Xây dựng ngay chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam phải sản xuất được vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh - Quang Hiếu)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh - Quang Hiếu)

Đây là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại buổi làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống COVID-19 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, sản xuất vaccine diễn ra vào sáng nay, ngày 7/6.

Hai trụ cột quan trọng của chiến lược vaccine

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Việc thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 là chủ trương đúng đắn, phù hợp thực tiễn nên được cộng đồng, nhân dân vào cuộc, tham gia đóng góp hết sức tích cực.

Từ việc thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, Thủ tướng nêu ra hai trụ cột của chiến lược vaccine gồm: Huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, tiếp cận dưới mọi hình thức, bằng mọi cách để mua được vaccine nhiều nhất, nhanh nhất, đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước. Cùng với đó, các đơn vị phải bảo quản, tiêm vaccine nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất cho người dân. Tất cả những công việc này phải tiến hành khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại buổi làm việc (Ảnh - Quang Hiếu)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại buổi làm việc (Ảnh - Quang Hiếu)

“Hiện nay, việc tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới không dễ dàng, ngân sách còn khó khăn, việc tiêm vaccine lại phải tiến hành định kỳ lâu dài theo tinh thần “sống chung an toàn với dịch bệnh”. Do đó, cùng với tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời việc mua vaccine, chúng ta phải phát huy truyền thống tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất để vượt qua mọi khó khăn, thách thức. “Trong cái khó ló cái khôn”, phải phát huy trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam để nghiên cứu, sản xuất, chủ động được nguồn vaccine, nhất là khi virus có thể tiếp tục biến chủng, nhiều loại dịch bệnh khác có thể tiếp tục xuất hiện trong tương lai” – Thủ tướng nói.

Vì thế, để tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine, Thủ tướng khẳng định: Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn là “3 không và 5 thật”. “3 không” là “không nói không , không nói khó, không nói có mà không làm”. “5 thật” là “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật”.

Khó đến mấy cũng phải làm

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các đơn vị phải thống nhất nhận thức, coi vaccine là yếu tố có tính chất quyết định, chiến lược, lâu dài trong phòng chống dịch nói chung và đặc biệt là trong phòng chống dịch COVID-19 nói riêng. Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam vừa phải giải quyết các bài toán cấp bách, trước mắt, vừa phải tính toán các vấn đề lâu dài, chiến lược. Để chủ động thực hiện chiến lược vaccine, phải sản xuất được vaccine trong nước. Mọi chiến lược, kế hoạch, chính sách với việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine phải vừa mang tính xã hội, vừa mang tính thương mại.

Do đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine cũng góp phần phát triển công nghiệp dược của Việt Nam, đây là một thế mạnh của chúng ta chưa được phát huy. Phát huy kết quả, thành quả đã đạt được trong suốt mấy chục năm vừa qua về phòng chống dịch bệnh, sản xuất vaccine, đồng thời khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập về tư tưởng, nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với cácđại biểu tham dự cuộc làm việc. (Ảnh - Quang Hiếu)

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với cácđại biểu tham dự cuộc làm việc. (Ảnh - Quang Hiếu)

“Việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 là công việc rất khó khăn, thách thức, nhưng khó đến mấy cũng phải làm, bởi chúng ta đặt mục tiêu sức khỏe, tính mạng, sinh mệnh của nhân dân là trên hết, là trước hết, nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch. Chúng ta có niềm tin sẽ làm được và củng cố niềm tin của người dân để người dân cùng tham gia, đóng góp cho nhiệm vụ này” – Thủ tướng khẳng định.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh: Việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 là việc liên quan đến sinh mạng, sức khỏe người dân nên rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Tuy nhiên, nhiệm vụ càng khó khăn, càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy trí tuệ tập thể, bàn bạc thấu đáo, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, giữ vững đoàn kết, thống nhất, tôn trọng lẫn nhau, quyết định theo đa số. Các đơn vị phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Do thời gian, nguồn lực đều có hạn nên phải làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, cụ thể là quyết tâm nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất bằng được vaccine COVID-19.

Về phân công, tổ chức thực hiện, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 là đầu mối, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine nói chung và vaccine phòng chống COVID-19 nói riêng. Xây dựng ngay chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine.

Thủ tướng giao Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine; báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về thể chế, tài chính, con người, quy trình thử nghiệm, đánh giá và cấp phép vaccine. Làm tốt công tác dự báo để cân đối cung cầu, điều tiết về mặt vĩ mô, tránh lãng phí nguồn lực. Xây dựng kế hoạch chiến dịch tiêm vaccine trong thời gian tới.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, trong đó có vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ… Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung các cơ chế về tài chính. Các bộ, ngành khác chủ động, tích cực phối hợp hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao.