Mặt sân xấu, lối đá rắn thiên về thể Bắc đã làm chùn chân phần còn lại của V.League. Với các cầu thủ trẻ, chơi thiên về kỹ thuật như HAGL đều gặp rất nhiều khó khăn khi hành quân ra các sân miền Bắc.
Những “túi thẻ” V.League
Mùa giải năm ngoái Hải Phòng và Viettel là những đội nhận nhiều thẻ đỏ nhất (4 thẻ). Đây là những đội bóng có lối đá giàu năng lượng, không ngại va chạm, những cầu thủ như Đức Chiến, Trọng Hoàng, Ngọc Hải (Viettel), Văn Hạnh, Hoàng Vissai (Hải Phòng) được cho là có lối đá không ngại va chạm, cho dù đối diện là các ngoại binh to cao.
Các đội Hà Nội FC, Than Quảng Ninh, SHB.Đà Nẵng là những đội đã nhận 3 thẻ đỏ tại V.League. Ngoại trừ tiền vệ trung tâm Anh Tuấn của SHB.Đà Nẵng có lối đá xông xáo, dễ nhận thẻ thì chúng ta đều có thể nhận ra, các đội bóng phía Bắc thường đá rắn hơn các đội bóng phía Nam. 4/5 đội bóng nhận nhiều thẻ đỏ nhất đều thuộc về phía Bắc.
HAGL đang hướng tới lối đá đẹp, cống hiến. Ảnh HAGLFC
|
Với 59 thẻ vàng, thì đội bóng đất mỏ của HLV Phan Thanh Hùng cũng là đội phải nhận thẻ vàng nhiều nhất mùa giải năm ngoái. Có khá nhiều tuyển thủ quốc gia có kỹ thuật cá nhân tốt bậc nhất nhì V.League nhưng trong nhiều trận đấu nhà vô địch Hà Nội FC cũng thi đấu rất rắn. Khá ngạc nhiên, dù thể hình nhỏ con nhưng đội trưởng Văn Quyết cũng không ngại va chạm, dùng tiểu xảo trong tranh cướp bóng.
Nam Định, SLNA thay đổi
Khá bất ngờ khi mùa giải gần đây SLNA, đội bóng “chém đinh, chặt sắt” trong quá khứ thì nay có lối đá mềm đi rất nhiều. Đội bóng xứ Nghệ chỉ phải nhận 2 thẻ đỏ và 35 thẻ vàng, thuộc diện ít của V.League 2019 mà vẫn bảo vệ tốt nhất khung thành của mình. Nhiều giải đấu gần đây các cầu thủ SLNA đã hạn chế tối đa các cú xoạc bóng “đặc sản” nhưng lại dễ phải nhận thẻ từ trọng tài.
HAGL, B.Bình Dương, Nam Định chính là những đội bóng chỉ phải nhận 1 thẻ đỏ. Nếu như bầu Đức luôn đề cao lối đá cống hiến, thiên về kỹ thuật nên việc họ chỉ nhận 1 thẻ đỏ, 25 thẻ vàng, ít nhất V.League 2019 là điều đã được dự báo thì Nam Định cho thấy đang có sự thay đổi đáng kể. Với 1 thẻ đỏ, 48 thẻ vàng dường như HLV Văn Sỹ muốn cải thiện nhiều lối đá của các học trò, kể cả Lâm Anh Quang một hậu vệ có lối đá khá mạnh mẽ giờ đây cũng chơi bóng bằng đầu nhiều hơn.
Lối đá của SLNA giờ đây cũng đã "mềm mại" đi rất nhiều. Ảnh SLFC
|
Để hạn chế lối đá thô bạo, VPF quy định với thẻ đỏ thì CLB phải nộp phạt 2 triệu đồng, còn thẻ vàng 600 ngàn, bị hai thẻ vàng trong 1 trận, phạt 1,5 triệu đồng. Số lượng thẻ đỏ, thẻ vàng còn được đem vào tiêu chí xếp hạng đội bóng (nếu cùng các chỉ số phụ khác).
Nhìn sang thành Turin
Nhưng đến nay, phần lớn các CLB đều bỏ tiền đóng cho cầu thủ, nên tại V.League chúng ta vẫn thấy những thẻ vàng, thẻ đỏ khá vô duyên. Trong khi đó, khá nhiều câu lạc bộ bóng đá châu Âu đã có những hình phạt nội bộ rất đáng để V.League học tập. "Bà đầm già" thành Turin quy định các cầu thủ nếu vi phạm quy định kỷ luật của CLB hay bị thẻ đỏ đều phải “tặng quà” cho đồng đội.
Mới đây, thủ thành người Ba Lan Szczesny tiết lộ, anh đã từng phải mua tai nghe iPhone tặng toàn đội bóng do lỗi đến tập muộn 30 phút bởi lơ đãng nhầm lịch. Thủ môn 29 tuổi đã có 3 mùa giải bắt cho Juventus này cho biết những quy định như thế đã góp phần làm cho kỷ luật đội bóng được nâng lên rõ rệt.
Ronaldo cố gắng phân trần với trọng tài Felyx Brych nhưng bất thành. Ảnh: Getty Images.
|
Quy định này không ngoại trừ các ngôi sao, Ronaldo đã phải mua iMac cho các đồng đội do nhận thẻ đỏ trong trận gặp chủ nhà Valencia tại vòng bảng Champions League 2018/19. Khi đó, CR7 được cho là chơi xấu với Jeison Murillo trước khi giật tóc cầu thủ này và bị trọng tài rút thẻ đỏ đuổi khỏi sân.
Ronaldo đã “khiếu nại”, thậm chí ôm mặt khóc rất nhiều về tấm thẻ đỏ ở phút 29 này, dù Juve sau đó vẫn thắng 2-0. Tấm thẻ đỏ trực tiếp từ trọng tài người Đức Felyx Brych đã khép lại cơ hội quan trọng để CR7 ghi điểm trong cuộc đua giành Quả bóng vàng châu Âu.