Bao nhiêu người đã đọc “Điều khoản và Điều kiện” của Facebook, WhatsApp và Google?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Có một bí mật mà các công ty công nghệ đều đang thực hiện và lái người dùng theo ý họ, đó là hầu như không có ai đọc các điều khoản và điều kiện của những công ty này.
Ảnh: Newsfirst
Ảnh: Newsfirst

Mặc dù đây là những hợp đồng pháp lý quản lý dữ liệu cực kỳ nhạy cảm, chẳng hạn như thu thập dữ liệu vị trí và đôi khi là thông tin tài chính của bạn, nhưng tất cả chúng ta đều nhấp vào mục “Tôi đồng ý” mà không cần cân nhắc kỹ càng.

Ví dụ, khi bạn lập một tài khoản Facebook mới, trước khi hoàn tất quá trình đăng ký, sẽ có ba siêu liên kết nhỏ màu xanh nhằm giải thích những điều sẽ xảy ra với dữ liệu Facebook của bạn và một nút “Đăng ký” khá lớn.

Nếu đây là hợp đồng dành cho ngôi nhà, điện thoại, hoặc công việc của bạn, chắc chắn sẽ không có ai ký vào nó nhưng có một điều lạ là nó đã trở thành tiêu chuẩn của hàng tỷ người.

Nhìn bề ngoài, lý do cho điều này là bởi các hợp đồng pháp lý trên rất dài dòng, khó hiểu và người dùng có thể sẽ phải mất hàng giờ để đọc nó. Và điều quan trọng là người soạn thảo ra những điều khoản này quan tâm đến sự chấp thuận của người dùng nhiều hơn. Chính vì vậy, việc làm cho “hợp đồng” trở nên hấp dẫn, dễ hiểu không nằm trong mục tiêu của họ.

Trái ngược với hình thức hợp đồng không được quan tâm, phần mềm của Apple luôn được kiểm tra cẩn thận để trở nên bắt mắt nhất có thể. Facebook là một doanh nghiệp luôn ưu tiên thu hút sự chú ý - với một nhóm các kỹ sư luôn cố gắng điều chỉnh sản phẩm để giữ chân người dùng lâu nhất có thể. Hàng triệu người vẫn đang đọc hàng tỷ từ trên Twitter mỗi ngày. Toàn bộ mô hình kinh doanh của Google đều dựa trên sự phân loại thông tin. Đương nhiên, việc tạo ra các hợp đồng tương đối ngắn gọn và dễ hiểu không thể nào nằm ngoài khả năng thiên tài của các tỉ phú công nghệ này. Vậy tại sao họ lại không làm như vậy?

Vấn đề nằm ở chỗ khi người dùng biết rõ việc thông tin cá nhân của họ được nền tảng khai thác và sử dụng như thế nào, họ có thể sẽ không nhấp vào nút “Đăng ký” nữa. Việc WhatsApp cập nhật các chính sách để chia sẻ dữ liệu với Facebook đã khiến nền tảng này chứng kiến làn sóng tẩy chay mạnh mẽ từ phía người dùng là một ví dụ điển hình.

Rõ ràng, có một lý do bất thành văn tại sao những thay đổi này không được thực hiện, là bởi nó có lợi cho các công ty công nghệ hơn và chúng ta - những người dùng vẫn không biết họ đang làm gì với thông tin của chính mình.

Bản cập nhật của Apple đối với iOS 14 đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Facebook. Những thay đổi trong hệ điều hành iOS 14 dành cho iPhone và iPad sắp ra mắt gồm yêu cầu các ứng dụng phải thông qua App Tracking Transparency để xin phép người dùng nếu muốn thu thập hoặc chia sẻ dữ liệu nhận diện thiết bị. Trong khi Facebook cho rằng tính năng này sẽ cản trở khả năng cung cấp các quảng cáo mục tiêu của mạng xã hội này, Apple cho biết cần phải có “sự minh bạch và hiểu biết hơn về những dữ liệu mà ứng dụng có thể thu thập của người dùng”.

Các thông tin hiển thị khi người dùng đăng ký Facebook

Các thông tin hiển thị khi người dùng đăng ký Facebook

Và ai có thể trách các công ty này, khi một hợp đồng pháp lý dài hàng nghìn từ có thể được chấp nhận nhanh chóng chỉ bằng một núp nhấp trên máy tính hoặc điện thoại di động?

Những quyết định trên thực tế đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Năm 2013, NSA đã sử dụng quyền truy cập của mình vào hệ thống của Google, Facebook và Apple để theo dõi lịch sử tìm kiếm, nội dung email, và các cuộc trò chuyện trực tiếp mà người dùng không hề hay biết. Tiếp đến là vụ bê bối vi phạm dữ liệu Cambridge Analytica - Facebook năm 2017.

Liệu những sự kiện như trên có thể đã không xảy ra nếu người dùng nhận thức được dữ liệu nào của mình sẽ được chuyển đến cho bên thứ ba hay không. Người dùng có thể sẽ không bị thuyết phục ngay cả với những hợp đồng hấp dẫn nhất. Đương nhiên, vẫn có nhiều người sẵn sàng đánh đổi thông tin cá nhân của họ để đổi lấy sự tiện lợi từ các dịch vụ mà các công ty công nghệ này cung cấp. Sự khác biệt ở đây là họ sẽ “ký” vào hợp đồng với sự hiểu biết đầy đủ về cách dữ liệu đó được sử dụng.

Hiện nay, hầu hết các công ty có hợp đồng số đều hy vọng bạn sẽ không đọc các điều khoản của họ, họ chỉ cần bạn “Đồng ý”mà thôi. Bạn nghĩ sao về điều này?

Theo Yahoo