Xung đột Armenia-Azerbaijan: Chiến sự lan ra các thành phố, nhiều dân thường hai bên thương vong

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở vùng Nagorno-Karabakh đã kéo dài suốt 8 ngày và có những diễn biến mới với việc chiến sự đã lan sang các thành phố khác của Azerbaijan; phía Armenia bị cáo buộc sử dụng tên lửa đất đối đất để tấn công gây thương vong cho dân thường.
Thành phố Stepanakert thủ phủ của vùng Nagorno-Karabakh bị Azerbaijan pháo kích hôm 4/10 (Ảnh: Sohu).
Thành phố Stepanakert thủ phủ của vùng Nagorno-Karabakh bị Azerbaijan pháo kích hôm 4/10 (Ảnh: Sohu).

Theo các nguồn tin truyền thông Nga, ngày 4/10, hai bên tiếp tục giao tranh ác liệt. Sau khi ông Arutyunyan lãnh đạo vùng tự trị Nagorno-Karabakh thân Armenia, ra lệnh ngừng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các cơ sở quân sự ở Ganja, thành phố lớn thứ 2 của Azerbaijan, hai bên đã tạm thời ngừng bắn. Azerbaijan sau đó đã nã pháo vào thành phố Stepanakert, thủ phủ của vùng Nagorno-Karabakh, khiến thông tin liên lạc và nguồn điện của thành phố bị gián đoạn, người dân buộc phải ẩn náu trong các công sự phòng không. Phía Azerbaijan nói ông Arutyunyan, người trực tiếp ra mặt trận, đã bị thương, nhưng Bộ Quốc phòng Armenia bác bỏ thông tin này.

Một khu nhà dân ở Nagorno-Karabakh bị trúng đạn pháo (Ảnh: Đa Chiều).
Một khu nhà dân ở Nagorno-Karabakh bị trúng đạn pháo (Ảnh: Đa Chiều).

Theo cáo buộc của Armenia, cuộc pháo kích trước đó của Azerbaijan đã làm gián đoạn nguồn cung cấp điện của Stepanakert. Bộ Quốc phòng Armenia ngày 4 đã khẳng định quân đội Azerbaijan tấn công các mục tiêu dân sự ở thành phố Stepanakert. Azerbaijan đáp lại, nói quân đội Armenia đã bắn tên lửa đất đối đất từ Stepanakert tới các thành phố ở vùng Fuzul của Azerbaijan, cuộc pháo kích của Azerbaijan chỉ là để trả đũa. Cùng ngày, phía Azerbaijan tuyên bố “quân đội Armenia đã tấn công một cơ sở dân sự ở Ganja, thành phố lớn thứ hai của Azerbaijan” khiến ít nhất 1 dân thường thiệt mạng và 32 người khác bị thương. Tuy nhiên, các quan chức Armenia lập tức phủ nhận việc họ đã phát động một cuộc tấn công vào Ganja.

Ngoài ra, theo tin của Reuters, các nhà lãnh đạo lực lượng vũ trang khu vực Nagorno-Karabakh ngày 4/10 tuyên bố họ đã phát động một cuộc tấn công vào một căn cứ không quân ở Ganja vào ngày hôm đó, nhưng cuộc tấn công đã ngừng lại để tránh thương vong cho dân thường. Vào tối ngày 4 theo giờ địa phương, Trợ lý Tổng thống Azerbaijan, ông Gagiyev cho biết trên mạng xã hội rằng Armenia đêm hôm đó đã bắn tên lửa vào Mingacheul, thành phố công nghiệp của Azerbaijan. Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan Zakary Hasanov chỉ trích hành động này là một hành động khiêu khích rõ ràng và đang mở rộng xung đột. Ông Hasanov cũng tuyên bố các cơ sở quân sự không bị tấn công, nhưng dân thường, cơ sở hạ tầng dân sự và một số kiến trúc lịch sử đã bị tấn công bằng tên lửa.  

Dân thường mới là những nạn nhân của cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh (Ảnh: CCTV).
Dân thường mới là những nạn nhân của cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh (Ảnh: CCTV).

Cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc lẫn nhau tấn công dân thường và các cơ sở dân sự. Theo Hãng thông tấn Armenia ANA, quân đội Azerbaijan rạng sáng ngày 4/10 lại pháo kích vào Stepanakert, khiến một số tòa nhà bị cháy. Hiện chưa rõ thương vong cụ thể.

