Vừa ra mắt hôm qua (10/12), Liên minh cho biết thu hút được 17 hãng taxi tham gia, với tổng cộng 12.000 đầu xe. Trước đó, liên minh này được thành lập ngày 17/9 với sự bảo trợ của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), gồm 11 thành viên trên cả nước.
Ông Lê Vinh Quang, Phó chủ tịch Liên minh taxi Việt, cho rằng: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, và cho biết liên minh ra đời nhằm cạnh tranh với những tập đoàn khổng lồ có tiềm lực tài chính mạnh.
Tại Hà Nội, 6 thành viên ban đầu là Thanh Nga, Vạn Xuân, Thăng Long, Sao Mai, Long Biên và Quê Lụa đã tham gia liên minh. Công ty taxi Open99 và VIC theo kế hoạch sẽ gia nhập vào tháng 12, đưa số lượng xe tại Hà Nội lên khoảng 4.000 xe.
Theo cam kết của Liên minh taxi Việt, khách hàng sẽ được kết nối đến với lái xe trong thời gian từ 1-2 phút và sẽ không tăng giá trong giờ cao điểm.
Dự kiến, trong tháng 12, Liên minh và EMDDI cũng sẽ ra mắt tại Nam Định, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Một số đơn vị thuộc các tỉnh miền Trung, miền Nam cũng sẽ đồng loạt triển khai kết nạp thêm các đơn vị mới gia nhập Liên minh.
Trong năm 2019, Liên minh taxi Việt dự kiến sẽ có mặt tại 63 tỉnh thành và tăng số lượng đơn vị thành viên tại các địa bàn đã có và các tỉnh thành phố mới để đạt số lượng trên 20.000 xe hoạt động, phấn đấu trở thành Liên minh taxi có số lượng xe đông nhất.
Trong thời gian kể từ tháng 6/2018 đến nay đã có hơn 600.000 chuyến đặt thành công qua EMDDI. Hiện nay, sau khi có sự tham gia của các đơn vị thuộc Liên minh, tỷ lệ sử dụng EMDDI trong việc đặt và điều vận taxi trên cả nước đạt trên 40.000 chuyến/ngày và không gặp bất cứ sự cố nào về nghẽn mạng hay bị treo phần mềm.
Liên minh taxi Việt quyết định cùng dùng ứng dụng EMDDI do các nhà khoa học ở Đại học quốc gia Hà Nội phát triển. EMDDI là sản phẩm lọt vào 20 sản phẩm CNTT dự Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2018.
Ngành công nghiệp taxi tại không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới đang đối mặt với sự cạnh tranh của các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ gọi xe như Uber, Grab, Didi Chuxing, Lyft,... Châu Âu và Nhật Bản có nhiều chính sách bảo vệ taxi truyền thống, trong khi nhiều quốc gia khác cho phép các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ gọi xe kiểu mới.