Mặt sân Vinh nhếch nhác như sân bóng huyện miền núi khiến người ta buồn 1 thì việc bóng đá xứ Nghệ đang dần bị “bỏ quên” khiến người ta buồn 10. Nhiều người am hiểu về bóng đá xứ Nghệ cho rằng UBND tỉnh tốn 300 triệu đồng là đủ để “vá dặm” mặt sân.
Tốn thêm 24 tỷ đồng và độ 5-6 tháng là có thể cải tạo lại sân bãi, hệ thống chiếu sáng nhưng để có một thương hiệu “niềm tự hào xứ Nghệ” thì không dễ chút nào. Cả về vốn liếng, cơ chế quản lý và nhân sự quản trị của SLNA đều đang có vấn đề, nếu xét kỹ còn khó làm lại gấp nhiều lần mặt sân Vinh.
Thành Vinh mưa giăng giăng
Nói đến truyền thống 4 thập kỷ qua của SLNA, sẽ phải nhắc đến nhiều con người, nhiều thế hệ. Bên cạnh những cái tên Hữu Thắng, Quang Trường, Văn Sỹ Hùng, Huy Hoàng, Công Vinh, Văn Quyến, Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Văn Đức…không thế không nhắc đến 4 cái tên trong đó có ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, người đã tạo bệ phóng cho mô hình Đoàn bóng đá SLNA (1994-2004). Trong thời bao cấp, đây là mô hình “cởi trói” cho bóng đá “gần giống chuyên nghiệp” của sân cỏ Việt Nam mà nhiều nơi phải theo học Nghệ An.
Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, người đã tạo bệ phóng cho mô hình Đoàn bóng đá SLNA (1994-2004). Ảnh NN
|
Là người mê bóng đá, nhiều người còn cho rằng trong bài hát Mưa đêm thành Vinh do ông Hồ Xuân Hùng sáng tác “Đêm nay đêm nay/ Thành Vinh mưa dăng dăng/Cơn gió nóng trốn tìm nơi trú ẩn/Đêm nay đêm nay, Thành Vinh mưa không trăng/Ngọn đèn đường thẫn thờ nhìn ai đó”... đều là những con đường quanh sân vận động Vinh. Ông đích thị là "kiến trúc sư" của bóng đá xứ Nghệ.
Trong 3 “nhân chứng lịch sử” còn lại là HLV Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Sở TDTT Nguyễn Hoàng Thụ và chủ tịch CLB Nguyễn Hồng Thanh thì giờ chỉ còn ông Thanh, đã 71 tuổi vẫn phải chèo chống một mình. Nguyên Giám đốc Sở TDTT TS bóng đá Nguyễn Hoàng Thụ, người Hùng Tiến, Nam Đàn thì mỗi khi nhắc đến SLNA như một vết thương lòng, đau mãi khôn nguôn. Ông Vinh thì giờ như là người ở ẩn, SLNA là kỷ niệm ngọt ngào lẫn đắng cay của nhà cầm quân có mái tóc khá ấn tượng này.
Gánh nặng trước đây 3,4 người giờ đổ vào vai 1 người vì SLNA vẫn còn đó Giám đốc điều hành Hồ Văn Chiêm nhưng phần do tuổi tác, phần năng lực nên không giúp được nhiều. Nên mới có những việc nhỏ như mùa giải trước đây, việc bố trí vài thùng nước Lavie cho đội khách khi thi đấu tại sân Vinh mà trưởng đoàn Quảng Nam vẫn phải đích thân gặp chủ tịch CLB Nguyễn Hồng Thanh mới xong việc.
"Tam đa" lừng danh một thời của bóng đá xứ Nghệ. Ảnh VT
|
45 năm gắn bó với sân cỏ
Đến giờ, nếu tính từ thời điểm 1975 khi ông Thanh bắt đầu tham gia đội bóng tỉnh đội Nghệ An thì TGĐ Nguyễn Hồng Thanh đã có 45 năm gắn bó với bóng đá. Không một ai trong bộ máy VFF, VPF và các CLB V.League, hạng Nhất có thâm niên sân cỏ nhiều như người đàn ông gốc Huế này. Ông là số ít nhà quản lý bóng đá có bằng B HLV bóng đá do AFC cấp và thực tế ông đã từng cầm quân cấp CLB.
Ông Thanh chính thức gắn bó bóng đá xứ Nghệ từ 1983, sau khi thôi chức HLV bóng đá tỉnh Bình - Trị - Thiên. Có vài năm rời thành Vinh (2004-2009) ra Hà Nội làm HLV trưởng rồi sau đó là GĐĐH tại CLB HN.ACB do bầu Kiên làm chủ còn lại cuộc đời ông đa phần gắn bó với sân Vinh.
Những cái tên Thanh-Thụ-Vinh đã làm nên một lịch sử SLNA, đủ để thêu dệt nên bao câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn, biến bao việc khó thành dễ, dễ thành khó. Chỉ riêng việc ông Thanh đã trụ được trước bao sóng gió của sân cỏ Việt Nam trong khi bao người “danh tàn, thân liệt” cũng đã thay lời nói lên tầm vóc, sự ảnh hưởng và cách đối nhân xử thế của người đang đứng đầu sóng, ngọn gió ở SLNA lúc này. Không ít cầu thủ SLNA thầm nói lời cảm ơn ông đã giúp cho nghiệp quần đùi áo số thăng hoa, tất nhiên cũng có những cầu thủ chỉ nói lời cay đắng.
Hơn 1 thập kỷ, lần trở lại sân Vinh, ông và các cộng sự đã kịp được về phòng truyền thống SLNA 2 chiếc cúp và vô số thành tích của đội trẻ. Ảnh Zing
|
Tôi biết có người không ân, không oán nhưng không thích ông chỉ vì ông gắn bó với SLNA lâu quá (?!!). Họ cũng chả cần biết ai là người sẽ thay ông và liệu rồi người đó có làm cho SLNA tốt hơn không. Ngẫm lại, đúng là lâu thật, lâu đến không ngờ luôn. Khi mà thế hệ con cháu như Công Vinh, sau khi là Chủ tịch CLB TP.HCM đã “gác kiếm” nghỉ bóng đá thì ông vẫn chiều chiều có mặt ở Đào Tấn (Vinh) xem các cầu thủ SLNA tập luyện. Vẫn giọng Huế, đều đều rất ít khi cáu giận và chả mấy ai biết những lúc đó ông đang nghĩ gì.
Khi mà cộng sự Hữu Thắng, hay con cháu như HLV trẻ Thành Công (con trai HLV Thành Vinh, đồng nghiệp cũ) cũng đã có cơ hội quay về đối đầu với SLNA, ông vẫn ngồi đấy, chỗ ngồi quen thuộc trên khán đài A sân Vinh. Khi mà khuôn mặt đại diện các CLB V.League có người mới 25 tuổi (chủ tịch Hà Nội FC), thì ông vẫn tồn tại như một phần chứng nhân lịch sử cho SLNA, bóng đá Việt Nam.
Vĩ thanh mùa dịch Covid
11 năm qua, cuộc “hôn nhân” Bắc Á- SLNA không phải lúc nào cũng thuận buồm, xuôi gió. Hơn 1 thập kỷ, lần trở lại sân Vinh, ông và các cộng sự đã kịp được về phòng truyền thống SLNA 2 chiếc cúp và vô số thành tích của đội trẻ. Một chức vô địch V.League của SLNA mà mỗi khi nhắc đến bầu Đệ của Thanh Hóa ấm ức mãi về cách cầm quân của HLV Lê Thụy Hải trong trận đấu với đội khách xứ Nghệ. Còn giới am hiểu sân cỏ Việt Nam lúc ấy thừa nhận một điều SLNA “Phi Thanh-Thắng, bất thành công”, hệt chức vô địch của MU mùa giải 2012-2013, trước khi Sir Alex Fergunson về hưu.
Không một ai trong bộ máy VFF, VPF và các CLB V.League, hạng Nhất có thâm niên và thăng trầm sân cỏ nhiều như ông Thanh. Ảnh PLO.
|
Nhưng nay kinh doanh bóng đá đã khác xa thời bao cấp. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền cho các cầu thủ, BHL ngày càng đè nặng lên đôi vai đã ngoài 70 của ông Thanh mà tỉnh nhà vẫn chưa tìm ra được người đủ sức (hay chưa cho thử sức) cùng chìa vai gánh vác chứ chưa nói là thay thế. Âu cũng là cái khó.
Nói về Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh, với các góc nhìn khác nhau sẽ có những lời khen-chê khác nhau, âu cũng là số phận. Nhưng chắc một điều mà mọi người đều thống nhất để nâng cấp sân Vinh, chỉ cần 4 ngày sau “tối hậu thư” của VPF là đội bóng xứ Nghệ có 24 tỷ đồng, nhưng để “nâng cấp SLNA” theo phiên bản mới là điều có khi vài năm nữa cũng chưa dễ gì xong. Sau “vá dặm” sẽ làm gì, hỡi SLNA?