Bài học từ lần “bước hụt” của Microsoft

Ở Phố Wall, những sự kiện M&A luôn được khuyến khích và ưa chuộng với kỳ vọng việc đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh sẽ mang lại kết quả đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, có những vụ M&A thông minh, nhưng cũng không ít vụ lại là đỉnh cao của thảm họa.
Bài học từ lần “bước hụt” của Microsoft

Thời kỳ M&A được hình thành từ sự tăng số lượng các vụ thôn tính các công ty nhỏ bằng những công ty lớn hơn, khi mà nguyên tắc về sự đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh được nhiều công ty ưa chuộng.

Nghe thì có vẻ là một ý tưởng tốt khi một công ty lớn mua lại và tiếp quản một công ty có sẵn trong lĩnh vực mà công ty muốn gia nhập thay vì khởi sự từ con số không. Chính suy nghĩ này đã thúc đẩyMicrosoftlấn sân sang thị trường Smartphone bằng việc mua lại hãng điện thoại di độngNokiaở Phần Lan.

Microsoft đã kỳ vọng "nụ hôn quản lý" của mình sẽ giải thoát chú cóc xấu xí Nokia trở thành một chàng hoàng tử đẹp trai. Mặc dù "hôn" đã lâu, nhưng dường như chẳng có biến chuyển kỳ diệu nào xảy ra cả.

Đọc bản báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2015 của công ty, nhiều cổ đông của Microsoft hẳn đã cảm thấy phiền muộn vì khoản lỗ ròng lên đến 3,2 tỷ đô la. Nguyên nhân của khoản thua lỗ khủng này đến từ việc công ty đã chi ra một số tiền lớn để có được Nokia.

Và câu chuyện phiêu lưu vào thế giới Smartphone đã dần đi đến hồi kết vào đầu tháng 7 năm nay khi Microsoft đã sa thải hơn 7.800 lao động, hầu hết trong đó đều làm ở bộ phận phần cứng và điện thoại của Nokia. Động thái cắt giảm này của gã khổng lồ phần mềm cho thấy công ty đang tái cơ cấu và tổ chức lại bộ máy hoạt động kinh doanh.

Microsoft là điển hình của hình ảnh các công ty thích đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh bằng việc tìm mua những món hàng được định giá cao và hoàn toàn vượt ngoài tầm hiểu biết của họ.

Không chỉ gã khổng lồ phần mềm phạm sai lầm, những tập đoàn lớn khác như Coca-Cola, Gillette đã từng dùng những khoản lợi nhuận từ lĩnh vực chủ đạo để đầu tư vào những ngành kinh doanh khác không liên quan đến đồ uống có gas hay dao cạo râu.

Kết quả là họ gặp thất bại và phung phí những đồng vốn quý báu của cổ đông. Vì thế, cả hai đã cắt lỗ, rút vốn khỏi những lĩnh vực không liên quan và bắt đầu tập trung vào ngành kinh doanh chủ đạo của mình.

Để giờ đây họ đang hưởng trái ngọt khi Coca-Cola đang thống lĩnh thị trường nước ngọt có gas, trong khi không công ty nào trên thế giới bán nhiều sản phẩm dao cạo râu như Gillette.

Nếu phải đa dạng hóa thì tốt nhất đó sẽ là lĩnh vực có liên quan hoặc là ngành kinh doanh chủ đạo đang trở nên tồi tệ.

Thành công kinh điển nhất khi đi theo cách tiếp cận trên không ai khác là Berkshire Hathaway. Thế giới chắc sẽ không bao giờ nghe đến cái tên Warren Buffett nếu như công ty cứ chung thủy với ngành dệt may.

Bằng cách sử dụng lợi nhuận hiếm hoi vắt ra từ ngành dệt, công ty đã đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh khi mua những công ty có triển vọng hơn. Với chiến lược này, Berkshire từ một công ty dệt may ít ai biết đến đã trở thành một tập đoàn lớn mạnh mà vốn của nó luôn được luân chuyển và đầu tư vào những nơi sinh lợi nhất.

Đầu tư vào chính mình là nơi sinh lợi nhất

Mua lại cổ phần là cách đơn giản và tốt nhất mà mọi công ty có thể đền đáp cho những những nhà đầu tư của mình. Không chỉ vậy, hình thức này còn là cách để sử dụng nguồn tiền mặt đang dư thừa và giảm chi phí rất hiệu quả.

Nếu một công ty có niềm tin vào tương lai của mình, thì tại sao lại không đầu tư vào chính mình, giống như những cổ đông khác đang làm.Vì xét về dài hạn, việc mua lại cổ phần sẽ là phần thưởng lớn không chỉ dành cho các nhà đầu tư mà còn cho công ty.

Khi cổ phiếu được công ty mua lại, nó sẽ ra khỏi dòng lưu thông, do đó số lượng cổ phiếu hiện hành sẽ ít đi. Điều đó sẽ có một tác động diệu kỳ đến tỷ suất thu nhập trên mỗi cổ phiếu, và lần lượt sẽ tác động lên giá cổ phiếu.

Một bài toán chứng minh cho phương pháp trên là khi công ty mua lại một nửa số cổ phần của mình và tổng doanh thu của công ty vẫn giữ nguyên, thì thu nhập trên mỗi cổ phần sẽ tăng lên gấp đôi. Hầu như rất ít công ty làm được điều này thông qua biện pháp cắt giảm chi phí hay bán tài sản.

Trường hợp của Tập đoàn Post là một ví dụ. Dưới sự gợi ý của nhà đầu tư Warren Buffett và cũng là thành viên trong Hội đồng quản trị của công ty, Katherine Graham, người phụ nữ quyền lực nhất của Post đã tiếp cận phương pháp cắt giảm chi phí từ việc mua lại cổ phần.

Ban đầu thì vị CEO của Tập đoàn Post cho rằng ý tưởng mua lại một phần lớn cổ phiếu của chính mình thật là điên rồ. Vì nếu một công ty hoàn lại tiền vốn nó đã thu hút được thì lấy gì để phát triển. Nhưng Buffett thì cho rằng điều quan trọng không phải là sự tăng trưởng một cách chung chung mà là tăng trưởng trên mỗi cổ phần.

Nói theo cách hình tượng hơn, giống như việc giảm số miếng của một chiếc pizza, nếu giá cổ phiếu của Post đang rẻ và công ty đang dư thừa tiền mặt thì cách này sẽ giúp từng miếng bánh có nhiều pho mát hơn.

Nếu phải kể tên những công ty mang lại sự hài lòng cho các cổ đông nhất thì Post chính là người đi đầu. Trong khi doanh thu tăng trưởng ở mức ổn định là 12% một năm thì việc mua lại gần 40% tổng số cổ phiếu lưu hành đã làm lợi nhuận trên mỗi cổ phần của công ty gia tăng đáng kinh ngạc.

Khi một công ty mua lại chứng khoán của chính mình, nó sẽ là một thông tin “hot” cho các nhà đầu tư. Vì cách tiếp cận này luôn là một trong những dấu hiệu cho thấy công ty đang phục vụ vì lợi ích của cổ đông.

Theo Trí Thức Trẻ