'Giàu càng thêm giàu', tài sản của giới siêu giàu tăng thêm 26.000 tỉ USD kể từ đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Những người giàu nhất thế giới không chỉ giàu hơn mà còn kiếm tiền với tốc độ nhanh hơn trong vòng 2 năm qua.
Tình trạng nghèo đói tăng mạnh trên toàn cầu trong thời gian diễn ra đại dịch (Ảnh: Getty)
Tình trạng nghèo đói tăng mạnh trên toàn cầu trong thời gian diễn ra đại dịch (Ảnh: Getty)

Tài sản của nhóm 1% những người giàu nhất đã tăng gấp đôi so với phần còn lại của thế giới trong 2 năm qua, theo báo cáo bất bình đẳng thường niên công bố hôm 15/1 của Oxfam.

Báo cáo được Oxfam công bố trùng thời điểm tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên tại Davos, Thụy Sĩ. Đây là sự kiện có sự quy tụ của một số người giàu nhất và các nhà lãnh đạo trên thế giới.

Trích dẫn số liệu của Forbes, báo cáo cho thấy, khối tài sản của giới siêu giàu đã tăng thêm 26.000 tỉ USD, trong khi tài sản của phần còn lại của thế giới chỉ tăng 16.000 tỉ USD, kể từ năm 2020.

Đáng chú ý, tốc độ tích lũy tài sản của giới siêu giàu cũng tăng lên trong khoảng thời gian diễn ra đại dịch.

Trong khi đó, những người kém may mắn hơn đang phải trải qua cuộc sống khó khăn. Khoảng 1,7 tỉ người lao động trên khắp thế giới đang hứng chịu tình trạng lạm phát cao vượt trội đà tăng lương. Thêm vào đó, công tác xóa đói giảm nghèo dường như bị chững lại trong năm ngoái, sau khi con số người nghèo trên toàn cầu tăng mạnh trong năm 2020.

“Trong khi những người dân bình thường đang phải cắt giảm các loại hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, những người siêu giàu lại sống trong cuộc sống xa hoa trong mơ của họ,” Gabriela Bucher, giám đốc điều hành của Oxfam International nói. “Chỉ mới bắt đầu được 2 năm, thập kỷ này đang dần chuyển biến theo hướng có lợi nhất cho các nhà tỉ phú".

Theo Nabil Ahmed, giám đốc tư pháp của Oxfam America, giới siêu giàu đang được hưởng lợi từ 3 xu hướng.

Ở giai đoạn đại dịch bắt đầu, chính phủ các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước giàu, đã chi hàng nghìn tỉ USD để kích thích nền kinh tế. Điều này khiến cho cổ phiếu và các tài sản khác tăng giá đột biến.

“Phần lớn số tiền đó rơi vào túi của giới siêu giàu, những người đủ khả năng để tận dụng đà tăng của thị trường cổ phiếu và đợt bùng nổ tài sản,” ông Ahmed nói. “Trong khi đó, hành lang thuế công bằng vẫn chưa sẵn có.”

Thêm nữa, nhiều tập đoàn lớn có hoạt động kinh doanh tốt trong những năm gần đây. Khoảng 95 công ty thực phẩm và năng lượng có lợi nhuận tăng gần gấp đôi trong năm 2022, theo Oxfam, do lạm phát đẩy giá cả lên cao. Và phần lớn khoản lợi nhuận đó được chia cho các cổ đông của công ty.

Ngược lại, tình trạng nghèo đói tăng mạnh trên toàn cầu trong thời gian diễn ra đại dịch. Mặc dù có một số tiến bộ trong giảm nghèo kể từ sau đó, nhưng bị chững lại trong năm 2022, một phần là do cuộc chiến ở Ukraine – sự kiện làm tăng giá thực phẩm và năng lượng – theo dữ liệu của World Bank.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 25 năm qua mà diễn biến thời tiết cực đoan và tình trạng nghèo đói cùng cực xảy ra cùng lúc, theo Oxfam.

Đánh thuế người giàu

Để chống lại tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng, Oxfam kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới tăng thuế đối với những người giàu nhất.

Tổ chức này đề xuất áp dụng luật đánh thuế tài sản một lần và các loại thuế phụ thu để chấm dứt tình trạng thu lợi từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu, đồng thời vĩnh viễn nâng thuế lên 60% mức thu nhập của 1% những người giàu nhất thế giới.

Oxfam tin rằng mức thuế 60% đối với nhóm 1% người giàu nhất là đủ để làm giảm đáng kể khối lượng tài sản của họ. Quỹ thu được từ việc đánh thuế sau đó sẽ được phân bổ lại.

“Chúng ta thực sự đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về mức độ tập trung tài sản,” ông Ahmed nói. “Và điều quan trọng nhất, theo tôi, là phải công nhận rằng đó là điều không nhất thiết phải xảy ra. Một biện pháp chiến lược để làm giảm tình trạng bất bình đẳng quá độ này là đánh thuế giới siêu giàu.”

Tuy nhiên, Oxfam cũng có một cuộc chiến của riêng họ trong việc kêu gọi hành động của các nước trên thế giới. Khoảng 11 quốc gia vẫn cắt giảm thuế cho người giàu trong khoảng thời gian đại dịch. Và nỗ lực tăng thuế với người giàu đã bị bác bỏ tại Quốc hội Mỹ vào năm 2021./.

Theo CNN