Cuối tuần trước, Facebook (công ty mẹ của WhatsApp) thông báo đến người dùng của WhatsApp rằng nếu họ sử dụng ứng dụng nhắn tin miễn phí này sẽ phải đồng ý với việc chia sẻ thông tin cá nhân của mình với Facebook và các công ty liên kết của Facebook.
Cách đây 3 năm, WhatsApp cũng đã đưa ra tùy chọn cho phép người dùng quyết định có chia sẻ thông tin của mình với Facebook hay không, mà theo WhatsApp việc chia sẻ thông tin sẽ giúp ứng dụng này hiểu rõ người dùng hơn nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng của dịch vụ. Người dùng WhatsApp có thể tự quyết định việc có chia sẻ thông tin của mình với Facebook hay không.
Telegram là một trong những ứng dụng được hưởng lợi nhiều nhất khi người dùng tẩy chay WhatsApp |
Tuy nhiên, kể từ ngày 8/2 tới đây, với chính sách mới, Facebook sẽ ép buộc người dùng WhatsApp phải chia sẻ thông tin của mình mà không có lựa chọn nào khác. Những ai không đồng ý với chính sách mới của Facebook sẽ không được tiếp tục sử dụng WhatsApp.
Động thái này của Facebook bị giới công nghệ đánh giá là "tham lam", khi muốn nắm giữ thêm nhiều thông tin của người dùng WhatsApp, thay vì chỉ nắm giữ thông tin của người dùng mạng xã hội Facebook như trước đây. Tuy nhiên, sự "tham lam" này của Facebook đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến WhatsApp, khi một lượng lớn người dùng WhatsApp đã kêu gọi tẩy chay ứng dụng nhắn tin này vì không muốn chia sẻ thông tin của mình với Facebook.
Hiện nhiều người dùng WhatsApp đã chuyển sang sử dụng các ứng dụng và dịch vụ nhắn tin miễn phí qua Internet khác, trong đó Telegram và Signal là 2 ứng dụng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự tẩy chay này.
Pavel Durov, nhà sáng lập của Telegram, ứng dụng nhắn tin được đánh giá là có mức độ bảo mật tốt nhất hiện nay, vừa cho biết Telegram đã vượt qua mốc 500 triệu người dùng tích cực ngay trong tuần đầu tiên của năm 2021, trong đó có một lượng lớn người dùng chuyển qua từ WhatsApp.
WhatsApp cố gắng cứu vãn tình hình
Sau khi hứng chịu làn sóng tẩy chay của người dùng, WhatsApp đã tìm cách cứu vãn tình thế khi khẳng định rằng sẽ không chia sẻ toàn bộ dữ liệu của người dùng với Facebook, đồng thời khẳng định các nội dung tin nhắn, cuộc gọi, thông tin địa điểm… của người dùng trên WhatsApp đều được bảo mật tuyệt đối, mà ngay cả WhatsApp và Facebook đều không thể biết được.
WhatsApp cho biết chính sách mới sẽ chỉ nhắm đến các đối tượng người dùng doanh nghiệp, thay vì những người dùng cá nhân.
"Chúng tôi muốn nói rõ rằng bản cập nhật chính sách không ảnh hưởng đến quyền riêng tư tin nhắn của bạn với bạn bè hoặc gia đình theo bất kỳ cách nào. Thay vào đó, bản cập nhật này bao gồm các thay đổi liên quan đến việc nhắn tin cho doanh nghiệp trên WhatsApp, là tùy chọn và cung cấp thêm tính minh bạch về cách thức chúng tôi thu thập và sử dụng dữ liệu", WhatsApp cho biết.
Tuy nhiên, những nỗ lực của WhatsApp vẫn chưa thể cứu vãn tình thế khi mà lượng người dùng từ bỏ ứng dụng này để chuyển sang sử dụng các giải pháp thay thế như Telegram hay Signal vẫn liên tục tăng.
Theo Pavel Durov, trong năm 2020, trung bình mỗi ngày Telegram chỉ có 1,5 triệu người dùng mới thì tính riêng trong 3 ngày gần đây, đã có đến hơn 25 triệu người dùng mới đăng ký ứng dụng nhắn tin này, nhiều nhất đến từ châu Á (38%), châu Âu (27%) và khu vực Trung Đông-Bắc Phi (21%).
Điều quan trọng hơn, việc người dùng tẩy chay WhatsApp vì ứng dụng này chia sẻ thông tin với Facebook cho thấy người dùng dường như đã mất lòng tin vào mạng xã hội lớn nhất thế giới, nhất là sau hàng loạt vụ bê bối làm lộ cũng như bán thông tin cá nhân của người dùng cho bên thứ 3 của Facebook.
Theo Dân trí