Về thương vong của thường dân, ngày 4, Bộ trưởng Tư pháp Azerbaijan tuyên bố cuộc tấn công của Armenia vào Azerbaijan đã khiến 25 người chết và 111 thường dân bị thương ở Azerbaijan. Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố rằng các cuộc tấn công của Azerbaijan khiến 18 dân thường ở vùng Nagorno-Karabakh thiệt mạng và hơn 90 người bị thương. Hiện tại, không bên nào phản ứng về tuyên bố của bên kia.

Cùng ngày, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố rằng quân đội Azerbaijan đã chiếm được tổng cộng 10 thành phố và làng mạc. Ông Aliyev cũng nhấn mạnh rằng cuộc xung đột Nagorno-Karabakh cần được giải quyết thông qua đối thoại, nhưng tiền đề cho lệnh ngừng bắn của Azerbaijan là phía Armenia phải xác định rõ thời gian biểu cho việc rút các lực lượng vũ trang Armenia khỏi khu vực Nagorno-Karabakh. Phía Armenia cần chính thức công nhận sự toàn vẹn của lãnh thổ Azerbaijan. Ông cũng tuyên bố trước lúc đó, các hoạt động quân sự của Azerbaijan sẽ không bị dừng lại.

Tổng thống Azerbaijan Aliyev phát biểu trên truyền hình khẳng định: xung đột cần được giải quyết thông qua đối thoại, nhưng tiền đề là phía Armenia phải đưa ra thời gian biểu rút hết quân khỏi khu vực Nagorno-Karabakh (Ảnh: Sohu).
Tổng thống Azerbaijan Aliyev phát biểu trên truyền hình khẳng định: xung đột cần được giải quyết thông qua đối thoại, nhưng tiền đề là phía Armenia phải đưa ra thời gian biểu rút hết quân khỏi khu vực Nagorno-Karabakh (Ảnh: Sohu).

Ông Aliyev nói trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia: “Nagorno-Karabakh là lãnh thổ của Azerbaijan. Chúng tôi phải trở lại, và chúng tôi sẽ trở lại”.

Ngoại trưởng Armenia Mnatsakanyan và Ngoại trưởng Nga Lavrov đã có cuộc điện đàm về cuộc xung đột Nagorno-Karabakh. Cả hai bên đều bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về sự gia tăng thương vong của dân thường và nhắc lại các kênh chính trị và ngoại giao để giải quyết xung đột cần được nhanh chóng khôi phục dưới sự điều phối của các đồng chủ tịch của Nhóm OSCE Minsk.

Azerbaijan và Armenia đã giao tranh ở khu vực Nagorno-Karabakh kể từ ngày 27/9, cáo buộc lẫn nhau khơi mào vòng xung đột mới. Hiện nay xung đột vũ trang vẫn đang tiếp tục.

Ngoại trưởng Nga và Armenia đã trao đổi điện thoại về một giải pháp giải quyết xung đột với sự trung gian của Nhóm Misk (Ảnh: Sohu).
Ngoại trưởng Nga và Armenia đã trao đổi điện thoại về một giải pháp giải quyết xung đột với sự trung gian của Nhóm Misk (Ảnh: Sohu).

Khu vực Nagorno-Karabakh nằm ở phía tây nam Azerbaijan, có diện tích 4.400 km vuông, là một tỉnh tự trị của Azerbaijan trong thời kỳ Xô Viết, hầu hết cư dân là người Armenia. Năm 1988, Nagorno-Karabakh yêu cầu được sáp nhập vào Armenia, dẫn đến xung đột vũ trang giữa các nhóm sắc tộc Azerbaijan và Armenia  trong nước Cộng hòa Xô Viết Azerbaijan. Sau khi Liên Xô tan rã, một cuộc chiến tranh nổ ra giữa hai quốc gia độc lập Azerbaijan và Armenia nhằm tranh giành Nagorno-Karabakh, Armenia giành được quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh và các vùng lân cận của Azerbaijan. Năm 1992, theo sáng kiến của Nga, Hội nghị An ninh và Hợp tác ở châu Âu (tiền thân của OSCE) đã thành lập Nhóm Minsk gồm 12 quốc gia, với Nga, Mỹ và Pháp là đồng chủ tịch. Kể từ đó, các cuộc đàm phán về vấn đề Nagorno-Karabakh ở các cấp khác nhau đã được tổ chức trong khuôn khổ của Nhóm Minsk, nhưng không đạt được tiến triển đáng kể nào. Năm 1994, Azerbaijan và Armenia đã đạt được thỏa thuận về ngừng bắn toàn diện, nhưng hai nước luôn trong tình trạng thù địch về vấn đề Nagorno-Karabakh và thỉnh thoảng lại xảy ra xung đột.