PGS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc (BV Nhi đồng 1, TP HCM) vừa cho biết BV đã thực hiện kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) cứu sống bệnh nhi sau ca mổ tim bẩm sinh.
Bệnh nhi là bé V.N. Kh. Th. (31 tháng tuổi, nặng 11kg, ở Long Khánh, Đồng Nai), nhập viện trong tình trạng người bị tím nặng, suy dinh dưỡng. Trước đó, bé được khám và phát hiện bệnh tim bẩm sinh (chứng fallot) tại BV Nhi đồng 1 lúc 24 tháng tuổi, được theo dõi và tái khám định kỳ. Gần đây, bé lên cơn tím nhiều nên bác sĩ cho bé nhập viện để phẫu thuật tim.
Ngày 22/9, bé được phẫu thuật, chữa triệt để bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, sau đó, khi đang theo dõi tại Khoa Hồi sức ngoại, bé bị phù phổi cấp nặng dần dẫn đến tổn thương chức năng tim, phổi, thận. Sau 2 ngày, bé bị suy hô hấp và ngưng tim.
Ngay lúc đó, các bác sĩ đã cấp cứu cho bé, đồng thời hội chẩn khẩn cấp để tìm phương án cứu sống bé. Nếu hồi sức thông thường thì chắc chắn bé sẽ bị tử vong, vì vậy. vấn đề đặt ra lúc này là có nên thực hiện ECMO hay không, vì cháu bé vừa rất nhỏ tuổi, vừa hồi sức sau mổ tim bẩm sinh phức tạp, nguy cơ thất bại khá cao.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định chọn phương pháp chạy ECMO để cứu sống bé. Sau khoảng 30 phút, tim của bệnh nhi đã được hệ thống ECMO hỗ trợ. Trong vòng 1 giờ đầu chạy ECMO, tất cả các thông số được cải thiện, 2-3 giờ sau bé tiến triển dần.
Bệnh nhi từ trạng thái suy hô hấp nặng, tím tái, trụy mạch đã dần phục hồi. Da dẻ bé hồng hào trở lại, tình trạng huyết động học ổn định. Bệnh nhi được cai ECMO vào ngày 2/10 và 3 ngày sau được cai máy thở. Hiện tình trạng bé tạm ổn định, được thở oxy và theo dõi tại Khoa Tim mạch.
Bệnh nhi được hồi sinh nhờ được dùng kỹ thuật ECMO (Ảnh: N.T)
|
Thầy thuốc Bạch Văn Cam - cố vấn chuyên môn tại BV Nhi đồng 1 cho hay trước đây, BV cũng đã phẫu thuật trẻ bị tim bẩm sinh chứng fallot nhưng với em bé này thì quá nặng, nhập viện trễ, suy dinh dưỡng nặng. Tất cả những yếu tố này khiến cuộc phẫu thuật trở nên khó khăn hơn nhiều dẫn đến cuộc phẫu thuật dài hơn 100 phút.
Trước đây, kỹ thuật ECMO thường được chỉ định trong điều trị nội khoa. Hiện BV Nhi đồng 1 đã phát triển, sử dụng ECMO cho bệnh nhân sau hậu phẫu tim mạch có biến chứng. Với trường hợp em bé này, trước khi vào ECMO, các biện pháp hồi sức nội đã "đầu hàng", tình trạng cứu sống chỉ còn dưới 10%. Nếu không dùng kỹ thuật ECMO thì chắc chắn tử vong.
Chia sẻ tại buổi họp báo, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Châu - Trưởng Khoa Hồi sức ngoại (BV Nhi đồng 1) - chia sẻ hiện tim của bé đã được sửa chữa triệt để, tuy nhiên do giải phẫu động mạch phổi trái bị hẹp và tim đang gắn van giả, nên phải theo dõi thường xuyên đề phòng biến chứng.
Từ tháng 2/2019 đến nay, BV Nhi đồng 1 đã cứu sống 7 ca viêm cơ tim tối cấp, và đây là ca thứ 8 được cứu sống nhờ can thiệp ECMO sau mổ tim.