Bác sĩ “choáng váng” vì lượng bệnh nhân mắc COVID-19 quá lớn ở tâm dịch tại TP. HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Làm việc với 300% công suất so với bình thường, căng thẳng, mệt mỏi là những áp lực mà BS. Ngô Đức Hùng cùng các đồng nghiệp phải trải qua trong tâm dịch COVID-19 nóng nhất ở TP. HCM.
BS. Ngô Đức Hùng - Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh - Minh Thuý cắt từ clip)
BS. Ngô Đức Hùng - Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh - Minh Thuý cắt từ clip)

Làm việc 300% công suất

BS. Ngô Đức Hùng - Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện (BV) Bạch Mai – 1 trong những y bác sĩ luôn có mặt tại điểm nóng của dịch COVID-19 tại TP. HCM – chia sẻ: “Vào ngày đầu tiên bắt đầu làm việc ở Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của BV Bạch Mai tại TP, HCM, tôi cảm thấy rất dài, không biết đến bao giờ mới hết 1 đêm trong bộ quần áo bảo hộ vô cùng nóng và bí hơi. Vì thế, tôi lúc nào cũng muốn được cởi bộ quần áo bảo hộ. Tuy nhiên, sau 50 ngày trực ở BV, tôi đã quen với cảm giác này”.

Tại BV, để đảm bảo công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, BS. Hùng cùng tất cả các nhân viên y tế đều làm việc 300% công suất, vô cùng căng thẳng, mệt mỏi để đáp ứng được đầy đủ yêu cầu chuyên môn trên nền tảng Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 được xây dựng từ con số 0. Đây là 1 thách thức rất lớn đối với các bác sĩ, nhân viên y tế.

Theo BS. Hùng, tình hình dịch COVID-19 căng thẳng ở TP. HCM đã khiến anh cảm thấy tất cả những lần đi chống dịch trước đây chỉ là cuộc tập dượt còn dịch COVID-19 ở TP. HCM mới là “trận chiến” đích thực. Số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhiều đã khiến BS. Hùng “choáng váng” trong khoảng thời gian đầu tiên. “Thực sự tôi cảm thấy lo sợ nhưng đả kích lớn nhất đối với các nhân viên y tế đó chính là bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhiều quá, bệnh nhân bị tổn thương phổi nhiều quá. Tôi luôn trong trạng thái lo sợ liệu bản thân có đủ sức để chiến đấu được hay không. Nếu chẳng may có nhân viên y tế nhiễm bệnh thì công việc lại dồn lên vai những người còn lại. Đây là điều mà ai cũng băn khoăn, lo lắng”.

BS. Hùng tâm sự: “Do Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của BV Bạch Mai được xây dựng trên 1 xưởng đóng tàu nên các trang thiết bị y tế cũng như quy trình không thể đảm bảo như ở BV. Do đó, áp lực lớn nhất của tôi là làm thế nào để bệnh nhân ổn định, đồng nghiệp không bỡ ngỡ trước công việc”.

Động lực lớn nhất đến từ người bệnh

Trong những ngày tháng chiến đấu với dịch COVID-19, động lực lớn nhất của BS. Hùng cùng các đồng nghiệp chính là những người bệnh. Đằng sau những bệnh nhân mắc bệnh nặng phải thở máy chính là gia đình đang chờ đợi họ khoẻ mạnh trở về. “Chính vì thế, không có lý do gì để chũng tôi buông tay. Mỗi người bệnh đều là đồng bào, là người dân đang cần sự hỗ trợ. Do đó, dù chì còn 1 tia hy vọng chúng tôi cũng cố gắng hết sức trong khả năng của mình để cứu chữa người bệnh” – anh Hùng nói.

Trên facebook của mình, BS. Hùng đã chia sẻ về trường hợp 1 cô gái nặng 130kg đã chiến thắng COVID-19 bằng nghị lực của chính mình và sự giúp đỡ của các bác sĩ. Chia sẻ về bệnh nhân này, BS. Hùng cho hay: Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 của BV Bạch Mai tại TP. HCM là một môi trường khác về mặt địa lý, ảnh hưởng tới thói quen ăn uống, sinh hoạt,… Vì thế, nhóm bệnh nhân mắc bệnh lý nền về rối loạn chuyển hoá khá nhiều, trong đó có nhiều người bị rối loạn đường huyết, thừa cân, béo phì,… Nữ bệnh nhân nặng 130kg mắc COVID-19 là 1 trong những bệnh nhân vào viện giai đoạn đầu tiên. Đường thở của bệnh nhân rất khó để có thể can thiệp. Khi hội chẩn, các bác sĩ đã đánh giá nếu bệnh nhân suy hô hấp nặng thêm thì rất khó để có thể can thiệp đường thở, thậm chí, trong 1 tuần bệnh nhân không thể nằm vì phổi quá nhỏ, bị tổn thương.

Thực tế, việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có thành công hay không phải phụ thuộc vào ý chí, nỗ lực của bản thân bệnh nhân, còn các bác sĩ chỉ giúp bệnh nhân không mắc bệnh nặng thêm. Khi bệnh nhân hợp tác, phối hợp điều trị với các bác sĩ thì bệnh sẽ chóng khỏi. Mặc dù cơ thể nặng tới 130kg nhưng nữ bệnh nhân mà BS. Hùng điều trị không phải đặt ống nội khí quản, thở máy trong khi các bệnh nhân khác đều phải thở máy. Sau 2 tuần, bệnh nhân đã cai được oxy.

Bên cạnh những trường hợp bệnh nhân phối hợp với các bác sĩ thì vẫn có một số người từ chối điều trị. Trong tình huống này, các bác sĩ phải cân nhắc ý kiến của người bệnh, nhất là vấn đề về đạo đức. Khi bệnh nhân còn tỉnh táo và từ chối điều trị thì bác sĩ phải chủ động tìm biện pháp khác để điều trị hiệu quả cho người bệnh.

Để cân bằng lại tinh thần, cuộc sống sau những đêm không ngủ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, BS. Hùng đều cố gắng tìm 1 thú vui nào đó (đọc sách, viết, đi dạo,…) để giải toả căng thẳng, tiếp tục làm việc và cứu chữa người bệnh.