Những cống hiến lặng thầm mà giá trị lớn lao
GS.TS. Huỳnh Phương Liên tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1965, chuyên ngành vi sinh. Cả cuộc đời bà gắn liền với chuyên ngành virus và vaccine. Thời chiến tranh, bà xung phong vào chiến trường miền Nam và ở chiến trường Khu V, bà đã cùng đồng đội xây dựng một phòng thí nghiệm để sản xuất vaccine tả, thương hàn và đậu mùa chống chiến tranh vi trùng của kẻ thù. Từ năm 1989, bà tập trung nghiên cứu và thành công với 2 loại vaccine viêm não Nhật Bản thế hệ 1 và thế hệ 2. Vaccine thế hệ 2 đã được nghiệm thu cấp Nhà nước tháng 1/2019, đảm bảo độ an toàn và đáp ứng miễn dịch 99,6-100%, trở thành vaccine đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài. Bà đã có trên 110 công trình khoa học công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước.
Với những cống hiến to lớn về khoa học y học, GS.TS. Huỳnh Phương Liên đã vinh dự nhận nhiều giải thưởng khoa học cao quý: Giải Nhất Vifotech, giải thưởng Kovalevskaia, Giải thưởng Nhà nước và vừa được phong danh hiệu Anh hùng lao động tháng 11/2020.
GS.TS.TTND. Huỳnh Phương Liên - người chế tạo vaccine viêm não Nhật Bản, thay đổi số phận hàng chục triệu trẻ em Việt Nam trao đổi tại hội thảo |
Tại hội thảo, GS.TS. Huỳnh Phương Liên đã chia sẻ về quá trình sản xuất vaccine, nhất là virus COVID-19 hiện nay đang được cả thế giới trông đợi. Bà cho biết đang cùng các đồng nghiệp trẻ tiến hành những bước đi đúng quy trình của WHO để sản xuất ra vaccine COVID-19 đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả.
Cả cuộc sống của Anh hùng Lao động, PGS.TS.NGND. Nguyễn Thị Trâm gắn liền với việc chọn tạo giống lúa. Bà là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, cho ra đời nhiều giống lúa mới như NN-9, NN-10, NN-23, NN-75-6... rồi các giống lúa lai hai dòng như TH3-4, TH3-5, TH3-11, TH5-1, TH6-3, TH2-3... và tổ hợp lúa lai 3 dòng CT16, với thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, cho chất lượng gạo ngon. Những nỗ lực của bà trong việc nâng cao năng suất lúa, có chất lượng, đã góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước.
Nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống lúa tại Viện sinh học Nông nghiệp – nơi bà từng giữ chức vụ Phó viện trưởng. Sau đó bà trở thành Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu và Phát triển Cây trông, Học viện Nông nghiệp.
Những cống hiến lớn lao cho khoa họ ccủa bà đã được ghi nhận bằng giải thưởng Kovalevskaia, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ cùng nhiều Bằng sáng chế. Việc nghiên cứu và ứng dụng thành công các giống lúa lai 2 dòng (lúa thơm chất lượng cao hương cốm) đã mang lại cho bà danh hiệu Anh hùng Lao động.
TS. Hà Phương Thư - Trưởng phòng Nano Y Sinh, Viện khoa học Vật liệu và Giám đốc Trung tâm vật liệu y dược tiên tiến tại Viện Khoa học Vật liệu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam |
Một đại diện tiêu biểu của các nhà khoa học nữ trẻ tuổi là TS. Hà Phương Thư - Trưởng phòng Nano Y Sinh, Viện khoa học Vật liệu và Giám đốc Trung tâm vật liệu y dược tiên tiến tại Viện Khoa học Vật liệu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. TS. Hà Phương Thư là nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu về công nghệ Nano y sinh. Trước khi công tác ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, chị đã làm việc nhiều năm tại Trung tâm Năng lượng Nguyên tử CEA (Pháp) và Viện Công nghệ Tokyo (Nhật Bản). TS. Hà Phương Thư từng nhận nhiều giải thưởng lớn vì những cống hiến trong nghiên cứu khoa học: Giải thưởng LOreal UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học”, được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong “50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam”, một trong 10 phụ nữ tiêu biểu được trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam vì “Những đóng góp trong công cuộc chăm sóc sức khỏe cộng đồng” của Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam.
TS. Hà Phương Thư chia sẻ tại hội thảo |
TS. Hà Phương Thư còn được trao 3 Bằng Độc quyền sáng chế với hơn 40 công bố khoa học trên tạp chí trong nước và quốc tế, là chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện Hàn lâm và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED)... Kế thừa từ các kết quả nghiên cứu khoa học, từ tháng 10/2016 đến nay, TS. Thư đã chuyên giao nguyên liệu nano FGC (fucoidan-ginseng-curcumin) cho Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI với tổng kinh phí là hơn 20 tỉ đồng để sản xuất sản phẩm CumarGold Kare dùng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung bướu.
