Âm tính hay dương tính liên quan đến tải lượng virus SARS-CoV-2 của người mắc COVID-19

VietTimes – TS.BS. Phạm Quang Thái - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương – cho hay, kết quả xét nghiệm âm tính hay dương tính với virus SARS-CoV-2 liên quan đến tải lượng virus SARS-CoV-2 của người mắc COVID-19.
Nhân viên y tế tại trạm xét nghiệm nhanh COVID-19 (Ảnh: Minh Thúy)
Nhân viên y tế tại trạm xét nghiệm nhanh COVID-19 (Ảnh: Minh Thúy)

Virus đào thải ít, các test sẽ không phát hiện được

Theo TS. BS. Phạm Quang Thái, có những trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng trong giai đoạn đầu virus nhân lên rất chậm nên cho kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, sau đó virus âm thầm tấn công vào phổi khiến người bệnh bắt đầu có triệu chứng lâm sàng, phổi bắt đầu tổn thương, thì lượng virus đào thải rất nhiều. Khi đó xét nghiệm sẽ dễ dàng tìm được virus.

Vì vậy, việc “âm tính” hay “dương tính” liên quan đến tải lượng virus của người đó, tùy vào lượng virus đào thải ra nhiều hay ít. Nếu lượng virus đào thải ít thì các test sẽ không phát hiện được. Bởi bất cứ một loại test nào cũng đều có ngưỡng phát hiện nhất định, dưới ngưỡng này thì kết quả được coi là âm tính.

“Có test phát hiện được 3 virus ở trong 1 đơn vị thể tích, test khác là 10 virus, có loại test chỉ phát hiện được khi có từ 30 virus trở lên. Mỗi loại test độ nhạy sẽ khác nhau. Thông thường những người đào thải nhiều virus thì hầu hết các test sẽ phát hiện được. Nhưng người lượng virus rất ít, như người vừa mới nhiễm hoặc người sắp khỏi, hay khỏi rồi, đã hết triệu chứng, đặc biệt là đã có kháng thể, thì việc xác định có virus rất khó khăn” – BS. Thái nói.

TS.BS. Phạm Quang Thái - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thành viên Tổ thông tin đáp ứng dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
TS.BS. Phạm Quang Thái - Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thành viên Tổ thông tin đáp ứng dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

Điểm khác biệt của virus SARS-CoV-2 là ở một số người, khi họ đã khỏi bệnh, cơ thể họ vẫn tiếp tục đào thải một lượng nhất định vật liệu di truyền hoặc cả con virus bất hoạt SARS-CoV-2 ra ngoài. Vì vậy, có những người rất lâu sau khi khỏi bệnh lại được phát hiện dương tính trở lại như trường hợp gần đây TP. Hồ Chí Minh phát hiện ra bệnh nhân 368 và bệnh nhân 397.

Realtime-PCR không phải lúc nào cũng cho kết quả dương tính với người đã mắc COVID-19

BS. Thái khẳng định phương pháp xét nghiệm Realtime-PCR mang tính chất thời điểm, không phải lúc nào cũng cho kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh nhân đã mắc COVID-19.

Thực tế, một người hoàn toàn có thể xét nghiệm lần thứ nhất là âm tính, vì họ vừa mới nhiễm, lượng đào thải virus ít nên chưa thể có kết quả dương tính. Lúc có thể đào thải nhiều thì lại không được xét nghiệm. Đến lúc hết đào thải thì được xét nghiệm lần thứ 2 cũng không bắt được, xong đến lần thứ 3 thì không may do có hiện tượng tái dương tính (đã khỏi rồi nhưng virus bất hoạt hoặc phần sót lại của virus vẫn tiếp tục được đẩy lên) thì những trường hợp đó lại dương tính. Rõ ràng sau 2 lần xét nghiệm âm, lần thứ 3 dương. Kết quả xét nghiệm phụ thuộc khá nhiều vào thời điểm lấy mẫu.

Trong các thí nghiệm gần đây của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, những trường hợp nào tải lượng virus cao thì mới có thể nuôi cấy được, còn tải lượng virus rất thấp thì không nuôi cấy được. Việc không nuôi cấy được virus tương đương với việc khó có nguy cơ lây nhiễm virus cho người khác. Nếu có trường hợp nào bắt hụt do xét nghiệm âm tính thì cũng không quá lo lắng vì họ khó có thể lây ra cộng đồng. Tuy nhiên, nếu trường hợp bệnh nhân thuộc diện nguy cơ thì khi đó không chỉ thực hiện lấy mẫu 1 lần mà sẽ phải lấy mẫu bệnh phẩm nhiều lần mới có thể khẳng định.

Việc xét nghiệm 2-3 lần đầu âm tính, lần sau mới dương tính có thể không loại trừ do sai sót trong kỹ thuật lấy và xét nghiệm mẫu. Bởi có thể khi lấy mẫu, nhân viên y tế không đưa được que lấy mẫu vào đúng vị trí, có thể đưa nông quá chưa đến được nơi cần lấy mẫu hoặc trong quá trình lấy mẫu, người bị lấy mẫu cử động cổ làm trật vị trí lấy mẫu.

BS. Thái cho rằng: Thời điểm lấy mẫu rất quan trọng. Có thời điểm lấy ở vùng tị hầu sẽ ra kết quả cao, có thời điểm lấy mẫu vùng họng. Đó là lý do vì sao các chuyên gia khuyên tốt nhất lấy mẫu là ở cả hai vị trí cùng lúc. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có đủ que để lấy mẫu. Khi tình hình dịch COVID diễn biến phức tạp, lượng người lấy mẫu xét nghiệm rất đông, không phải lúc nào cũng làm được cả 2 cách lấy mẫu. Vì vậy, việc tập huấn cho những người làm công tác xét nghiệm cũng rất quan trọng. Họ sẽ lấy mẫu như thế nào và tại vị trí nào cho hợp lý nhất với đối tượng của mình.