Xe buýt trợ giá chưa hiệu quả, Sở GTVT Đà Nẵng nói gì?

VietTimes -- Sau khi VietTimes có thông tin về chương trình trợ giá đối với hệ thống xe buýt công cộng tại Đà Nẵng. Bài viết đã nhận được nhiều phản hồi từ phía bạn đọc. Để rõ hơn về chương trình này, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Thuận, PGĐ Sở GTVT Đà Nẵng.
Chất lượng xe tốt nhưng lượng người đi xe buýt vẫn hạn chế, chưa như mục tiêu.
Chất lượng xe tốt nhưng lượng người đi xe buýt vẫn hạn chế, chưa như mục tiêu.

- Chương trình trợ giá xe buýt tại Đà Nẵng đã thực hiện được 19 tháng, ông có thể cho biết kết quả của hoạt động này ?

Sau 19 tháng hoạt động của 05 tuyến buýt trợ giá, tổng số lượt hành khách là 4.369.929 lượt.

Nếu so với năm 2017 đạt 2.132.478 lượt hành khách, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng đạt 16,5%. Riêng 9 tháng đầu năm 2018 đã là 2.237.451 lượt hành khách, đạt 105,0% của cả năm 2017, bình quân lượt tăng từ 14,9 hành khách/lượt xe.

Như vậy có thể nói dự án triển khai mang lại hiệu quả xã hội, nâng cao tiện ích của người dân trong việc lựa chọn phương tiện công cộng.

Việc đưa 05 tuyến buýt trợ giá vào vận hành được Sở GTVT phối hợp với các ngành liên quan của thành phố tăng cường công tác truyền thông và quảng bá hình ảnh xe buýt của thành phố đến toàn thể người dân được biết, tiếp cận và sử dụng dịch vụ xe buýt. Bước đầu được người dân rất quan tâm và ủng hộ rất cao. Thể hiện thông qua việc trong 19 tháng vận hành, Sở GTVT đã tiếp nhận và trả lời hơn 25.000 câu hỏi qua hệ thống thông tin điện tử và hơn 4.000 cuộc gọi qua đường dây nóng.

- Những mục tiêu tại Quyết định số 8087/QĐ-UBND của UBND TP về phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP Đà Nẵng giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 liệu có khả thi, thưa ông?

Mục tiêu của Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 8087/QĐ-UBND thành phố ngày 19/11/2003 là cần thiết, nhằm phân định tỷ lệ vận tải bằng xe buýt, đảm nhận đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân theo từng giai đoạn phát triển đô thị.

Tính khả thi của quy hoạch có thể chưa đạt như mong muốn. Cụ thể, mới triển khai có 05 tuyến buýt trợ giá ra đời và hoạt động từ năm 2017, chậm 02 năm so với quy hoạch.

Do số lượng tuyến còn ít, nên tính kết nối chưa cao, mức độ bao phủ vận tải công cộng bằng xe buýt lên mạng lưới đường còn thấp. Các dịch vụ hỗ trợ để xe buýt hiệu quả còn thiếu bãi đỗ xe công cộng (P&R) cho hành khách kết nối với hệ thống xe buýt (hiện mới chỉ có 1 bãi đỗ xe P&R Bùi Dương Lịch).

- Đà Nẵng đã nỗ lực gì để nâng cao chất lượng xe buýt, cũng như thu hút người dân sử dụng xe buýt, thưa ông?

 Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với đơn vị có liên quan triển khai công tác truyền thông về các tuyến xe buýt trợ giá đến nhân dân.

Cụ thể, Sở đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí để quảng bá, tuyên truyền người dân về chủ trương thành phố vận động người dân tham gia đi xe buýt có trợ giá; In cấp phát hàng nghìn tờ rơi có nội dung sổ tay vận hành, biểu đồ, lộ trình, thời gian hoạt động, tần suất của xe buýt trợ giá; xây dựng phần mềm trên điện thoại di động AppBus (DanaBus) và đăng tải nhiều bài, hướng dẫn người dân sử dụng tiện ích đăng ký vé tháng trên website Danangbus.vn, website: http://sgtvt.danang.gov.vn/ và duy trì mạng xã hội facebook: Danabus - Xe buýt Đà Nẵng; đăng tin chương trình “Fm Giao thông 96,3 MHz”; tuyên truyền hệ thống xe buýt trên Cổng Wifi thành phố, lắp đặt nhiều bảng panô, quảng báo, và đăng nội dung thông tin tại các điểm thu hút lớn; đăng tải thông tin tuyên truyền trên cổng Wifi của thành phố,...

Song song đó là phát động người dân tại khu dân cư về sử dụng thẻ, vé đi xe buýt; triển khai công tác đăng ký thẻ vé online để người dân biết và tham gia; Triển khai thực hiện Đề án “Phát động phong trào, kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt”.

Về công tác điều hành hoạt động, thường xuyên kiểm tra việc giữ gìn, vệ sinh xe buýt và chất lượng phục vụ của đội ngũ lái xe nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời;  rà soát, bổ sung cơ sở hạ tầng xe buýt (biển báo, vạch sơn, nhà chờ, đặc biệt là các bảng quảng báo) một cách đầy đủ, thuận lợi, an toàn, nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hạ tầng xe buýt, đặc biệt các trường hợp xe ô tô dừng, đỗ chiếm dụng nơi dừng xe buýt.

Về kiểm tra, xử lý vi phạm, thường xuyên lập và triển khai kế hoạch kiểm tra giám sát tình hình hoạt động của xe buýt nhằm chấn chỉnh đơn vị vận hành lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt, và tăng cường kiểm tra xử lý lập biên bản những trường hợp đậu đỗ sai quy định tại vị trí vạch kẻ dành cho xe buýt đậu đỗ đón, trả khách.

Mặc dù Đà Nẵng đã đầu tư mạnh cho hạ tầng xe buýt, nhưng hiệu quả chưa nhưng mong đợi
Mặc dù Đà Nẵng đã đầu tư mạnh cho hạ tầng xe buýt, nhưng hiệu quả chưa nhưng mong đợi 

- Theo ông, để người dân sử dụng xe buýt thường xuyên hơn, Đà Nẵng cần có những giải pháp tiếp theo gì?

 Như anh đã biết, việc hình thành thói quen để người dân tham gia vận tải công cộng là cả một quá trình, đồng thời phải có sự vào cuộc của nhiều ngành. Với chức năng nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới, ngành giao thông tiếp tục triển khai các giải pháp để nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân sử dụng xe buýt thường xuyên hơn.

Cụ thể, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của người dân về tình hình hoạt động xe buýt và có các biện pháp xử lý, điều chỉnh phù hợp; tiếp tục khảo sát nhu cầu và điều chỉnh các tuyến xe buýt hiện có nhằm tăng tính kết nối bao phủ mạng lưới các tuyến xe buýt để người dân thuận lợi tiếp cận sử dụng dịch xe buýt của thành phố; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động xe buýt và xử lý vi phạm các trường hợp xe cá nhân dừng, đỗ chiếm dụng nơi dừng xe buýt; 

Nhất là sẽ khẩn trương xúc tiến đưa 06 tuyến xe buýt mới vào hoạt động để tăng độ bao phủ mạng lưới tuyến buýt đô thị; phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia sử dụng xe buýt để thay thế phương tiện cá nhân,…

Xin chân thành cảm ơn ông!