để tìm các ca nhiễm) sang xét nghiệm kháng thể diện rộng (để giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự hữu hiệu của các loại vaccine).

Trong cuộc phỏng vấn với Phoenix TV, ông Guan nói rằng, xét về lâu về dài, chiến lực zero COVID khó có thể giúp dập dịch hoàn toàn.

“Virus này giờ tồn tại vĩnh viễn” – ông nói – “Nó cũng giống như bệnh cúm, sẽ ảnh hưởng đến con người trong một thời gian dài.”

Khái niệm này không có gì là mới mẻ hay bất ngờ khi ở các nước khác. Nhưng ở Trung Quốc, chính phủ đã ra sức huấn luyện điều động mọi nguồn lực để dập tắt từng ổ dịch một cho đến khi không còn ca nhiễm nào, mỗi khi có ca nhiễm xuất hiện. Làm thay đổi thông điệp này là điều khó khăn.

Khi được hỏi rằng các loại vaccine của Trung Quốc cung cấp sự bảo vệ như thế nào đối với các biến chủng của SARS-CoV-2, Giáo sư Guan nói rằng đây là câu hỏi mà các hãng sản xuất vaccine phải trả lời.

Ông Guan không phải học giả duy nhất đang đặt ra câu hỏi về hướng tiếp cận của chính phủ Trung Quốc.

Tiến sĩ Huang Yanzhong, đến từ Hội đồng Đối ngoại ở New York, nói rằng vấn đề chủ chốt chính là các loại vaccine hiện nay không thể đạt được mức độ bảo vệ mà chính phủ Trung Quốc mong muốn, điều này khiến họ hết sức cảnh giác.

“Họ không tự tin về tính hiệu quả của các chủng vaccine hiện nay – khả năng của chúng trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm” – ông Huang nói với BBC – “Bởi ngay cả những loại vaccine tốt nhất cũng không thể ngăn chặn sự lây nhiễm. Chiến lược không khoan nhượng của họ có nghĩa rằng, họ không chấp nhận dù chỉ 1 ca nhiễm.”

Tiến sĩ Huang thêm rằng, chính phủ Trung Quốc bảo vệ chiến lược zero COVID một phần là bởi sự ràng buộc về mặt chính trị và tư tưởng khi nói với người dân về sự thành công của họ trong chống dịch.

“Chiến lược không khoan nhượng cũng là một phần trong sự thành công của mô hình chống dịch của Trung Quốc, sự ưu việt của hệ thống chính trị Trung Quốc. Bởi vậy, nếu từ bỏ chiến lược này, và sau đó người ta chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh trở lại, điều đó sẽ khiến người dân nghi ngờ về mô hình đó” – ông Huang nói.

“Cả triệu lý do”

Một nguyên nhân khác khiến Bắc Kinh duy trì chiến lược zero COVID của họ chính là bởi một số sự kiện lớn sắp diễn ra ở nước này, và giới chức ở Bắc Kinh muốn giữ một môi trường không có bất kỳ ổ dịch COVID-19 nào. Sự kiện gần nhất chính là Thế vận hội mùa Đông tổ chức vào tháng 2/2022. Tiếp đó là Đại hội Đảng tổ chức vào tháng 10/2022.

Đương nhiên cũng có nhiều giả thuyết khác. Ví dụ như giả thuyết cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình muốn giảm tầm ảnh hưởng của nước ngoài đối với Trung Quốc, và đại dịch là một cơ hội để thực hiện điều đó. Trên mạng xã hội, một số bài đăng của những người theo chủ nghĩa dân tộc đã chỉ trích sự ảnh hưởng của nước ngoài đối với Trung Quốc.

Trong lúc mà nhiều quốc gia đang dần dần mở cửa, BBC đã đặt câu hỏi với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân về khả năng Bắc Kinh sẽ làm tương tự. Ông trả lời rằng, Trung Quốc vẫn đang quan sát kinh nghiệm của các quốc gia khác và sẽ dựa trên khoa học để đưa ra những quyết định của mình, trong bối cảnh nhiều biến chủng mới đang trỗi dậy.

Ông Chung Nam Sơn phát biểu tại một hội thảo trực tuyến (Ảnh: Xinhua)

Ông Chung Nam Sơn phát biểu tại một hội thảo trực tuyến (Ảnh: Xinhua)

Cái giá “quá đắt”

Ông Chung Nam Sơn, được xem như anh hùng trong ngành y tế của Trung Quốc và trong giai đoạn đại dịch COVID-19, tiếng nói của ông rất có trọng lượng. Trong cuộc phỏng vấn mới đây, ông nói rằng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc sẽ còn được duy trì “trong khoảng thời gian khá dài”.

Vị chuyên gia về các bệnh đường hô hấp nói thêm rằng, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở mức 2% là quá cao so với mức mà Trung Quốc có thể chấp nhận được, mặc dù nhiều chủng vaccine đã sẵn có. Cái giá của việc mở cửa quá sớm là quá lớn, ông nói, thêm rằng Trung Quốc sẽ tiếp thu kinh nghiệm của các nước khác trong lúc họ thực hiện kế hoạch “sống chung với COVID”.

Bên cạnh đó, giới chức Trung Quốc có thể cũng khá bảo thủ trong hướng tiếp cận của họ. Có thể họ đã có trong tay kế hoạch “mở cửa trở lại” nhưng chỉ đơn giản là chưa muốn làm như vậy mà thôi.

Đối với những người muốn tới hoặc rời khỏi Trung Quốc, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chờ đợi. Trong khi những người ở tầng lớp trung lưu và cao hơn có thể phàn nàn về sự thiếu tự do di chuyển do các biện pháp hạn chế, những nhóm người còn lại ở Trung Quốc lại đồng tình với cách làm của chính phủ, bởi nó giúp họ an toàn.

Và trong khoảng thời gian này, các cuộc xét nghiệm quy mô lớn, cách ly tập trung, hạn chế di chuyển, truy vết ở mức độ cao hay các lệnh phong tỏa cực kỳ nghiêm ngặt vẫn sẽ là một phần trong cuộc sống của người dân Trung Quốc.

Theo BBC