Trở về từ ranh giới sống chết
Đã có một giai đoạn kéo dài tới hơn 2 tháng liền, bệnh nhân 91 liên tục lâm vào tình trạng nguy kịch, phổi chỉ còn 10% hoạt động, hôn mê kéo dài. Nhưng hiện tại, như Bộ Y tế đã thông tin, những biến chuyển của phi công người Anh càng lúc càng đáng kinh ngạc, khi bệnh nhân đã đứng được và bắt đầu tập đi.
Cách đây 1 tuần, bệnh nhân 91 chỉ mới bắt đầu phản ứng với các y lệnh, giờ đây phi công người Anh đã rút được ống thở qua khí quản, để tự thở qua mũi, sức cơ hô hấp và cơ chân tăng; tự ăn được bằng đường tiêu hóa và nỗ lực tập luyện để có thể đứng lên trên đôi chân của mình.
Bệnh nhân người Anh đã đứng được và bắt đầu tập đi - Ảnh: Lê Nguyễn
|
Sau khi cai ECMO, bỏ máy thở, hiện nay tay bệnh nhân 91 đang dần hồi phục gần mức bình thường, sức cơ 2 chân cải thiện tốt - sự hồi phục nhanh hơn dự đoán của các bác sĩ rằng anh phải mất cả tháng mới có thể bắt đầu đi được.
Đáng kinh ngạc là bệnh nhân 91 đã có thể giao tiếp tốt bằng lời nói, tự ho khạc đàm qua miệng. Bệnh nhân cũng ăn qua đường tiêu hóa và dung nạp tốt, có thể nuôi ăn 1.450 ml súp xay và sữa mỗi ngày; chức năng thận, tim, gan, men tụy đều hồi phục về bình thường.
Hiện, bệnh nhân đã được ngưng toàn bộ các loại kháng sinh, chỉ còn thuốc kháng nấm, giảm đau, kháng đông dự phòng huyết khối đường uống xarelto. Hiện tại, bệnh nhân 91 tiếp tục được tập vật lý trị liệu mỗi ngày 2 lần, điều chỉnh bù nước điện giải và săn sóc vết loét vùng cụt.
Bệnh nhân 91 đã cai ECMO, bỏ máy thở, đi dạo tắm nắng với xe lăn, tập đi với sự trợ giúp của BS
|
ECMO có phải là kỹ thuật quan trọng nhất?
ECMO là phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi oxy ở bên ngoài của cơ thể nhằm hỗ trợ và duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.
Tuy nhiên, nói ECMO là kỹ thuật quan trọng nhất, mang tính chất “sống còn”, đã khiến bệnh nhân 91 hồi tỉnh thì chưa hẳn đã đúng.
“Nếu không có êkip hồi sức cấp cứu (HSCC) chuyên nghiệp thì gắn ECMO vào, bệnh nhân có nguy cơ tử vong nhanh hơn” – BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khẳng định với VietTimes.
BS Châu cho biết thêm: “Trong trận dịch vừa rồi, nhiều tỉnh, nhiều Sở Y tế địa phương đòi mua hệ thống ECMO mà không biết rằng đó chỉ là hệ thống máy móc. Cần phải có êkip hồi sức cấp cứu chuyên sâu, có đủ các trang thiết bị khác như máy thở kỹ thuật cao, máy lọc máu… Cần hệ thống xét nghiệm đánh giá chức năng hô hấp, tim mạch, đông máu, cytokines…”
“Đủ thuốc HSCC cũng là yếu tố cần thiết. Thêm cả hệ thống xét nghiệm vi sinh hiện đại để phát hiện nhiễm khuẩn. Nếu dùng quá nhiều thuốc sẽ có thể tương tác lẫn nhau, có thuốc phải giảm liều khi bệnh nhân suy thận, suy gan, có thuốc phải tăng liều khi lọc máu… Để lựa chọn được đúng liều lượng thì cần các dược sĩ lâm sàng cho ý kiến” – BS Châu thông tin.
“Như vậy, phải cần tới rất nhiều bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế giỏi ở nhiều chuyên khoa khác nhau bên cạnh các chuyên khoa nhiễm, HSCC như ngoại, lồng ngực, mạch máu, huyết học, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, vi sinh, dược lâm sàng… Để hỗ trợ cho bệnh nhân trong giai đoạn sau, cần cả vật lý trị liệu, dinh dưỡng, liệu pháp tâm lý cho bệnh nhân an tâm điều trị nữa” – BS Châu trao đổi với VietTimes.
Đang làm thủ tục chi trả viện phí Thông tin thêm về tình hình viện phí của bệnh nhân 91, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, cho biết: “BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang làm thủ tục với công ty cung cấp bảo hiểm cho bệnh nhân 91 để chi trả viện phí cho bệnh nhân trong thời gian điều trị tại BV từ ngày 18/3 đến hết ngày 22/5. Tổng số tiền điều trị bệnh nhân 91 giai đoạn này là 3,5 tỉ đồng”. |