Tại hội thảo, TS. Hà Phương Thư chia sẻ: Hướng nghiên cứu mà chị luôn tập trung là lợi ích của cộng đồng, như người bệnh, nông dân. Các công trình khoa học chăm sóc sức khỏe của chị nhắm đến bệnh nhân ung thư – những người mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí cao và chiếm số đông là người nghèo. Bên cạnh đó, chị còn nghiên cứu sâu về nano kháng sinh với mong muốn có lời giải cho bài toán nuôi trồng thủy sản có năng suất, chất lượng và đặc biệt là an toàn thực phẩm, để không còn tình trạng xuất khẩu bị trả về do dư lượng kháng sinh. Gần đây, chị đang triển khai nghiên cứu về phân bón nano và kết quả thử nghiệm đã cho thấy rất tốt.
Cầu nối cho khoa học bước vào cuộc sống
Xuất hiện ở hội thảo còn có một nhân vật khá đặc biệt, Ths. Lê Thị Khánh Vân - nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia của Bộ KH&CN, người từng tốt nghiệp thạc sĩ Luật Công tại Đại học Toulouse, Pháp và có tới hơn 3 thập kỷ làm công việc tư vấn chuyển giao công nghệ tại Bộ KH&CN.
Sau khi nghỉ hưu năm 2017, bà trở thành Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức của Bộ KH&CN kiêm Giám đốc Ứng dụng KH&CN và khởi nghiệp. Ths. Lê Thị Khánh Vân có vai trò rất lớn trong việc làm cầu nối để hỗ trợ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, bao gồm xúc tiến thương mại hóa công nghệ, hỗ trợ kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp.
Ths. Lê Thị Khánh Vân (người cầm mic) - Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức của Bộ KH&CN kiêm Giám đốc Ứng dụng KH&CN và khởi nghiệp |
Ths. Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Chủ tịch, Phó Tổng Giám đốc Sao Thái Dương và Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp KH&CN Việt Nam. Chị đã có tới 13 Bằng sáng chế và Giải pháp hữu ích. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 xảy ra, tháng 2/2020, Ths. Nguyễn Thị Hương Liên đã cùng Bộ Y tế và Bộ KH&CN nghiên cứu thành công hai kít test phát hiện RNA COVID-19 bằng hai kỹ thuật khác nhau là Realtime-PCR và RT-LAMP. Cả hai công trình nghiên cứu đều được chọn vinh danh trong “Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2020”.
Ths. Nguyễn Thị Hương Liên cho biết: Hai bộ kit chẩn đoán này được kế thừa từ đề tài nghiên cứu chế tạo kit chẩn đoán SARS-CoV-2 của hai nhóm các nhà khoa học tại Việt Nam ở Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Bộ sinh phẩm thứ nhất cho kết quả sau 4h tính từ khi lấy sinh phẩm. Giá thành của xét nghiệm 480.000 đồng/test, độ đặc hiệu phân tích 100%, không có nhiễm chéo khi thử nghiệm trên panel mẫu dương nồng độ cao và mẫu âm; bộ sinh phẩm ổn định trong điều kiện vận chuyển đá gel 2-8 độ C trong 72h...
Bộ kit chẩn đoán phát hiện virus SARS-CoV-2 thứ 2 là một kỹ thuật khuếch đại đẳng nhiệt axid nucleic rất hiệu quả và đơn giản do phản ứng chỉ cần ủ tại một nhiệt độ trong khoảng từ 60-65 độ C. Do vậy, để thực hiện phản ứng LAMP, chỉ cần sử dụng một thiết bị ổn nhiệt đơn giản mà không cần đến các máy PCR.
Ths. Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Chủ tịch, Phó Tổng Giám đốc Sao Thái Dương và Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp KH&CN Việt Nam |
Những ưu điểm nổi bật của bộ kit RT-LAMP COVID-19 là bộ sinh phẩm có thể áp dụng ngay tại y tế tuyến cơ sở hay các bệnh viện dã chiến khi dịch COVID-19 bùng phát; chỉ yêu cầu thiết bị ổn nhiệt ở 64° độ C; mẫu dương tính được phát hiện trực tiếp bằng mắt thường dựa vào sự đổi màu của phản ứng, ngưỡng phát hiện 10 phiên bản/phản ứng, tương đương với real-time PCR; không có phản ứng chéo với các virus gây bệnh đường hô hấp khác.
Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ của Bộ Y tế, nhóm nghiên cứu đã phát triển được sản phẩm Version 2.0 với nhiều ưu điểm, phát triển thêm nội kiểm để loại bỏ sai số thô do quá trình lấy mẫu. Theo Ths. Liên, dự kiến, các phát triển mới này sẽ được ra mắt trong thời gian tới.