Ngày 20/4, tại Hội nghị Trung ương 3 khóa VII của Đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ chấm dứt thử hạt nhân và phóng thử tên lửa đạn đạo, muốn tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế.
Đây là một tuyên bố có phần gây ngạc nhiên cho dư luận quốc tế, nhưng cũng có logic. Không ít phương tiện truyền thông phỏng đoán Triều Tiên chính thức tuyên bố tiến hành cải cách mở cửa.
Tờ Phượng Hoàng Hồng Kông đặt câu hỏi: Như vậy, sự thay đổi ở Triều Tiên sẽ đưa Triều Tiên đi theo con đường của Trung Quốc? Sẽ tác động ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc? Đem lại cơ hội gì cho Trung Quốc?
Những cơ hội của Trung Quốc
Theo ông Vương Thế Du, thành viên Hiệp hội đầu tư doanh nghiệp Trung Quốc, hiện nay nói Triều Tiên tiến hành cải cách mở cửa vẫn còn sớm. Triều Tiên vừa đưa ra quyết sách quan trọng, nhưng đường lối cụ thể còn chưa rõ ràng.
Triều Tiên hiện nay rất giống Trung Quốc vào năm 1978, Hội nghị Trung ương 3 khóa XI của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó chủ trương đặt trọng tâm của toàn bộ công tác vào phát triển kinh tế. Nhưng, trên thực tế, đến năm 1984, Trung Quốc mới thực hiện cải cách mở cửa toàn diện. Vì vậy, đối với Triều Tiên, cũng cần có một quá trình “thai nghén”. Cần phải chờ đợi quan sát các bước đi cải cách mở cửa của Triều Tiên.
Có vài việc lớn tiếp theo như kết quả đàm phán trong cuộc hội đàm lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 27/4/2018 và đối thoại giữa ông Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó sẽ quyết định tốc độ mở cửa kinh tế của Triều Tiên.
Như vậy, Triều Tiên hiện là trung tâm chú ý về địa - chính trị ở khu vực Đông Á, có liên quan đến quan hệ liên Triều, quan hệ Trung - Triều, quan hệ Triều - Nga, quan hệ Mỹ - Triều v.v…
Nếu Triều Tiên tiến hành cải cách mở cửa thì có quan hệ rất lớn với Trung Quốc. Bởi vì, cải cách mở cửa của Trung Quốc đã trải qua 40 năm, có kinh nghiệm phong phú về phát triển kinh tế dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thể chế của Triều Tiên là thể chế kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên, giống như thời kỳ đầu cải cách mở cửa của Trung Quốc. Đặc sắc chủ nghĩa xã hội thời đại mới hiện nay phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế của Triều Tiên.
Cùng với việc tôn trọng Triều Tiên, Trung Quốc có thể tìm được các cơ hội thương mại, hỗ trợ Triều Tiên phát triển kinh tế, giảm bớt việc phải đi con đường quanh co. Quan hệ kinh tế Trung - Triều khi đó có thể phát triển trên những phương diện dưới đây:
Một là, Triều Tiên có tài nguyên khoáng sản phong phú, được Trung Quốc quan tâm, tìm đến thúc đẩy hợp tác khai thác.
Hai là, Trung Quốc có thể tìm cơ hội làm ăn ở Triều Tiên trong lĩnh vực xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở như cảng biển, đường sá, cầu cống.
Ba là, Trung Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác trong ngành chế tạo như thương mại, đầu tư, thậm chí xây dựng khu ngành nghề, công nghiệp.
Bốn là, thúc đẩy hợp tác trong các ngành công nghiệp truyền thống như gang thép, xi măng, ô tô, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, thực phẩm.
Năm là, hai bên sẽ có các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực khác như bất động sản, văn hóa, khoa học công nghệ, tài chính, giáo dục.
Trong tương lai, Trung Quốc và Triều Tiên có thể tiến hành hợp tác đa dạng, toàn diện. Điều quan trọng hiện nay và thời gian tới là phải xem các bước đi và quan điểm của Triều Tiên trong phát triển kinh tế.
Chủ yếu mở cửa với Mỹ
Nhà nghiên cứu Lý Gia Thành, Trung tâm nghiên cứu kinh tế, chính trị các nước chuyển đổi, Đại học Liêu Ninh, Trung Quốc cho rằng trước đây, Triều Tiên cũng đã thúc đẩy một số cải cách, kết quả có thành công, nhưng cũng có không ít thất bại.
