Hải Phòng tráng lệ
UBND TP.Hải Phòng đang khẩn trương kiểm tra công tác chuẩn bị dự án xây dựng khu đô thị Bắc Sông Cấm, trong đó có Trung tâm chính trị, hành chính tập trung. Với diện tích 324ha, dự án nằm trên các xã Tân Dương, Dương Quan, Hoa Động (huyện Thủy Nguyên) và phường Minh Khai (quận Hồng Bàng). Dự kiến tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.
Trụ sở UBND TP.Hải Phòng nằm trên đường Hoàng Diệu (quận Hồng Bàng) gần cảng Hải Phòng, là khu vực giao của một số tuyến phố trong trung tâm như Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ- Ảnh:Thành Trí |
Khu Trung tâm chính trị, hành chính tập trung chỉ chiếm khoảng 32ha trong tổng số 324ha dự án khu đô thị Bắc Sông Cấm. Trong tương lai, Hải Phòng sẽ phát triển thành phố theo dọc sông Cấm, sông Lạch Tray. Việc xây dựng khu đô khị mới Bắc Sông Cấm được cho là một trong những hướng quan trọng để xây dựng, phát triển TP.Hải Phòng thành đô thị đặc biệt cấp quốc gia.
Trung tâm hội nghị TP.Hải Phòng nằm trên đường Hoàng Diệu, liền kề với trụ sở UBND TP. Công trình này khánh thành vào tháng 4.2009, bao gồm 3 tầng lầu, 1 tầng trệt và tầng áp mái. Tầng trệt là bãi đỗ xe, có sức chứa 15-20 ôtô và 400 xe máy- Ảnh:Thành Trí |
Có ý kiến cho rằng chuyển toàn bộ các trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp sang hết trung tâm hành chính mới sẽ gây lãng phí khi một số đơn vị vừa xây dựng trụ sở mới. Lãnh đạo TP.Hải Phòng cho biết, 90% các đơn vị hành chính chính trị của Hải Phòng đã xuống cấp, chật hẹp.
Trụ sở làm việc của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP.Hải Phòng. Tòa nhà này gắn bó với người dân Hải Phòng với tên gọi thân thương là “Đồng hồ ba chuông”. Thời Pháp thuộc, tòa nhà này là Phòng thương mại Hải Phòng. Điểm độc đáo của ngôi nhà này là tháp chuông được xây dựng vào năm 1895, với ba đồng hồ quay về hướng tây, nam, bắc. Đồng hồ rung nhạc đổ chuông theo giờ, vì vậy nhân dân hay gọi đây là nhà “Đồng hồ ba chuông”. Đồng hồ cũ từ thời Pháp, nay đã hỏng nên được thay thế bằng đồng hồ mới- Ảnh:Thành Trí |
“Nhìn bề ngoài thì những trụ sở này đẹp đẽ thế thôi, chứ bên trong rất chật chội, cơi nới đủ cách, ẩm thấp mối mọt lắm rồi. Việc này không chỉ khó khăn trong công tác, không xứng với tầm vóc thành phố mà còn cực kỳ nguy hiểm cho việc bảo quản hồ sơ dữ liệu. Vì nếu không có điều kiện bảo quản hồ sơ dữ liệu tốt sẽ thiệt hàng hàng nghìn tỉ đồng”, ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng nói tại cuộc họp báo chiều ngày 10.11.
Trụ sở Sở Y tế Hải Phòng- Ảnh:Thành Trí |
Trước thông tin một số sở đã, đang và có kế hoạch xây trụ sở mới, ông Nam cho biết khi có trung tâm hành chính mới, thành phố sẽ xem xét hai phương án: một là nếu sở nào có trụ sở mới, đẹp thì có thể không phải sang khu tập trung. Hai là sẽ tiến hành cho đấu giá toàn bộ trụ sở cũ để lấy kinh phí xây khu tập trung.
Trụ sở Sở Công thương Hải Phòng- Ảnh:Thành Trí |
Theo ông Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội Sử học TP.Hải Phòng, Ủy viên BCH Hội Sử học Việt Nam, khu hành chính, chính trị của Hải Phòng từ thời Pháp đến tận bây giờ là rất thuận tiện và văn minh. Hiện tại các quận, huyện của Hải Phòng, các trục đường chính của thành phố đi về trung tâm rất tiện. Khu hành chính là nơi giao của quốc lộ 10 - quốc lộ 5 - đường đi Đồ Sơn và thuận tiện cả huyện đảo Cát Hải khi vào đến Hải Phòng.
Ngoài nhà “Đồng hồ ba chuông”, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hải Phòng còn một trụ sở thứ 2 ở phố Lạch Tray, ngay cạnh sân vận động Lạch Tray - Ảnh:Thành Trí |
“Người dân tiếp cận khu hành chính của thành phố từ trước đến giờ rất tốt. Các sở, ban ngành và trụ sở UBND thành phố, trụ sở Thành ủy Hải Phòng cũng ở vị trí thuận tiện cho việc họp hành. Không có gì là bất tiện cả”, ông Lợi nói.
Nghệ An còn khang trang lắm
Sau khi xây xong trụ sở UBND tỉnh, Nghệ An đang lên kế hoạch xây dựng khu cao ốc làm nơi tập trung các sở, ban ngành. Vị trí xây dựng Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh nằm trên khu "đất vàng” tại số 1, đại lộ Lê Nin (phường Hưng Phúc, TP.Vinh), cách trụ sở UBND tỉnh Nghệ An vừa hoàn thành khoảng 300 m.
UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ khánh thành trụ sở UBND tỉnh Nghệ An hôm23.8;khối giữa cao 11 tầng nổi và một tầng hầm, một tầng bán hầm; hai khối 2 bên cao 7 tầng, với tổng diện tích sàn 17.817 m2 và trụ sở tiếp dân cao hai tầng... với tổng kinh phí khoảng 365 tỉ đồng từ ngân sách- Ảnh: Phạm Đức |
Theo quy hoạch kiến trúc sơ bộ, tòa nhà được thiết kế với hai khối tháp vươn cao 27 tầng (gắn kết qua cầu nối giữa tầng 21 và tầng 22), trên diện tích đất hơn 52.000 m2 (diện tích xây dựng hơn 10.000 m2) tổng diện tích sàn khoảng 90.000 m2, sức chứa 1.700 người làm việc.
Sở Tử Pháp vẫn đang rất khang trang và hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, một phòng trống được cấp cho một cơ quan báo điện tử- Ảnh: Phạm Đức |
Ngoài hai tòa tháp cao 27 tầng công trình còn nhiều hạng mục như khối tiếp dân, hành chính văn phòng, hội trường, cây xanh, mặt nước... Kinh phí xây dựng công trình là gần 2.200 tỉ đồng. Công trình được xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao.
Sở Thương Binh và Xã hội đượcđược xây dựng trên phần đất khá rộng, hiện tại vẫn rất khang trang- Ảnh: Phạm Đức |
Trong khi đó, theo ghi nhận của Thanh Niên Oline, các trụ sở hành chính tại Nghệ An như: UBND tỉnh, Sở Y tế, Sở Lao Động TB - XH, Sở GD - ĐT, Sở Tư Pháp, Sở Giao thông Vận tải… hạ tầng vẫn còn rất tốt và đang hoạt động hiệu quả với chức năng của mình. Và trong thời gian qua, một số sở ban ngành đã được UBND tỉnh cấp kinh phí để sửa chữa những phần đã xuống cấp.
Tòa nhà Sở Khoa học Công nghệ- Ảnh: Phạm Đức |
Khánh Hòa kiên cố
Theo Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, nhiều công sở hiện nay được xây dựng trên các tuyến đường chính đô thị hoặc dải ven biển Nha Trang. Đây là các “lô đất vàng”, phù hợp với phát triển du lịch – dịch vụ. Việc chuyển trụ sở các cơ quan hành chính cấp tỉnh từ trung tâm thành phố đến địa điểm mới sẽ tạo ra quỹ đất lớn để tăng cường phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và dịch vụ, du lịch.
Trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Nguyễn Chung |
Các công sở trước đây do xây dựng theo tiêu chuẩn cũ, nay đã lạc hậu, nhiều nơi đã xuống cấp. Nhiều cơ quan bố trí phân tán ngoài trụ sở khối nhà nước làm ảnh hưởng và hạn chế đến công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; đồng thời, không thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi lien hệ công tác.
Trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Nguyễn Chung |
Khu vực quy hoạch khu đô thị hành chính mới rất thuận lợi để thực hiện hoàn chỉnh, hiện đại và đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật xây dựng và thực hiện theo ý tưởng thiết kế, phối hợp ba chức năng hành chính – văn hóa – dịch vụ, tạo nên một trung tâm hoạt động đô thị, phù hợp với môi trường phát triển đô thị sinh thái và hướng tới đô thị thông minh.
Sở Nội vụ Khánh Hòa - Ảnh: Nguyễn Chung |
Tòa nhà trung tâm được lựa chọn với hình ảnh tổ yến, trứng yến, chim yến bay lên làm biểu tượng cho Khánh Hòa. Khu trung tâm hành chính mới tỉnh Khánh Hòa bao gồm 5 khối cơ quan, tổng cộng 101 đơn vị, số lượng cán bộ nhân viên dự kiến 5.168 người, tính đến năm 2030 là 5.970 người.
Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa - Ảnh: Nguyễn Chung |
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Chúng tôi ủng hộ chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, ý tưởng hình tượng tổ yến cho khu trung tâm hành chính Khánh Hòa nặng về tính nghệ thuật, phù hợp cho một trung tâm văn hóa – thể dục – thể thao hơn là trung tâm hành chính”.
Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa - Ảnh: Nguyễn Chung |
Cũng theo ông Lộc, các cơ quan hành chính của tỉnh hiện tại hầu hết được xây dựng khoảng 20 năm trở lại đây, chất lượng còn tốt, nên di dời cũng gây lãng phí.
Theo Ban quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, Khu đô thị hành chính Khánh Hòa được xây dựng tại xã Vĩnh Thái (TP Nha Trang), có diện tích 126 ha, gồm hai khu: trung tâm hành chính tập trung (37 ha) và khu nhà ở thương mại dịch vụ, văn phòng (89 ha). Tổng vốn đầu tư dự án này là khoảng 4.300 tỉ đồng, trong đó vốn xây dựng hạ tầng cho khu trung tâm hành chính và các cơ quan hành chính khoảng 3.000 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Trụ sở Sở Y tế Khánh Hòa - Ảnh: Nguyễn Chung |
Theo đó, dự án trên được tách thành 2 hợp phần (2 Dự án BT). Dự án BT1 gồm giải phóng mặt bằng, san lấp, thiết kế, lập dự án và đầu tư cơ sở hạ tầng khung đồng bộ cho toàn khu vực được giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện. Dự án BT2 gồm công tác thiết kế, lập dự án và đầu tư công trình kiến trúc trụ sở làm việc của khu Trung tâm hành chính tỉnh (37 ha) giao Công ty FLC thực hiện.
Sở Xây dựng Khánh Hòa - Ảnh: Nguyễn Chung |
UBND tỉnh Khánh Hòa đang xem xét giao lại khu đất tại sân bay Nha Trang để hoàn vốn cho Công ty cổ phần tập đoàn Phúc Sơn; giao một số khu đất trụ sở của các cơ quan hành chính ở trung tâm TP Nha Trang hiện nay để hoàn vốn cho Công ty FLC.
Mời bạn đọc đón xem: Những "Trung tâm hành chính nghìn tỉ" đã xây xong và đi vào hoạt động ở các tỉnh, thành Đà Nẵng, Lâm Đồng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu giờ ra sao?
Theo Thanh Niên