Trước đó, năm 2021, số lượng siêu giàu của Việt Nam là 1.196 người. Như vậy, sau một năm, số người siêu giàu của Việt Nam đã giảm đi 173 người.
Siêu giàu, theo định nghĩa tại báo cáo này, là những cá nhân sở hữu tài sản ròng trên 30 triệu USD.
Dù vậy, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới. Con số tương ứng tại năm 2017 mới chỉ là 583 người, đồng nghĩa số người siêu giàu ở Việt Nam đã tăng 82% trong vòng 5 năm, đạt bình quân 16,4%/năm.
Knight Frank dự báo rằng số lượng người siêu giàu tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và dự kiến đạt gần 1.300 người vào năm 2027, tăng thêm 22% so với con số hiện tại và tương đương mức tăng 122% trong vòng 10 năm tới.
Cũng theo Knight Frank, số lượng người giàu - được định nghĩa là cá nhân sở hữu tài sản từ 1 triệu USD trở lên - đã tăng 70% trong 5 năm qua ở Việt Nam. Cụ thể, số lượng trong các năm 2017, 2021 và 2022 lần lượt là 40.971, 70.027 và 69.994 người và dự báo năm 2027 sẽ có 112.252 người. Tương ứng, lượng người giàu này tăng vọt 173% chỉ trong 10 năm.
Theo thống kê của Knight Frank, toàn thế giới có 579.625 người siêu giàu có tài sản trên 30 triệu USD và 109 triệu cá nhân nắm giữ tài sản trên 1 triệu USD (năm 2022).
Sự thay đổi trong nhóm dân số giàu và siêu giàu tại Việt Nam cũng nằm trong xu hướng thịnh vượng trên toàn châu Á. Theo đó, Singapore, Malaysia và Indonesia dẫn đầu các thị trường có dân số siêu giàu tăng trưởng nhanh nhất, khoảng 7 - 9%.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lượng dân số siêu giàu đã tăng ngoạn mục gần 51% trong vòng 5 năm tính đến 2022. Mặc dù có dự đoán rằng mức tăng trưởng này sẽ giảm còn 40% trong vòng 5 năm tới, nhưng đây vẫn là khu vực dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng phồn vinh thịnh vượng./.