Chẳng hạn, Đặc khu kinh tế Rason giữa Trung - Triều không có hiệu quả; Khu kinh tế Hwanggumphyong giữa Trung - Triều rơi vào trạng thái tạm dừng; Khu công nghiệp Kaesong của hai miền Triều Tiên cũng bị dừng lại. Việc cải cách chế độ tiền tệ ở Triều Tiên đã làm mất giá đồng tiền, cuối cùng không thành công.
Lần này Triều Tiên tập trung mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế chủ yếu là để mở cửa với Mỹ, mong muốn nhận được các nguồn đầu tư từ Mỹ. Then chốt của thành bại là phải xem kết quả các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Triều - Mỹ sắp tới.
Triều Tiên chuyển hướng sang tập trung vào phát triển kinh tế sẽ có lợi cho Trung Quốc, chẳng hạn sẽ thúc đẩy chấn hưng cơ sở công nghiệp cũ ở khu vực đông bắc. Có quan điểm cho rằng khu vực đông bắc Trung Quốc chưa thể phát triển là do Triều Tiên luôn tiến hành thử hạt nhân và bị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tiến hành trừng phạt về kinh tế.
Trong tương lai, nếu Triều Tiên cùng với Mỹ và Hàn Quốc đạt được thỏa thuận về phi hạt nhân hóa, chính sách trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc được dỡ bỏ thì quan hệ kinh tế thương mại Trung - Triều sẽ từng bước được khôi phục. Triển khai hợp tác kinh tế thương mại Trung - Triều hay Trung - Triều - Hàn sẽ được trông đợi.
Tình hình căng thẳng sẽ dịu đi
Từ lâu, Triều Tiên luôn tách biệt với thế giới, không tham gia vào hội nhập toàn cầu. Đây là điều không bình thường. Nếu dựa vào thể chế vốn có, kinh tế Triều Tiên sẽ sụp đổ, chính trị cũng sẽ không ổn định lắm.
Trong cải cách lần này, bất kể là chấm dứt thử hạt nhân hay tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế thì đây đều là những việc tốt đối với toàn thế giới, đối với Trung Quốc và các tỉnh đông bắc Trung Quốc.
Trước hết, cải cách ở Triều Tiên sẽ phần nào làm dịu vấn đề căng thẳng địa chính trị. Thứ hai, Triều Tiên sau cải cách sẽ hình thành một thị trường mới. Thứ ba, trình độ giáo dục của Triều Tiên rất cao, hơn 25 triệu người là một nguồn lao động dồi dào.
Đặc biệt, cải cách ở Triều Tiên là điều rất đáng được trông đợi đối với 3 tỉnh đông bắc Trung Quốc. Bởi vì, hiện nay, kinh tế 3 tỉnh này không tốt lắm. Cải cách kinh tế ở Triều Tiên có thể đem lại một số cơ hội cho khu vực đông bắc.
Trong thời gian đầu cải cách mở cửa, Trung Quốc tương đối thận trọng. Nếu so sánh với tiến trình cải cách mở cửa của Trung Quốc, Triều Tiên hiện ở giai đoạn dò tìm đường đi, các bước cải cách cũng sẽ không lớn lắm. Nếu thực sự muốn nhìn thấy hiệu quả của cải cách thì rất có thể là 5 - 10 năm sau.
Về thời điểm cải cách, Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa vào năm 1978, khi đó ở trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, kinh tế toàn cầu không ổn định. Trong khi đó, hiện nay, Trung Quốc và Mỹ đang tiến hành “chiến tranh thương mại”, tình hình cũng có điểm tương tự như trước đây.
Ông Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo trẻ, cho nên cải cách ở Triều Tiên có thể được tiến hành trong thời gian tới.
Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Quản Thanh Hữu, nếu Triều Tiên đi theo con đường của Trung Quốc, từ ra sức phát triển kinh tế đến từng bước cải cách mở cửa thì: Trước hết, trạng thái tương đối căng thẳng về quân sự, chính trị của khu vực đông bắc Trung Quốc sẽ có thể dịu đi.
Đồng thời, Triều Tiên nếu ra sức phát triển kinh tế, vừa có thể gây ảnh hưởng tích cực lên kinh tế nước này, vừa có tác dụng thúc đẩy đối với kinh tế toàn bộ khu vực Đông Bắc Á. Bởi vì, Triều Tiên vừa có thể trở thành một thị trường rất lớn, vừa có nguồn lao động tương đối dồi dào với hơn 25 triệu dân.