Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - cho biết, sau khi biết thông tin về bệnh nhân 91 đã có 2 người bày tỏ mong muốn được hiến tặng phổi cho phi công người Anh mắc COVID-19.
Người thứ nhất là một phụ nữ 40, chị chia sẻ: “Anh cho em hỏi, nếu đăng ký hiến tạng sống, hiến tặng phổi thì sẽ lấy như thế nào ạ? Hay phải chờ bệnh nhân chết não để lấy hết phổi ạ? Nếu cũng như thận, chỉ lấy 1 phần phổi thì em xin phép đăng ký hiến tặng nhé ạ”.
Chị tâm sự: “Cuộc sống vô thường, hơn 40 năm qua em đã nhận được rất nhiều yêu thương, giúp đỡ và may mắn... thôi thì cứ để tình thương lan tỏa tình thương,... mang yêu thương chia sẻ và giúp đỡ lại những người khác”.
Người thứ 2 mong muốn được hiến tặng lá phổi cho bệnh nhân 91 là người cựu chiến binh đã ngoài 70 tuổi.
Ông Phúc cho hay, sáng sớm ông đã nhận được cuộc gọi từ người cựu chiến binh ở tận Tây Nguyên để hỏi về cơ hội cứu sống bệnh nhân 91 và sẵn sàng hiến tặng lá phổi của mình.
Bác cựu chiến binh nói: “Cần phải cứu sống bệnh nhân ấy, dù họ là ai bởi đó không chỉ là tình người mà còn là uy tín của đất nước, của ngành Y tế nước ta”.
Theo ông Phúc, dù chưa biết tình hình cũng như diễn tiến bệnh của nam phi công người Anh ra sao, nhưng những chia sẻ thiện tâm, những nghĩa cử ấy thực sự là nguồn động viên, khích lệ ngành Y rất nhiều trong việc cứu chữa những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, bất kể người ấy là ai.
Trước đó, tại cuộc hội chẩn trực tuyến 3 miền Bắc – Trung – Nam, các chuyên gia cho biết đã có một người hiến tặng phổi (người chết não) cho bệnh nhân 91, nhưng người hiến tặng có vấn đề về nhiễm trùng nên không thể hiến tặng như tâm nguyện.