Bán vốn ở Bia Sài Gòn: Chóng mặt, bị cái nữa chắc là sụp!

Chủ tịch Sabeco cho rằng thoái vốn “đang chóng mặt, bị cái nữa chắc là sụp”…Công nghệ thì gần như cái gì mới nhất thế giới Sabeco cũng mua về. Cổ phần hóa mục đích gì, cần nêu rõ…
Các bị cáo tại tòa sáng nay (26/12)
Các bị cáo tại tòa sáng nay (26/12)

Đại diện Sabeco khẳng định công ty này đang phát triển tốt và đặt vấn đề rằng tiếp tục bán vốn nhà nước để làm gì. Thế nhưng có thể thấy, nếu bán tiếp phần vốn Nhà nước, Sabeco sẽ còn phát triển tốt hơn hiện nay.

Tại Hội nghị về tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước tại Bộ Công thương sáng 24/12, ông Võ Thanh Hà, tân chủ tịch Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết đã 8 năm sau cổ phần hóa tại Sabeco, đến nay nhà nước còn giữ khoảng 89,59% cổ phần.

Ông Võ Thanh Hà tiết lộ theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sabeco đang xây dựng phương án thoái tiếp vốn hai đợt, mỗi đợt 20-30%. Như vậy có nghĩa, nhà nước sẽ bán đi ít nhất trên 50% vốn tại doanh nghiệp bia hàng đầu Việt Nam này.

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng một doanh nghiệp mỗi lần thoái vốn 20-30% là rất lớn và đề nghị khi quyết định thoái vốn 2 lần thì khoảng cách hai lần ít nhất 1 năm để ổn định sản xuất kinh doanh vì thoái vốn “đang chóng mặt, bị cái nữa chắc là sụp”…

Đặc biệt, ông Võ Thanh Hà thể hiện quan điểm khi cho biết vai trò của cổ phần hóa tại Sabeco trong 8 năm qua là mờ nhạt. Báo chí dẫn lời ông Hà cho rằng với Sabeco, để có thêm vốn thì không phải mục đích cổ phần hóa ở Sabeco, công nghệ thì gần như cái gì mới nhất thế giới Sabeco cũng mua về. Quản trị bản thân công ty đã nỗ lực thay đổi nhiều, cũng không phải do cổ phần hóa.

Khẳng định Sabeco phát triển tốt, đóng góp ngân sách tốt, ông Hà đặt câu hỏi: vậy cổ phần hóa mục đích gì, cần nêu rõ…

Thế nhưng thực tế cho thấy, Sabeco được xem như một trường hợp tiêu biểu trong việc DN đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn giữ số vốn trên 50%. Không phải ngẫu nhiên mà cùng với Vinamilk, DN này được mời tham dự buổi làm việc mới đây của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Trung ương. Và tại cuộc làm việc này, Sabeco và Vinamilk đã được phân tích, "mổ xẻ" nguyên nhân thành công cũng như hạn chế.

Được xem như trường hợp đối ứng với Sabeco, tại Vinamilk, phần vốn nhà nước hiện chỉ còn dưới 50%. Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, cũng là Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, thì việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước là yếu tố “then chốt”, là bước ngoặt giúp Vinamilk lớn mạnh không ngừng trong suốt thời gian qua. Năm 2014, tổng doanh thu của DN này đã đạt 34.977 tỉ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân về mặt doanh thu khoảng 22% mỗi năm, tăng gấp 8,3 lần so với năm 2004.

Như vậy, nếu Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, DN sẽ có nhiều khả năng thành công do được chủ động hơn trong điều hành, quản lý và không bị vướng vào các thủ tục hành chính như khi còn là DNNN. Hơn nữa, đối với các DN này tính chủ động, sáng tạo của cá nhân và tập thể người lao động được phát huy, năng suất lao động, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách tăng mạnh.

Ngược lại, ở trường hợp Sabeco, hình thức là công ty cổ phần nhưng lại đang được vận hành theo  cơ chế của một DNNN, khi vốn sở hữu Nhà nước tại DN này còn lớn. Theo báo cáo của chính Sabeco, về cơ chế hoạt động, dù là một DN cổ phần nhưng cơ cấu tổ chức của Sabeco có cả HĐQT và Bộ phận Quản lý vốn Nhà nước. Bộ máy quản lý phức tạp, cồng kềnh không những làm tăng chi phí mà còn khiến việc điều hành hoạt động DN gặp nhiều khó khăn.

Như vậy, khi Nhà nước còn giữ cổ phần chi phối hoạt động của DN không có nhiều thay đổi, thiếu sự đột phá trong điều hành, quản lý. Khi đó, mọi hoạt động của DN vẫn sẽ gần như các DNNN khác, với nhiều hạn chế cả về vốn, quản trị, công nghệ, sử dụng lao động và chế độ tiền lương.

Đó là trong thực tế. Còn về chủ trương, thì lãnh đạo Chính phủ đã rất nhiều lần nhấn mạnh quan điểm phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả DN đang kinh doanh có hiệu quả. DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh.

Báo chí cũng cho biết tại hội nghị ngày 24/12 nói trên, ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN đã tỏ ra bất ngờ với cách đặt vấn đề của ông Võ Thanh Hà. Bởi "nếu bán, hiệu quả không dừng ở đó”, ông Dũng được báo chí dẫn lời.

Nói cách khác, vai trò của cổ phần hóa tại Sabeco trong 8 năm qua quả là mờ nhạt, nhưng không thể đặt vấn đề theo hướng dừng bán vốn nhà nước, mà ngược lại, phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc bán vốn để nhà nước không còn nắm giữ cổ phần chi phối.  

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng chia sẻ, trong thời điểm như hiện nay, có DN với số lượng cổ phần bán được rất ít như Tổng công ty Điện của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, khi mới cổ phần hóa chỉ bán được 3-4% cổ phần. Vì vậy, một trong những yếu tố để cổ phần hóa thành công lần đầu là phải có phương án bán từ 51% cổ phần trở lên để nhà đầu tư biết được Nhà nước sẽ không nắm giữ số cổ phần đó nữa thì họ mới sẵn sàng tham gia.

Đặc biệt, ông Vượng cũng lưu ý tới vai trò của người đứng đầu DN. “Tôi cho rằng, trong thời gian tới, sự thành công trong công tác cổ phần hóa phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu DN. Ta chỉ có thể làm tốt khi gắn trách nhiệm người đứng đầu”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Việc tiếp tục bán vốn nhà nước cũng là trăn trở của ông Phan Đăng Tuất, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN của Bộ Công Thương, đồng thời là nguyên Chủ tịch HĐTV Sabeco. Theo ông Tuất, Nhà nước quyết định chỉ bán hơn 20% cổ phần tại nhiều DN nhưng nhà đầu tư thường có tâm lý bán dưới 51% thì không mua. “Vì họ ném tiền vào đó mà không có quyền gì cả”, ông nói.

Theo canhtranhquocgia