Thắp ngọn lửa hạnh phúc trong những ngôi nhà hiếm muộn:

Bài 16: Mang thai hộ “dễ” hay “khó”?

VietTimes -- Mang thai hộ là một giải pháp giúp các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn hoàn thành tâm nguyện được làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, không phải cặp vợ chồng vô sinh nào cũng đủ điều kiện để được mang thai hộ, do quy định về mang thai hộ rất chặt chẽ, nhằm tránh thương mại hoạt động mang tính nhân đạo này. Cuộc trao đổi của TS. Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) với VietTimes  hy vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích xung quanh vấn đề này. 
Cặp vợ chồng hạnh phúc khi có được đứa con mơ ước
Cặp vợ chồng hạnh phúc khi có được đứa con mơ ước

Những điều kiện chặt chẽ

+ Có phải bất kỳ ai cũng có thể thực hiện việc mang thai hộ, hay bắt buộc phải có những điều kiện gì, thưa ông?

- Bộ Y tế đã có Nghị định số 02/VBHN-BYT ngày 30/01/2019 Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ với mục đích nhân đạo (gọi tắt là Nghị định 02). Theo đó, các cặp vợ chồng có mong muốn thực hiện mang thai hộ phải là cặp vợ chồng vô sinh và chưa có con chung.

Người mang thai hộ là người chưa mang thai hộ lần nào, có đủ khả năng mang thai và có mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan với người nhờ mang thai hộ. Nếu người mang thai hộ có chồng thì phải được sự đồng ý cho mang thai hộ của người chồng.

Những em bé sinh ra nhờ thụ tinh trong ống nghiệm
Những em bé sinh ra nhờ thụ tinh trong ống nghiệm 

+ Xin ông cho biết, người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ có được đảm bảo an toàn về đời sống riêng tư không?

- Người mang thai hộ, trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ đều được đảm bảo an toàn về đời sống riêng tư, kể cả bí mật cá nhân, bí mật của gia đình và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ, theo Nghị định 02. Các cặp vợ chồng chỉ được phép mang thai hộ tại các cơ sở được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này.

Chỉ có 5 cơ sở được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ

+ Ở nước ta hiện có bao nhiêu cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, thưa ông?

- Đến thời điểm hiện tại chỉ có 5 cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ gồm: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Mỹ Đức.

Để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, các cơ sở y tế phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này. Cùng với đó, tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 2 năm.

Niềm hạnh phúc vô bờ khi có con của cặp vợ chồng hiếm muộn
Niềm hạnh phúc vô bờ khi có con của cặp vợ chồng hiếm muộn 

+ Vừa qua, trường hợp một người chồng lừa lấy phôi lưu tại bệnh viện nghi giúp “bồ” mang thai đã gây xôn xao dư luận. Làm thế nào để người dân có nhận thức đúng, hạn chế những trường hợp không mong muốn có thể xảy ra, thưa ông?

- Tôi cho rằng, để người dân hiểu đúng về vấn đề chuyển, lưu phôi thai trong bệnh viện, cần tăng cường phổ biến hiểu biết pháp luật về lĩnh vực hỗ trợ sinh sản cho người dân, nhằm giảm thiểu các vi phạm trong lĩnh vực này, đồng thời, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các qui định của pháp luật, quy trình chuyên môn kỹ thuật của các nhân viên y tế tại các cơ sở có cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh sản.

Bộ Y tế đang khuyến nghị các bệnh viện đưa ứng dụng quản lý bằng vân tay, mống mắt và kết nối các trung tâm thực hiện hỗ trợ sinh sản để kiểm soát chặt chẽ việc quản lý cho/nhận tinh trùng, cho/nhận trứng, cho/nhận phôi.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối liên thông giữa tất cả các cơ sở thực hiện IVF nhằm giảm thiểu những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra.

Một trường hợp đặc biệt có con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm
Một trường hợp đặc biệt có con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm 

Hết hạn hợp đồng 1 năm, có quyền hủy tinh trùng hoặc noãn hoặc phôi đã gửi

+ Xin ông cho biết, Bộ Y tế đã có những quy định gì trong vấn đề chuyển, lưu phôi thai bệnh viện?

