Ngày 28/10, vào khoảng 13h30 (giờ địa phương), một hoặc vài quả tên lửa Smerch đã được bắn vào thành phố Barda, đáp trúng một khu dân cư gần bệnh viện. Văn phòng Tổng công tố Azerbaijan cho hay ít nhất 21 người đã thiệt mạng, khoảng hơn 70 người bị thương.
Các chuyên gia Ứng phó Khủng hoảng của AI đã xác minh các bức ảnh (do các phóng viên của Vice News chụp trong thành phố) về các mảnh đạn chùm 9N235 từ tên lửa 9M55 Smerch do Nga sản xuất, dường như đã bị lực lượng Armenia bắn vào thành phố.
Bà Marie Struthers, Giám đốc khu vực Đông Âu và Trung Á của AI, cho biết: “Việc bắn bom, đạn chùm vào các khu vực dân sự là hành động tàn bạo và liều lĩnh, đồng thời gây ra cái chết, thương tật và đau khổ không thể kể xiết”.
Bà nói thêm: “Khi cuộc xung đột này tiếp tục leo thang, các lực lượng Armenia, lực lượng do Armenia hậu thuẫn và Azerbaijan đều đã phạm tội sử dụng vũ khí cấm, gây nguy hiểm đến tính mạng của thường dân. Bom, đạn chùm vốn là vũ khí không phân biệt mục tiêu và việc sử dụng chúng trong mọi trường hợp đều bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi cả hai bên ngừng ngay việc sử dụng bom, đạn chùm và ưu tiên bảo vệ dân thường”.
Tuần trước, Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng kêu gọi cả Armenia và Azerbaijan ngừng ngay việc sử dụng vũ khí nổ hạng nặng với hiệu ứng diện rộng tại các khu vực đông dân cư.
Vào ngày 27/9, giao tranh ác liệt đã nổ ra giữa Azerbaijan và Armenia và các lực lượng do Armenia hỗ trợ ở vùng Nagorno-Karabakh. Trong tháng trước, cả hai bên tham gia xung đột đã pháo kích lẫn nhau. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột tuyệt đối tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và bảo vệ dân thường khỏi tác động của các hành động thù địch.
Bom, đạn chùm vốn là vũ khí không phân biệt mục tiêu, gây ra đau khổ cho dân thường nhiều năm sau khi sử dụng, và bị quốc tế cấm theo một hiệp ước được hơn 100 quốc gia ủng hộ. Tổ chức Ân xá Quốc tế đang kêu gọi cả Armenia và Azerbaijan trở thành các bên tham gia Công ước về Bom, đạn chùm.
Bom, đạn chùm rải rác hàng trăm quả bom hoặc đạn con trên một khu vực rộng lớn. Người ta ước tính rằng từ 5 đến 20% bom chùm không nổ. Sau đó, chúng bị bỏ lại phía sau, gây ra mối đe dọa đối với dân thường tương tự như đối với mìn sát thương.
Việc sử dụng các loại vũ khí này vi phạm điều cấm tấn công bừa bãi vì phạm vi ảnh hưởng rộng lớn nhiều quả bom được phóng ra cũng như mối nguy hiểm gây ra cho tất cả những ai tiếp xúc với bom, đạn chưa phát nổ.