Hai tháng đầu năm nay, lượng xuất bán xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất giảm đáng kể do các đầu mối nhập khẩu xăng dầu giảm khối lượng đăng ký mua. Lý do là việc khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xăng dầu giảm mạnh, đã tạo mức chênh lệch lớn về giá bán với xăng dầu trong nước. Trong khi thuế nhập khẩu xăng dầu áp dụng cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn giữ nguyên.
Cụ thể, trong kiến nghị mới đây của PVN (đồng gửi cho Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương), Tập đoàn này cho biết, việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất năm 2016 rất khó khăn do có sự chênh lệch về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của nhà máy này với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của VN khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt với sản phẩm dầu diesel (DO) và nhiên liệu bay Jet A1.
“Trước tình hình này, PVN đã chỉ đạo cũng như hỗ trợ Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) trong việc đàm phán, giảm giá bán (mức phụ phí với dầu DO áp dụng 6 tháng đầu năm 2016 và BSR đề xuất đã thấp hơn 1,3 USD/thùng so với 6 tháng cuối năm 2015), chia sẻ lợi nhuận với khách hàng nhưng các khách hàng chỉ đồng ý áp dụng thời hạn 2-3 tháng đầu năm 2016 và giảm khối lượng đăng ký mua”, PVN cho biết.
Theo PVN, ngay như Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex), khách hàng lớn nhất của PVN, cũng là doanh nghiệp lớn của Nhà nước cũng chỉ đồng ý áp dụng mức phụ phí trên cho 2 tháng đầu năm 2016 với khối lượng mua dầu diesel giảm từ 120.000 m3/tháng xuống còn 80.000 m3/tháng theo hợp đồng 2016.
Khó khăn lớn nhất với NMLD Dung Quất hiện nay chính là do chưa có sự điều chính về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng với sản phẩm của BSR, Công ty quản lý nhà máy này nên tất cả các khách hàng đã mua sản phẩm của nhà máy LDDQ vẫn tiếp tục đề nghị BSR giảm giá hơn nữa khiến kế hoạch kinh doanh của Công ty này trong năm 2016 đối diện nhiều rủi ro.
Không dừng lại ở đó, theo PVN, vừa qua, ngày 16.12.2015, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư mới số 201/TT-BTC về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của VN để thực hiện hiệp định thương mại tự do VN-Hàn Quốc, theo đó, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc sẽ áp dụng là 10%, trong khi thuế với sản phẩm xăng mua từ LD Dung Quất lại cao gấp đôi (20%), càng gây áp lực lớn đến hoạt động kinh doanh của BSR.
Theo ông Nguyễn Sinh Khang, Phó Tổng giám đốc PVN, trong cơ cấu sản phẩm của NMLD Dung Quất hiện nay, xăng dầu chiếm hơn 90% nên việc thuế từ các sản phẩm xăng dầu từ nhà máy này lại cao hơn nhập khẩu từ các nước sẽ khiến BSR không bán được xăng dầu.
“Tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn của NMLD Dung Quất và hiệu quả kinh doanh của Công ty BSR bởi chênh lệch thuế suất lớn sẽ dẫn đến khách hàng chỉ tập trung nhập khẩu”, ông Khang nêu. Để nhanh chóng tạo mặt bằng giá phù hợp, nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, PVN đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh thuế nhập khẩu với xăng, dầu DO, nhiên liệu bay Jet A1 để sản phẩm của NMLD Dung Quất còn bán được.
Theo Lao động