Sau tiêm 150.000 liều vaccine COVID-19,Bắc Giang tập huấn kỹ năng xử lý phản ứng nặng cho cơ sở y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau đợt tiêm 150.000 liều vaccine phòng COVID-19, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đã họp với các cơ sở y tế trên toàn tỉnh để nâng cao kỹ năng xử lý phản ứng nặng sau tiêm chủng vào sáng nay, ngày 7/6. 
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân (Ảnh - BYT)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân (Ảnh - BYT)

Với sự hỗ trợ cả về nhân lực và vật lực của Bộ Y tế, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành tiêm 150.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân và người lao động trong 5 ngày, sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch ban đầu.

Đại diện Sở Y tế Bắc Giang cho biết: Việc tiêm vaccine có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp tỉnh Bắc Giang kiểm soát dịch bệnh và sớm khởi động lại hoạt động sản xuất, giúp cho các công nhân yên tâm và các công ty có điều kiện nhanh chóng quay lại sản xuất.

Trước mỗi đợt tiêm vaccine phòng COVID-19, Sở Y tế đều triển khai tập huấn trực tuyến đầy đủ và nghiêm túc đến từng cán bộ, nhân viên y tế tham gia tiêm chủng. “Đến nay, tỉnh đã triển khai ít nhất 3 đợt tập huấn về tiêm chủng trên địa bàn tỉnh cho cán bộ, nhân viên y tế. Các nội dung đều tập trung theo Thông tư hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng của Bộ Y tế. Ngoài ra các thông tin về vaccine, quy trình, lập kế hoạch tổ chức tiêm chủng, theo dõi sau tiêm và xử trí phản ứng nặng sau tiêm cũng được tập huấn đầy đủ” - đại diện Sở Y tế Bắc Giang cho hay.

ThS.BS. Nguyễn Quốc Thái - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh - Ngọc Mai)

ThS.BS. Nguyễn Quốc Thái - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh - Ngọc Mai)

Tại buổi tập huấn nâng cao kỹ năng xử trí phản ứng nặng sau tiêm (hình thức trực tiếp và trực tuyến) cho các cơ sở y tế trên toàn tỉnh, ThS.BS. Nguyễn Quốc Thái - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai – đã chia sẻ hướng dẫn cụ thể về những đối tượng tiêm chủng, đối tượng trì hoãn tiêm chủng (người đang mắc bệnh cấp tính, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con bằng sữa, người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày, đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng,...); cách thức tổ chức thực hiện buổi tiêm vaccine.

“Công tác tiêm vaccine phải được triển khai theo quy trình một chiều với đầy đủ các bàn chuyên môn theo quy định gồm: Bàn tiếp đón, kiểm tra nhiệt độ, phân loại đối tượng, ghi danh sách, sau đó đến khám sàng lọc. Cán bộ y tế bắt buộc phải khám sàng lọc kỹ trước tiêm, người tiêm ký cam kết tiêm chủng, theo dõi sát sau tiêm, xử trí phản vệ (nếu có) đúng quy định của Bộ Y tế. Đơn vị thực hiện tiêm chủng phải cung cấp số điện thoại của nhân viên y tế để người được tiêm liên hệ ngay khi có biểu hiện phản vệ xảy ra. Đối với những trường hợp cần theo dõi sát thì không cố tiêm trong cộng đồng mà phải chuyển tới bệnh viện để tiêm theo đúng quy định của Bộ Y tế” – BS. Thái cho hay.

Cũng trong buổi tập huấn, BS. Ngô Đức Hùng - Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai – đã cập nhật về cấp cứu trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng: cách thức phát hiện sớm và xử lý phản ứng nặng sau tiêm chủng, những lưu ý khi vận chuyển bệnh nhân có phản ứng nặng sau tiêm chủng.