Trong tuần sau, Nghị viện châu Âu dự kiến thông qua luật bảo vệ dữ liệu, trong đó những nhà làm luật đang cân nhắc việc các công ty sẽ phải nhận được sự chấp thuận của các bậc phụ huynh thì mới được xử lý dữ liệu của những người dưới 16 tuổi, tức trên thực tế không cho các trẻ em lứa tuổi này tiếp cận mạng xã hội.
Những công ty mạng xã hội muốn cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng dịch vụ của họ, bao gồm Facebook, Snapchat, Whatsapp và Instagram, trước hết phải nhận được sự đồng ý của người giám hộ hợp pháp.
Các công ty như Facebook hiện cho phép người dùng tuổi từ 13 trở xuống sử dụng dịch vụ của họ. Những chính sách này dựa trên luật về tuổi đồng thuận trên các phương tiện kỹ thuật số, được Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng (Coppa) của Mỹ quy định là 13, bằng với EU, cho tới trước dự luật mới.
Nếu những thay đổi được thông qua, luật này trên thực tế sẽ cấm thanh thiếu niên tiếp cận mạng xã hội nếu không nhận được sự đồng thuận của người giám hộ hợp pháp. Trước năm 2006, khi hãng bắt đầu mở rộng cho công chúng, Facebook quả có đòi hỏi người dùng phải từ 17 tuổi trở lên, nhưng điều đó không ngăn được thanh thiếu niên đăng ký.
Hầu hết các trang mạng xã hội yêu cầu người dùng phải khai ngày tháng năm sinh, nhưng họ không có cách gì để kiểm chứng.
Sự can thiệp của các nhà làm luật có thể chỉ là một phần trong tiến trình đẩy nhanh sự suy sụp của Facebook, theo một nghiên cứu của Đại học Princeton. Nghiên cứu này nói Facebook giống như một dịch bệnh truyền nhiễm mà người dùng sẽ dần dần trở nên miễn nhiễm với sự thu hút của nó, và mạng xã hội này sẽ bị bỏ rơi vào năm 2017.
Trang mạng xã hội này, sắp kỷ niệm 12 năm tồn tại vào ngày 4-2-2016, đã sống sót lâu hơn so với những đối thủ như Myspace và Bebo, nhưng nghiên cứu của Đại học Princeton dự báo trang này sẽ mất 80% người dùng so với mức đỉnh chỉ trong vòng hai năm nữa.
John Cannarella và Joshua Spechler, thuộc khoa công trình cơ khí và không gian ở Trường Princeton, đưa ra dự báo của họ dựa trên số lần mà Facebook được gõ vào Google như một cụm từ tìm kiếm. Biểu đồ của họ cho thấy những tìm kiếm liên quan tới Facebook đạt đỉnh vào tháng 12-2012 và từ đó tới nay bắt đầu giảm.
“Những ý tưởng cũng giống như những dịch bệnh, đã lan truyền nhanh từ người sang người trước khi chết đi cũng nhanh như thế, theo mô hình bệnh học truyền nhiễm - các tác giả nói trong nghiên cứu - ...Dần dần, cộng đồng mạng sẽ trở nên “miễn nhiễm” với Facebook”. Facebook thông báo 1,2 tỉ người dùng hoạt động mỗi tháng vào tháng 10 vừa rồi, với tỉ lệ tăng mạnh những người dùng qua các thiết bị di động.
Tuy nhiên, quy mô quá lớn cũng chính là vấn đề của Facebook. Mạng xã hội này đã trở nên quá phức tạp, nhiều rủi ro, và quan trọng nhất, bị các bậc cha mẹ, sếp, vợ, thầy cô giáo... soi mói quá kỹ, khiến người dùng cảm thấy mất hết tự do - theo Jennifer van Grove, một nhà phân tích của trang mạng chuyên về công nghệ thông tin CNET.
Trong nghiên cứu của mình, Cannarella và Spechler đã sử dụng mô hình nghiên cứu bệnh truyền nhiễm SIR (nghi nhiễm, nhiễm, hồi phục). Họ cũng thử nghiệm với các phương trình tương ứng cho vòng đời của Myspace, rồi áp dụng cho Facebook. Myspace được thành lập năm 2003 và đạt đỉnh năm 2007 với 300 triệu người dùng có đăng ký, trước khi biến mất vào năm 2011.
Được News Corp của tài phiệt Rupert Murdoch mua lại với giá 580 triệu đôla Mỹ, Myspace ký một thỏa thuận 900 triệu đôla Mỹ với Google năm 2006 để bán không gian quảng cáo của họ, từng được định giá tới 12 tỉ đôla Mỹ. Nhưng sau đó hãng này được News Corp bán lại với giá chỉ 35 triệu đôla Mỹ.
Theo Tuổi trẻ