Xung đột Armenia-Azerbaijan lan rộng và khả năng thực thi “Phương án Nga”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tại vùng Nagorno-Karabakh đến thứ Hai, 5/10, đã bước sang ngày thứ 9.
Thành phố Stepanekert thủ phủ vùng Nagorno-Karabakh bị bom đạn tàn phá nặng nề (Ảnh: Đông Phương).
Thành phố Stepanekert thủ phủ vùng Nagorno-Karabakh bị bom đạn tàn phá nặng nề (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương tối 5/10, cho đến nay, hàng trăm người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh. Tổng thống Azerbaijan Aliyev đã có bài phát biểu trên truyền hình hôm Chủ nhật 4/10, nói quân đội nước này đang tiến lên và sẽ chiếm lại Nagorno-Karabakh, lãnh thổ của họ. Ông yêu cầu Armenia đề ra thời gian biểu rút khỏi Nagorno-Karabakh và lãnh thổ Azerbaijan phụ cận, đồng thời nhắc lại rằng Azerbaijan trước đó sẽ không ngừng các hoạt động quân sự. Bộ Quốc phòng Armenia nhấn mạnh “đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh”, nhưng không cho rằng thủ đô Yerevan đang gặp nguy hiểm.

Pháo phản lực của Azerbaijan đã được sử dụng để oanh kích thủ phủ Stapanekert của vùng Nagorno-Karabakh (Ảnh: QianLong).
Pháo phản lực của Azerbaijan đã được sử dụng để oanh kích thủ phủ Stapanekert của vùng Nagorno-Karabakh (Ảnh: QianLong).

Chính quyền Nagorno-Karabakh cáo buộc quân đội Azerbaijan đã nã rocket vào thủ phủ Stepanekert của họ và nhấn mạnh rằng quân đội Nagorno-Karabakh sẽ nhanh chóng phản kích. Phía Azerbaijan cáo buộc Armenia đã phóng tên lửa đất đối đất vào các thành phố đông dân cư và các cơ sở dân sự của nước này. Bộ Quốc phòng Armenia phủ nhận điều đó nhưng thừa nhận giao tranh ác liệt vẫn đang tiếp diễn. Ngoài ra, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế hôm Chủ nhật đã ra tuyên bố lên án các cuộc oanh kích bừa bãi của quân đội hai bên vào các khu vực đông dân cư, khiến nhiều dân thường thiệt mạng hoặc bị thương nặng, phê phán hành động này có thể vi phạm luật pháp quốc tế.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg đang ở thăm Thổ Nhĩ Kỳ, sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu hôm thứ Hai đã hối thúc Azerbaijan và Armenia ngừng bắn. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ Azerbaijan, đã yêu cầu NATO thúc giục quân đội Armenia rút khỏi khu vực Nagorno-Karabakh.

Tổng thống Azerbaijan Aliyev (trái) và Thủ tướng Armenia Pashinyan trong một lần gặp gỡ nhau trước đây (Ảnh: Sohu).
Tổng thống Azerbaijan Aliyev (trái) và Thủ tướng Armenia Pashinyan trong một lần gặp gỡ nhau trước đây (Ảnh: Sohu).

Mặc dù Mỹ, Nga và Pháp đã yêu cầu Yerevan và Baku ngừng chiến và ngồi lại bàn đàm phán, tuyên bố liên quan cũng đã được lãnh đạo các cường quốc như bà Merkel tán thành, nhưng giao tranh ở khu vực Karabakh vẫn căng thẳng và xung đột vũ trang ngày càng mở rộng. Cuộc xung đột vũ trang có khả năng mở rộng thành một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai nước.

Vào sáng ngày 5/10, Tổng thống Aliyev của Azerbaijan đã tuyên bố trong một bài phát biểu trước toàn thể quốc dân, các lực lượng vũ trang đã giành lại được nhiều nơi và mục tiêu trong tương lai của Azerbaijan vẫn không thay đổi, nhất định Nagorno-Karabakh bị chiếm đóng phải được lấy lại.

Theo Sohu, 5/10, trái ngược với thái độ của ông Aliyev, Thủ tướng Armenia Pashinyan biết rõ nước ông không phải là đối thủ của liên minh Azerbaijan-Thổ Nhĩ Kỳ. Ông hy vọng rằng các nước lớn sẽ can thiệp và sớm kết thúc chiến tranh. Vì vậy, ông đã quay trở lại khuôn khổ nhóm OSCE Minsk để thăm dò đề nghị đưa lực lượng gìn giữ hòa bình Nga kéo vào Nagorno-Karabakh.

Rõ ràng Nga rất vui khi mừng trước chủ trương này. Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nga Zhirinovsky chỉ ra rằng, nếu Nam Caucasus muốn duy trì sự ổn định thì sự có mặt của Nga là cần thiết. Trong thời kỳ Xô-viết, Armenia và Azerbaijan  không xảy ra xung đột quanh khu vực Nagorno-Karabakh. Nếu bây giờ giao  Nagorno-Karabakh cho Nga kiểm soát, cả Yerevan và Baku đều có thể đồng ý. Nếu hai nước không đồng ý, có những lựa chọn thay thế khác. Nga có thể ủng hộ nền độc lập của Nagorno-Karabakh và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở đó.

Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nga Zhirinovsky ủng hộ chủ trương Nga can dự giúp giải quyết cuộc xung đột hiện nay giữa Armenia và Azerbaijan (Ảnh: Sohu).
Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nga Zhirinovsky ủng hộ chủ trương Nga can dự giúp giải quyết cuộc xung đột hiện nay giữa Armenia và Azerbaijan (Ảnh: Sohu).

Thư ký báo chí của Tổng thống Putin, ông Peskov tuyên bố phương án đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga vào khu vực Nagorno-Karabakh là khả thi, nhưng nó cần phải được sự đồng ý của cả hai bên xung đột, cụ thể là Azerbaijan và Armenia.

Ông Taysaev Phó Chủ tịch Ủy ban Quan hệ, Hội nhập Á-Âu và các vấn đề CIS của Duma quốc gia Nga cho rằng cần thảo luận khẩn cấp về việc triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga. Nga và Armenia bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ chung của Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể, cần chấm dứt xung đột Armenia - Azerbaijan càng sớm càng tốt.

Thành viên Duma Quốc gia Vodortsky rõ ràng ủng hộ quan điểm của Zhirinovsky. Ông cho rằng khi giải quyết xung đột Nagorno-Karabakh, có thể tham khảo việc Nga giải quyết “vấn đề Cộng hòa Transnistria” sau cuộc nội chiến ở Moldova trước đây (nước này độc lập trên danh nghĩa, có quân đội gìn giữ hòa bình Nga đóng ở đó).