- Để quản lý quá trình chuyển, lưu phôi thai trong bệnh viện, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn về xử lý tinh trùng, noãn, phôi dư cho các đơn vị thực hiện hỗ trợ sinh sản trên cả nước.

Đối với các trường hợp cặp vợ chồng sau khi có con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, nếu không có nhu cầu sử dụng số phôi còn dư, thì có thể hiến tặng cho cơ sở khám, chữa bệnh với sự đồng ý của cả vợ và chồng, thông qua hợp đồng tặng/cho.

Việc sử dụng phôi dư trong trường hợp này được người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh quyết định hủy, hoặc phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học.

Nếu các cặp vợ chồng lưu giữ tinh trùng, noãn, phôi tại các cơ sở khám, chữa bệnh, không đóng phí lưu giữ bảo quản sau khi đã hết thời hạn hợp đồng 1 năm, thì cơ sở khám, chữa bệnh có quyền hủy tinh trùng hoặc noãn hoặc phôi đã gửi theo quy định.

Riêng việc xử lý tinh trùng, noãn, phôi dư mà không có hợp đồng dân sự, hoặc hợp đồng dân sự không quy định cụ thể thời hạn hoặc trong hợp đồng không có điều khoản quy định về hủy tinh trùng, noãn, phôi dư, thì bệnh viện vẫn có thể thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên, để tránh khiếu nại, kiện cáo sau này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần liên lạc ít nhất 3 lần với người gửi tinh trùng, noãn, phôi trong vòng 1 năm.

Sau thời gian trên nếu người gửi vẫn không có thông tin xác nhận lại về việc tiếp tục lưu giữ tinh trùng hoặc noãn hoặc phôi và không đóng phí lưu giữ bảo quản thì cơ sở khám, chữa bệnh được phép thành lập Hội đồng hủy tinh trùng, noãn, phôi.

Việc tiến hành hủy tinh trùng, noãn, phôi phải được lập thành biên bản.

Chia sẻ với VietTimes, GS.TS. Nguyễn Viết Tiến  – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết, để tránh tình trạng thương mại và thực hiện đúng mục đích nhân văn của việc mang thai hộ, các nhà quản lý y tế đã đặt ra rất nhiều quy định khắt khe, như phải có chỉ định của bác sĩ về việc mang thai hộ; người đứng ra để mang thai phải cùng dòng họ, huyết thống, có xác nhận của chính quyền địa phương về quan hệ huyết thống và tình trạng sức khỏe; các cặp vợ chồng đã được tư vấn về mặt pháp lý, tâm lý.

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế
GS.TS. Nguyễn Viết Tiến  – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế 

Trong đó, người mẹ có chỉ định mang thai hộ phải có bất thường về giải phẫu như không có tử cung hoặc tử cung dị thường, hoặc là tử cung bị bệnh, niêm mạc không đạt tiêu chuẩn; người mẹ có bệnh về gan, ung thư… không cho phép mang thai; người mẹ đã thụ tinh trong ống nghiệm nhiều lần nhưng không có kết quả.

Mặc dù đã có những quy định như vậy, song, vẫn có những người giả danh, trở thành họ hàng, huyết thống của một cặp vợ chồng để tìm cách đẻ thuê.

 “Có nhiều trường hợp người mang thai hộ không phải là họ hàng thân thích, hoặc cặp vợ chồng vẫn có khả năng điều trị, không đáng để mang thai hộ, thì tìm mọi cách để nhờ người mang thai hộ. Chỉ cần nhân viên của trung tâm nào sơ xuất, không cẩn thận, thì sẽ gặp các trường hợp đẻ thuê trá hình. May mắn, chúng tôi đã kịp thời phát hiện được các trường hợp đó và tránh các nguy cơ về pháp lý” – GS.TS. Nguyễn Viết Tiến nói.

Thời gian tới, GS.TS. Nguyễn Viết Tiến cùng các chuyên gia sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi những điểm yếu, siết chặt các quy định pháp luật về mang thai hộ, không để lọt các thủ đoạn biến tướng của mang thai hộ, đẻ thuê trá hình.