17 người tiếp xúc gần với cô gái ở Hải Dương nhiễm virus SARS-CoV-2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi nhập cảnh ở Nhật Bản, cô gái 32 tuổi ở Hải Dương được phát hiện nhiễm biến chủng Anh của virus SARS-CoV-2. Trước khi sang Nhật, cô gái này đã tiếp xúc gần với 17 người.
Khu vực cách ly bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý)
Khu vực cách ly bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý)

Cách ly ngay khi nhập cảnh

Trước thông tin về một cô gái ở Hải Dương nhiễm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Anh, trao đổi với PV vào sáng nay (27/1), ông Vũ Duy Đăng - Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương - cho biết: Chính quyền xã đã nhận được thông tin từ Nhật Bản về trường hợp 1 nữ công dân 32 tuổi, sinh sống trên địa bàn thành phố có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 khi làm xét nghiệm ở Nhật Bản.

Nhân viên y tế thăm hỏi tình hình sức khoẻ của người dân (Ảnh: Minh Thuý)

Nhân viên y tế thăm hỏi tình hình sức khoẻ của người dân (Ảnh: Minh Thuý)

Được biết, cô này sang Nhật Bản làm công nhân xuất khẩu lao động. Theo thông tin phía Nhật Bản cung cấp, ngày 17/1, khi hạ cánh xuống sân bay tại Nhật Bản, cô được làm xét nghiệm thì cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Sau đó, kết quả giải trình tự gen cho thấy người này đã nhiễm biến chủng virus SARS-CoV-2 được ghi nhận ở Anh.

Theo ông Đăng, sau khi tiếp nhận thông tin từ phía Nhật Bản, chính quyền xã và thành phố Hải Dương đã tiến hành điều tra, xác minh thông tin, đồng thời, tiến hành truy vết, khoanh vùng và phun khử trùng. Bước đầu xác định được 17 trường hợp F1 (tiếp xúc gần) với cô gái trên và đều đã được cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19.

Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có gì đặc biệt?

Theo TS. BS. Vũ Minh Điền - Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - việc virus SARS-CoV-2 biến chủng là vấn đề không hề mới. Bởi bản chất của virus trong quá trình phát triển và sinh sôi sẽ liên tục biến đổi.

"Virus nào tồn tại lâu sẽ có biến chủng. SARS-CoV-2 cũng tương tự như virus cúm mùa, liên tục thay cũ đổi mới. Càng thế hệ sau thì sẽ càng có sự thay đổi về kiểu gen, không thể hoàn toàn giống với thế hệ trước được" - BS Điền nói.

TS. BS. Vũ Minh Điền - Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thuý)

TS. BS. Vũ Minh Điền - Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thuý)

Thực tế, kể từ virus SARS-CoV-2 gốc được ghi nhận ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào năm ngoái, đến nay thế giới đã ghi nhận hơn 100 biến chủng của loại virus lây qua đường hô hấp này. Tuy nhiên, BS Điền khănhgr định: Chúng ta không thể chủ quan với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, bởi có nhiều thông tin quan trọng đến thời điểm hiện đại vẫn chưa thể giải mã.

Theo BS. Điền, 2 vấn đề chính cần quan tâm về biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đó là: độc lực và khả năng lây lan so với chủng cũ. Theo thông tin được công bố thì khả năng lây lan của chủng virus mới tăng lên so với chủng cũ. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng cho thấy có sự gia tăng độc lực.

virus SARS-CoV-2 (Ảnh: Minh Thuý)

virus SARS-CoV-2 (Ảnh: Minh Thuý)

Đồng quan điểm với BS. Điền, TS. Lê Văn Duyệt - Phó Trưởng khoa Vi sinh và sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - nhận định: Bản chất của virus SARS-CoV-2 là có khả năng biến đổi rất nhanh. Ngay tại Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiều chủng của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ biến chủng được ghi nhận ở Anh đã trở nên phổ biến, khi ghi nhận trên 1.000 người nhiễm biến chủng này.

Đến nay, các biến chủng của virus SARS-CoV-2 không ảnh hưởng nhiều đến công tác xét nghiệm. Các chuyên gia vẫn liên tục cập nhật thiết kế bộ kit xét nghiệm đặc hiệu cho các biến chủng mới. Do đó, tính chính xác của xét nghiệm xác định virus SARS-CoV-2 vẫn được đảm bảo.