Triều Tiên đặc biệt đã có những lời lẽ gay gắt nhắm vào cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Theo giới chuyên gia, tổng thống Mỹ Donald Trump đang trong thế khó xử trước những quan điểm diều hâu của vị cố vấn này.
Sự việc diễn ra đã làm cho ông Trump bối rối và có thái độ thận trọng. Báo Anh The Guardian đặt câu hỏi: Chủ nhân Nhà Trắng giờ phải làm gì? Đi theo vị cố vấn an ninh quốc gia của mình với những đường lối chiến thuật cứng rắn? Hay là cứ tiến bước đến gặp ông Kim Jong Un, một cuộc thượng đỉnh lịch sử nhưng chưa rõ kết quả ra sao?
Cho đến nay, khái niệm về «phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên» vẫn còn rất mù mờ. Với Bình Nhưỡng, phi hạt nhân hóa hoàn toàn có nghĩa là đóng lại chiếc ô hạt nhân của Mỹ ở Hàn Quốc, và mở rộng ra hơn nữa là xóa bỏ hệ thống liên minh quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á. Đây là một kế hoạch dài hạn và có liên quan đến tất cả các cường quốc, mà Triều Tiên là một bên liên quan.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ của ông Trump lại hiểu là nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẵn sàng hủy bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân. Vào cuối tuần trước, khi trả lời phỏng vấn truyền hình, ngoại trưởng Mỹ nói chung chung, sơ lược quan điểm đàm phán của Mỹ.
Theo đó, mục đích của thượng đỉnh là tìm cách ngăn chặn Bình Nhưỡng đe dọa lãnh thổ Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, và trong một chừng mực nào đó, có thể cho phép Triều Tiên giữ lại một số đầu đạn hạt nhân với điều kiện nước này ngưng chương trình tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên dường như quan điểm này không được cố vấn an ninh quốc gia John Bolton chia sẻ. Cũng trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, ông Bolton hùng hồn tuyên bố Bình Nhưỡng phải chuyển tất cả vũ khí hạt nhân sang một nước thứ ba và đưa các nguyên liệu phân hạch sang Mỹ.
Vị cố vấn diều hâu còn đề xuất việc giải trừ hạt nhân Triều Tiên theo «mô hình Libya». Giới quan sát cho đó là một sự tham chiếu quá vụng về. Vì ai cũng biết rằng nhà lãnh đạo Mouhamad Kadhafi đã có kết cục thảm khốc như thế nào, sau khi đã ngây thơ quyết định từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, tờ báo Anh lưu ý là thái độ diều hâu này của ông John Bolton đối với Triều Tiên cũng không phải điều mới mẻ. Bình Nhưỡng không bao giờ quên rằng chính ông là người đã thuyết phục tổng thống Mỹ George W. Bush từ bỏ Thỏa thuận khung về hạt nhân 1994.
Bản thân John Bolton cũng từng lấy làm tự hào vì đã thành công trong việc gạt bỏ các nỗ lực của bộ Ngoại giao Mỹ lúc đó tìm cách duy trì bằng mọi giá đàm phán với Bình Nhưỡng. Ông nhạo báng các nhà ngoại giao thời ấy là "những kẻ quỵ lụy".
Chính vì thế, Triều Tiên kiên quyết gạt nhân vật hiếu chiến này ra khỏi mọi cuộc đàm phán song phương. Sự việc giờ đây đặt tổng thống Mỹ trong thế tiến thoái lưỡng nan.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu