Về chủ đầu tư “kín tiếng” của BOT Cai Lậy

VietTimes – Khá kín tiếng và là một doanh nghiệp địa phương (Vĩnh Phúc) nhưng ít người biết rằng ngoài dự án BOT Cai Lậy, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái (Cty Bắc Ái) còn là chủ đầu tư của nhiều dự án đối tác công – tư (PPP) khác.
Cty Bắc Ái: Chủ đầu tư “kín tiếng” của BOT Cai Lậy và nhiều dự án PPP khác. (Ảnh: NDH)
Cty Bắc Ái: Chủ đầu tư “kín tiếng” của BOT Cai Lậy và nhiều dự án PPP khác. (Ảnh: NDH)

Câu chuyện về trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đang nhận được sự chú ý lớn của dư luận. Thời gian qua, đây là một chủ đề “nóng” đang được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội.

Thông qua trang cá nhân, các group và nhiều diễn đàn, người dân đã bày tỏ bức xúc về vị trí đặt trạm và mức phí mà họ cho là vô lý. Nhiều câu hỏi đã được nêu ra, thể hiện những băn khoăn của người dân về sự minh bạch và những bất cập về dự án.

Một “facebooker”, theo giới thiệu là một kỹ sư xây dựng, đã đưa ra 10 câu hỏi gửi tới Bộ Giao thông Vận tải. Dòng trạng thái của ông đã nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng mạng và nhanh chóng được chia sẻ (share) rộng rãi.

Câu hỏi đầu tiên trong 10 câu hỏi đặt ra vấn đề, rằng tại sao Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (pháp nhân quản lý trạm thu phí BOT Cai Lậy) thành lập vào tháng 4/2014 trong khi công trình khởi công vào tháng 2/2014 (?); Công ty này có vốn đối ứng để thi công không hay 100% là vốn đi vay ngân hàng (?); Đủ điều kiện đáp ứng các quy định về nhà đầu tư BOT không (?).

Sẽ là một câu hỏi đáng bàn, nếu Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang là chủ đầu tư của dự án.

Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang chỉ là pháp nhân dự án, được chủ đầu tư lập ra để thuận tiện trong quản lý và giao dịch. Điều này có thể lý giải cho thắc mắc, rằng tại sao Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang lại được thành lập sau ngày dự án khởi công. Chủ đầu tư thực sự được phê duyệt lại là cái tên khác.

Chính xác hơn, đó là một liên danh, gồm 2 nhà đầu tư đã được Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn cho “Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT” (Dự án BOT Cai Lậy). Đó đều là những doanh nghiệp có thâm niên và có kinh nghiệm.

Ban đầu, theo Hợp đồng BOT ký tắt số 20/HĐ.BOT-BGTVT về Dự án đầu tư Xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987 + 560 đến Km 2014 + 000 Tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT ký ngày 19/02/2014 giữa Bộ Giao thông Vận tải và Liên danh nhà đầu tư, thì liên danh gồm Công Ty Cổ phần Phát triển Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (TRICO).

Đến Hợp đồng BOT chính thức số 43/HĐ.BOT-BGTVT, ký ngày 28/08/2014, liên danh trên vẫn được giữ nguyên.

Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái

Tuy nhiên, đến Phụ lục Hợp đồng BOT ký tắt số 03/PL01-43/HĐ.BOT-BGTVT (để điều chỉnh, bổ sung Hợp đồng số 43/HĐ.BOT-BGTVT ngày 28/08/2014) ký ngày 30/01/2015, thì BVEC biến mất và Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái (Bắc Ái) đã xuất hiện để thay thế.

Thông tin hiện công bố trên cổng thông tin Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư (Bộ Giao thông Vận tải) vẫn khẳng định, nhà đầu tư của dự án là liên danh Bắc Ái – TRICO.

Cũng theo Ban này, dự án có mã 01.01.1126, thuộc nhóm B, do Bộ GTVT phê duyệt, có tổng mức đầu tư là 1.398,18 tỷ đồng (chưa quyết toán), nguồn vốn 100% tư nhân. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 210 tỷ đồng (Bắc Ái góp 136,5 tỷ đồng (65%); TRICO góp 73,5 tỷ đồng (35%)), chiếm 15% tổng mức đầu tư; Phần còn lại là vốn vay ngân hàng.

Theo tìm hiểu của VietTimes, ngân hàng tài trợ cho dự án BOT Cai Lậy là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Vĩnh Phúc (BIDV Vĩnh Phúc).

Đến đây, sẽ có người băn khoăn, rằng tại sao dự án được triển khai tại Long An mà lại vay vốn từ một chi nhánh ngân hàng Vĩnh Phúc (?).

Thực tế, chủ đầu tư chi phối dự án – Bắc Ái – là một doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, vốn có quan hệ hợp tác lâu năm với BIDV Vĩnh Phúc.

Cụ thể, Bắc Ái thành lập ngày 25/11/2004, có ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động thiết kế chuyên dụng, đăng ký trụ sở tại số 215, đường Mê Linh, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc – đây cũng là địa chỉ mà cổ đông lớn nhất của Bắc Ái, ông Lê Tiến Thắng đăng ký hộ khẩu thường trú.

Theo Đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 10/07/2017, vốn điều lệ của Bắc Ái là 900 tỷ đồng, được chi phối chủ yếu (82%) bởi ông Lê Tiến Thắng (SN 1977), bên cạnh các cổ đông sáng lập khác: Lê Văn Duẩn (5%); Lê Thanh Bình (10%); Nguyễn Phú Hiệp (3%). Ông Hiệp là Giám đốc đương nhiệm của Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, người được nhắc tới khá nhiều trong sự kiện phản đối trạm thu phí Cai Lậy những ngày qua.

Đại cổ đông Lê Tiến Thắng từng có thời gian đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Bắc Ái. Tuy nhiên, gần đây, trọng trách này đã được chuyển sang cho ông Nguyễn Tiến An (SN 1992). Ông An có hộ khẩu thường trú tại xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc – đồng hương của cổ đông Lê Văn Duẩn.

2 dự án BOT và 1 dự án BT

Ít người biết rằng, ngoài dự án BOT Cai Lậy, Bắc Ái còn tham gia đầu tư một dự án BOT khác, cũng nằm trên tuyến quốc lộ 1 huyết mạch. Cụ thể là dự án “Đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Km 1125 - Km 1153, tỉnh Bình Định” (dự án BOT Hoài Nhơn), một dự án BOT nhóm A.

Dự án này có tổng mức đầu tư lên là 1.785,25 đồng (chưa quyết toán), trong đó, vốn tư nhân là 1.644,50 tỷ đồng, vốn đầu tư nhà nước là 140,75 tỷ đồng; Khởi công ngày 31/10/2013; Thời gian vận hành, khai thác là 22 năm 2 tháng.

Về chủ đầu tư “kín tiếng” của BOT Cai Lậy  ảnh 1Ảnh chụp màn hình từ http://ppp.mt.gov.vn

Chủ đầu tư của dự án là liên danh 4 nhà đầu tư. Trong đó Bắc Ái góp 69 tỷ đồng (29%); Tổng công ty Thành An - Công ty TNHH MTV góp 74 tỷ đồng (31%); Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Long Trung Sơn góp 48 tỷ đồng (20%); Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex – PVC (PVV) góp 48 tỷ đồng (20%).

Ngân hàng tài trợ cho dự án BOT Hoài Nhơn cũng là BIDV, cụ thể là chi nhánh Phú Tài.

Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực BOT, được biết, Bắc Ái còn đầu tư vào cả dự án BT.

Tháng 11/2015, liên danh Công ty CP tư vấn đầu tư HNS Việt Nam – Công ty CP đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP Tư vấn đầu tư Xây dựng Bắc Ái được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (Quốc lộ 1).

Chiều dài tuyến đường là 2,7km, với tổng mức đầu tư là 1.134 tỷ đồng

Dù khá kín tiếng và là một doanh nghiệp địa phương nhưng với 3 dự án PPP đã tham gia (tạm thống kê được đến thời điểm này), cần thiết phải nói rằng Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái thực sự là một cái tên tầm cỡ trong lĩnh vực đối tác công – tư./.