Trong nửa đầu năm 2020, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã rút tổng cộng 188.737 tỷ đồng tiền gửi thanh toán và có kỳ hạn tại Vietcombank, Vietinbank và BIDV.
Theo tính toán của VietTimes, tới cuối năm ngoái, tổng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại Vietcombank, VietinBank và BIDV ở mức 246.114 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến 30/6/2020, số tiền gửi của KBNN tại 3 ngân hàng này chỉ còn 57.377 tỷ đồng, giảm hơn 76% so với thời điểm cuối năm 2019.
Cụ thể, lượng tiền gửi của KBNN tại Vietcombank giảm mạnh nhất trong số 3 ngân hàng khảo sát, từ 89.288 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm 2020 xuống còn 992 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2020, tương đương với mức giảm 98,9% sau nửa năm. Như vậy, KBNN đã rút 88.296 tỷ đồng tiền gửi khỏi Vietcombank.
Tương tự, KBNN cũng rút 74.543 tỷ đồng tiền gửi tại BIDV, lượng tiền gửi giảm từ 88.840 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm 2020 xuống còn 14.297 tỷ đồng sau nửa năm, tương đương với mức giảm 83,9%.
Tại Vietinbank, lượng tiền gửi của KBNN giảm từ 67.986 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống còn 42.088 tỷ đồng tại cuối tháng 6/2020, giảm 38%, tương đương 25.898 tỷ đồng.
Như vậy, trong nửa đầu năm 2020, KBNN đã rút tổng cộng 188.737 tỷ đồng tại nhóm 3 ngân hàng quốc doanh trên. Trước đó, đây luôn là 3 địa chỉ gửi tiền chính của KBNN trong hệ thống ngân hàng với số dư có thời điểm lên đến hơn nửa triệu tỷ đồng.
Diễn biến số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank, BIDV và Vietinbank
|
Được biết, ngày 30/08/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 58/2019/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và các ngân hàng thương mại.
Theo đó, từ ngày 1/11/2019, tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng thương mại sẽ phải thu hồi về và gửi tại tài khoản duy nhất được mở tại Sở giao dịch NHNN.
Tuy nhiên, Thông tư 58 chưa yêu cầu tất cả tiền gửi của KBNN phải chuyển về tài khoản trên ngay, mà có thể chờ đến khi đáo hạn với các khoản tiền gửi có kỳ hạn. Do đó, hiện nay, KBNN vẫn còn hàng chục nghìn tỷ đồng số dư tiền gửi tại Vietinbank và BIDV.
Tuy vậy, từ nay đến cuối năm 2020, KBNN sẽ phải chuyển toàn bộ số tiền gửi còn lại về tài khoản duy nhất được mở ở NHNN sau khi đến kỳ hạn tất toán. Như vậy, NHNN đang đón nhận dòng vốn lớn của KBNN rút ra từ các nhà băng.
Mới đây, ngày 6/8, NHNN đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND của KBNN tại NHNN xuống mức 0,8%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Đồng thời, NHNN cũng điểm chỉnh giảm lãi suất 0,5%/năm đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng tại NHNN.
Theo KBSV, động thái này chủ yếu giúp ngân sách giảm 1 phần chi phí trong bối cảnh bôi chi ngân sách năm nay dự kiến ở mức cao do các chính sach hỗ trợ kinh tế của Chính phủ trong năm nay dưới tác động của Covid-19 (bao gồm các gói giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng chi đầu tư công...).
Trong khi đó, tác động của động thái này tới các TCTD là hạn chế. KBSV nhận định, việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc mặc dù có ảnh hưởng tới nguồn lợi nhuận của các tổ chức tín dụng nhưng không đáng kể.
Nguyên nhân là mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay ở mức thấp, chỉ khoảng 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 năm và 1% đối với khoản tiền gửi trên 1 năm.
Theo ước tính sơ bộ của KBSV, mức tác động của việc giảm lãi suất này tới tổng hệ thống ngân hàng là vào khoảng 600 tỷ đồng, trong đó khối NHTMNN chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khoảng trên dưới 60 tỷ đồng/ngân hàng./.